Từ sáng 6/9, thành phố Hà Nội đã bắt đầu bước sang một giai đoạn chống dịch mới theo phân vùng sau khi chính thức kết thúc đợt 3 gồm 45 ngày giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, tại vùng đỏ, thành phố sẽ tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 và siết chặt hơn một số biện pháp phòng dịch, 2 vùng còn lại sẽ áp dụng theo Chỉ thị 15 và một số biện pháp mức cao hơn.
Hiện nay, nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã có kế hoạch, phương án triển khai thực hiện giãn cách 3 vùng nhưng vẫn đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân và tổ chức sản xuất đối với các "vùng xanh".
Cụ thể, tại huyện Thạch Thất triển khai 3 vùng. Vùng nguy cơ cao là “vùng cam” gồm xã Phùng Xá, áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp mức cao hơn để từng bước duy trì sản xuất an toàn. Vùng nguy cơ là “vùng vàng” gồm Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, toàn bộ địa giới hành chính xã Hữu Bằng và một phần địa giới xã Bình Phú (thôn Phú Ổ) áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp mức cao hơn để đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn.
Vùng an toàn là “vùng xanh” gồm toàn bộ địa giới hành chính 5 xã Bình Phú, Bình Yên, Tân Xã, Hạ Bằng, Thạch Hòa và các xã, thị trấn Thạch Xá, Chàng Sơn, Cần Kiệm, Dị Nậu, Hương Ngải, Liên Quan, Phú Kim, Lại Thượng, Đại Đồng, Cẩm Yên, Kim Quan, Đồng Trúc, Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân. Vùng này áp dụng theo Chỉ thị 15 và một số biện pháp ở mức cao hơn theo nguyên tắc mỗi xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố, khu sản xuất là một pháo đài chống dịch, kết hợp tuân thủ 5K và cách ly khu dân cư có dịch.
Ông Lưu Ngọc Hà, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, quận quyết định triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo phân vùng tại Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9/2021 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội gồm 2 vùng (1,3) lấy sông Nhuệ phân định ranh giới. Nguyên tắc là thực hiện thống nhất các biện pháp phòng chống dịch theo các vùng, kiểm soát chặt chẽ người dân và hoạt động xã hội; hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh giữa các vùng. Việc phân vùng để phòng, chống dịch chứ không phải phân vùng để quản lý hành chính.
Tại các huyện "vùng xanh" nông nghiệp của thành phố Hà Nội như Thanh Oai, Gia Lâm, Ba Vì…, nông dân vẫn sản xuất để đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào. Theo ông Đặng Bá Thắng - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lan, hiện lượng nông sản trên đồng ruộng rất dồi dào, mỗi ngày hợp tác xã thu mua khoảng 2,5 - 3 tấn rau củ quả cung cấp ra thị trường. Từ nay đến 21/9 và thời gian tiếp theo, lượng nông sản vẫn đủ để cung cấp mỗi ngày từ 2 - 3 tấn, đáp ứng nhu cầu lương thực cho người tiêu dùng khi thực hiện Chỉ thị 20 của Thành phố.
Với 7 sản phẩm rau OCOP đạt hạng 4 sao cùng một số sản phẩm được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) từ nhiều năm nay, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) hiện là vùng rau an toàn lớn nhất của thành phố và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn làm điểm về mô hình kiểm soát, quản lý theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ trong cả nước.
Ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Hợp tác xã Văn Đức cho biết, hiện đơn vị đang cung cấp khoảng 30 tấn nông sản sạch trên địa bàn thành phố; trong đó, khoảng 2 - 3 tấn cung cấp tại huyện Gia Lâm, còn lại là phục vụ hệ thống siêu thị Aeon, Metro, Big C… và các quận, huyện khác. Xã Văn Đức là vùng rau chuyên canh nên lượng nông sản dồi dào, thời gian tới vẫn đảm bảo cung cấp từ 20 - 30 tấn/ngày cho Thủ đô, kể cả trong quá trình thực hiện Chỉ thị 20 và sau khi hết giãn cách.
Thực hiện giãn cách trong tình hình mới, đối với phân vùng 1, Sở Công Thương Hà Nội đã lên phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa cho khoảng 3,78 triệu người với 10 mặt hàng lương thực thực phẩm; 2 mặt hàng phòng chống dịch là khẩu trang kháng khuẩn và nước sát khuẩn cùng 4 mặt hàng thiết yếu khác phục vụ trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, với nguyên tắc “người ở vùng nào thì ở vùng đó”, thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, người dân được chính quyền địa phương phát phiếu mua hàng 2 lần/tuần cho từng gia đình. Các hộ có thể mua hàng trực tiếp tại điểm bán hàng hoặc mua tại điểm bán hàng lưu động và mua online.
Sở Công Thương Hà Nội yêu cầu doanh nghiệp, hệ thống phân phối xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung (trong và ngoài thành phố), điều động vận chuyển cung ứng hàng hóa, nguồn nhân lực phục vụ đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của người dân trong các phân vùng. Các doanh nghiệp chủ động đưa hàng dự trữ từ kho hàng ngoài phân vùng 1 vào kho hàng thuộc địa điểm trong phân vùng 1 để chủ động về nguồn hàng, không để thiếu hàng cục bộ.
Cùng đó, Sở Công Thương đề nghị các quận, huyện, thị xã, lực lượng chức năng đảm bảo cho xe vận chuyển được lưu thông bình thường qua chốt của thành phố và phân vùng để đảm bảo nguồn cung không bị đứt gãy.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, hiện các hệ thống phân phối trên địa bàn gồm: 103 siêu thị, 449 chợ và 9.546 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu. Cùng đó là 2.500 địa điểm bố trí làm kho, bán hàng lưu động; có 210 cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm; 52 doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm...