Như nhiều tỉnh, thành khác, Hà Nội từng bước linh hoạt, chủ động kích hoạt các hoạt động kinh tế, xã hội để trở lại trạng thái bình thường mới khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19".
Lấy người dân là trung tâm
Từ ngày 24/7 đến ngày 25/9, Hà Nội trải qua 4 đợt giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg để phòng, chống dịch COVID-19. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Thủ đô đã cơ bản khống chế được dịch, các quận, huyện đã chuyển sang cấp độ dịch tương ứng màu xanh hoặc màu vàng.
Tuy nhiên, Hà Nội là đầu mối giao thương trong nước và quốc tế, dân số đông, trong khi lại tiếp nhận người dân từ các tỉnh phía Nam về nên những ngày gần đây số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Hà Nội lại có dấu hiệu tăng. Ngày 9/11, được xem là kỷ lục từ trước tới nay, thành phố ghi nhận 222 ca dương tính, trong đó cộng đồng ở 105 ca, khu cách ly 97 ca, khu phong tỏa 20 ca. Dịch đã xuất hiện ở nhiều địa phương và diễn biến phức tạp.
Mặc dù vậy, người dân và chính quyền thành phố không quá hoang mang, luôn căn cứ vào Nghị quyết 128 của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế để triển khai các bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả theo tình hình thực tế. Hà Nội vẫn duy trì phương tiện công cộng, xe taxi; các siêu thị, cửa hàng, quán cafe, cửa hàng ăn, công viên, hoạt động thể thao trong nhà được hoạt động trở lại.
Ngày 8/11, tại huyện vùng xanh Ba Vì, UBND thành phố Hà Nội cho phép đón học sinh trở lại trường, bắt đầu đối với khối lớp 9. Đây là những học sinh đầu tiên của Hà Nội đi học trở lại sau hơn 6 tháng phải tạm dừng đến trường vì dịch COVID-19. Huyện Ba Vì sẽ là tiền đề để Hà Nội đánh giá mức độ an toàn khi cho học sinh trở lại trường học. Qua đó rút kinh nghiệm để triển khai tại các địa bàn khác trong thời gian tới.
Để thích ứng với diễn biến của dịch, Hà Nội đang từng bước đưa ra giải pháp vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế một cách chắc chắn, hiệu quả, phù hợp, bảo đảm an toàn.
Theo đó, thành phố sẽ thành lập và kích hoạt 508 Trạm Y tế lưu động, trong đó có 20 Trạm Y tế xã tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Hiện 30/30 quận, huyện, thị xã đã chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị trong việc triển khai Trạm Y tế lưu động. Bên cạnh đó, thành phố yêu cầu các địa phương nêu cao tinh thần chủ động ngay từ cấp cơ sở, không chỉ chủ động “4 tại chỗ” mà phải chủ động cả việc khoanh vùng, cách ly diện hẹp; trong đó trọng tâm là đánh giá nhanh cấp độ dịch để có biện pháp tương ứng.
Nhận định tình hình dịch ở mức cấp bách, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã duy trì thông suốt hệ thống liên lạc bất kể ngày đêm để phối hợp triển khai, điều phối công việc, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, ảm bảo vận hành hiệu quả các biện pháp dập dịch, nhất là tổ chức xét nghiệm, trả kết quả trong thời gian ngắn nhất...
Sau 1 tháng triển khai, nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội cho rằng Nghị quyết 128 là một quyết sách rất đúng đắn, hợp lý trong thời điểm hiện nay. Đây là cơ sở để thống nhất phương án chống dịch từ Trung ương đến địa phương, thực hiện mục tiêu khôi phục và phát triển kinh tế cho giai đoạn mới. Đại diện nhiều phường, xã phân tích, Nghị quyết 128 yêu cầu sự vào cuộc của chính quyền cơ sở linh hoạt hơn, cán bộ phải có trách nhiệm, trọng dân hơn, không thể dùng mệnh lệnh hành chính phong tỏa diện rộng khi trên địa bàn xuất hiện F0. Nghị quyết đòi hỏi, cấp xã phường phải đặt vị trí vào người dân để cách ly nhỏ nhất, giúp đời sống người dân được bảo đảm nhưng vẫn an toàn trong phòng, chống dịch.
Ở góc nhìn kinh tế, một số doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội bày tỏ tin tưởng, Nghị quyết 128 của Chính phủ sẽ là “chìa khóa” mở tất cả các cửa, bớt đi tình trạng chính sách chung nhưng mỗi địa phương lại thực thi riêng, giúp doanh nghiệp giảm được chi phí cũng như thời gian. Nhiều doanh nghiệp cũng nhìn nhận, Nghị quyết 128 của Chính phủ có nhiều điểm ưu việt, trong mọi tình huống, diễn biến của dịch COVID-19 đều có thể tổ chức sản xuất được. Khi sản xuất, chính quyền chỉ yêu cầu doanh nghiệp đáp ứng được các nội dung về phòng, chống dịch. Nghị quyết cũng đưa ra các giải pháp, tiêu chí thực hiện rõ ràng, thống nhất trên phạm vi cả nước để doanh nghiệp chủ động thực hiện, “cởi trói” một số ràng buộc, giúp khôi phục kinh tế nhanh và mạnh hơn.
Đẩy mạnh giám sát để thực hiện thống nhất
Để phát huy hiệu quả của Nghị quyết, có ý kiến cho rằng Chính phủ cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể và quán triệt thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Ngoài ra, Chính phủ cần có bộ phận giám sát việc thực hiện Nghị quyết của từng địa phương.
Nghị quyết 128 yêu cầu “cách ly nhỏ nhất có thể” nhưng thực tế một số địa phương chưa quán triệt sâu sắc nội dung này. Những ngày gần đây, Hà Nội liên tiếp phát hiện F0 tại cộng đồng nhưng việc xử trí tại mỗi nơi mỗi khác.
Ngày 2/11, tại tòa nhà G1 chung cư Sushine Garden, phường Mai Động, quận Hoàng Mai phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2. Lập tức UBND phường ra thông báo tạm thời không rời khỏi nơi cư trú đối với cư dân tòa nhà. Đến ngày 5/11, UBND quận Hoàng Mai ra quyết định phong tỏa tầng 17 của tòa nhà trên. Việc thay đổi quy mô cách ly nếu không được tuyên truyền tốt, diễn ra không theo một sự thống nhất, khiến người dân cảm thấy hoang mang, có phần bức xúc.
Việc thực hiện cách ly tại nhà cũng mỗi nơi một khác. Nhiều trường hợp ở tòa nhà G1 chung cư Sushine Garden đã nhờ mua sắm đồ ăn, đồ dùng chuẩn bị cho tinh thần “ở đâu ở đó” trong vòng 21 ngày cách ly tại nhà theo quyết định của UBND phường Mai Động. Nhưng ít ngày sau, các trường hợp F1 ở đây lại được địa phương này yêu cầu đưa đi cách ly tập trung. Tại xã Ninh Hiệp (Gia Lâm), trường hợp F1 có con nhỏ, già yếu được cách ly y tế tại nhà.
Gần đây, một số người dân Hà Nội có biểu hiện chủ quan lơ là các quy định phòng, chống dịch. Đông người đi trải nghiệm tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã dấy lên lo ngại về khả năng lây lan dịch bệnh, nhất là trông bối cảnh ca mắc trong cộng đồng ở Hà Nội tăng cao.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, quá trình khai Nghị quyết 128 và các hướng dẫn của các bộ, ngành nếu địa phương thấy chưa sát thực tế hoặc khó triển khai cần đề xuất với các bộ, ngành liên quan để sớm có hướng dẫn cụ thể; đồng thời gửi về Bộ Y tế, cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 để cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, Nghị quyết 128 được ban hành là hết sức kịp thời, phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay. Đây là Nghị quyết được người dân, doanh nghiệp, các tầng lớp xã hội mong đợi, đồng tình, đánh giá cao và cho rằng Nghị quyết đã tạo ra bước ngoặt trong tư duy, cách thức mới trong phòng, chống dịch. Chính sách chống dịch sẽ quy về một mối, thống nhất trong toàn quốc, góp phần bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.