Theo đề án, đối tượng được hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập, hoạt động trên địa bàn thành phố; các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đề án gồm 3 nhóm nhiệm vụ và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đó là, hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ cho hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ theo cơ chế của thành phố Hà Nội.
Mục tiêu của đề án nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố; phấn đấu tốc độ phát triển doanh nghiệp mới bình quân khoảng 10%/năm (bình quân khoảng 30.000 doanh nghiệp mới/năm), giai đoạn 2021-2025 có thêm 150.000 doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn thành phố.
Đề án nêu rõ, giai đoạn 2021-2025, doanh nghiệp nhỏ và vừa phấn đấu đạt được các chỉ tiêu: tạo thêm khoảng 1,5 triệu việc làm mới cho người lao động; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô; đóng góp trên 40% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và trên 30% ngân sách thành phố.
Đề án cũng sẽ hỗ trợ ít nhất 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thuộc các ngành: công nghệ thông tin; công nghiệp điện tử; cơ khí chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thành công. Dự kiến, kinh phí thực hiện đề án là hơn 832 tỷ đồng từ ngân sách thành phố và hơn 125 tỷ đồng từ kinh phí đối ứng của các tổ chức, cá nhân tham gia. Đề án được thực hiện từ năm 2021 đến hết năm 2025.
Cũng tại phiên họp, đề xuất để nâng cao chất lượng hiệu quả của Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025, đại biểu Đỗ Thùy Dương nêu ý kiến cần lưu ý những đối tượng được hỗ trợ theo mô hình “phễu”, tức là càng vào sâu, những doanh nghiệp có tiêu chí phù hợp với chủ trương, chiến lược phát triển các ngành mũi nhọn của thành phố thì sẽ được ưu tiên để tạo được đột phá trong phát triển doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, mục tiêu hỗ trợ 150.000 doanh nghiệp thành lập mới, chuyển đổi các hộ kinh doanh là một công việc khổng lồ. Vì vậy, trong cơ chế phối hợp, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nên có những đầu mối tuyên truyền rộng rãi đến các hiệp hội doanh nghiệp, ưu tiên cho các doanh nghiệp nữ làm chủ. Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương cũng gợi mở thành phố nên tập trung hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp có công nghệ cốt lõi và cần có sự kết nối chặt chẽ giữa cán bộ tổ chức thực thi với doanh nghiệp tham gia.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, từ đầu năm đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Hà Nội vẫn dự kiến thu hút khoảng 4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, 145 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới ước trên 26.000 doanh nghiệp, vào khoảng 20% số thành lập mới của cả nước, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô lên khoảng 303.000 doanh nghiệp, chiếm khoảng 23% so với cả nước.