Trong đó, phấn đấu có khoảng 400 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên và 10 sản phẩm tiềm năng 5 sao tham gia đánh giá và phân hạng sản phẩm cấp quốc gia; phát triển mới từ 30 - 40 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố.
Các nội dung chính là xây dựng hệ thống chỉ đạo, thực hiện Chương trình OCOP từ thành phố đến cơ sở; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Chương trình OCOP; đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn lực; triển khai đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; phát triển, nâng cấp sản phẩm; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm; nâng cao năng lực quản lý, kinh nghiệm triển khai Chương trình OCOP; kiểm tra, giám sát các chủ thể quản lý, duy trì, phát triển sản phẩm OCOP.
Thông qua các nội dung trên nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII) về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025".
Cùng với đó, phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế, chủ lực trên địa bàn thành phố đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP.
Đáng chú ý, UBND thành phố Hà Nội sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ 1.054 sản phẩm của 255 chủ thể đã được thành phố phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng cấp thành phố tham gia các hoạt động kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm.