Cơ quan chức năng đã xử lý 1.457 cơ sở vi phạm quy định an toàn thực phẩm; thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của 12 cơ sở; tiêu hủy sản phẩm không đảm bảo an toàn của 254 cơ sở; đình chỉ hoạt động 40 cơ sở vi phạm.
Cùng với thanh, kiểm tra, qua hoạt động xét nghiệm mẫu thực phẩm cũng phát hiện những tồn tại trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, trong tổng số 120 mẫu thực phẩm được xét nghiệm, có 5 mẫu không đảm bảo an toàn đối với các chỉ tiêu phân tích. Cơ quan chức năng cũng đánh giá sàng lọc chất lượng an toàn của thực phẩm và chế độ vệ sinh dụng cụ với 18.374 mẫu, phát hiện vẫn còn 7,6% số mẫu không đạt các điều kiện an toàn. Đáng chú ý, trong số những mẫu không đạt quy định, có nhiều sản phẩm còn tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật.
Theo Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, Tháng hành động Vì An toàn thực phẩm năm 2023 đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Một số địa phương, ngành, lĩnh vực đã có nhiều cách làm mới về quản lý an toàn thực phẩm như nhân rộng tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, xây dựng các chuỗi giá trị về an toàn thực phẩm, chợ đảm bảo an toàn thực phẩm. Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông được đẩy mạnh tới từng người dân…
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cơ sở sản xuất - kinh doanh có ý thức chưa cao trong thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm. Thói quen tiêu dùng của người dân vẫn sử dụng thực phẩm bán rong, chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nên nhiều cơ sở sản xuất chưa đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất - kinh doanh thực phẩm an toàn, khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn…Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm vẫn còn hạn chế. Một số địa phương chưa quyết liệt, chủ yếu vẫn là nhắc nhở nên tình trạng vi phạm vẫn còn, đặc biệt là ở tuyến xã, phường…