Không chỉ khai thác hiệu quả phương thức xúc tiến thương mại truyền thống mà Hà Nội còn đổi mới, đa dạng hóa phương thức xúc tiến thương mại thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động này, nhất là khi các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ... ngày càng đặt ra nhiều khắt khe về tiêu chuẩn, môi trường, chuyển đổi xanh đối với các nhóm hàng nhập khẩu của Việt Nam.
Đặc biệt, tận dụng ưu việt của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong cơ chế trao đổi thông tin, thực hiện nghiệp vụ xúc tiến thương mại trong mạng lưới cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại và cộng đồng doanh nghiệp; quảng bá sản phẩm nông nghiệp của thành phố Hà Nội...
Thành phố chú trọng khai thác, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, hỗ trợ rút ngắn thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia kinh tế, để thúc đẩy tiêu dùng, tăng cường xúc tiến thương mại, ngành công thương cần xây dựng chương trình xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn mang tính bền vững, liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh tại thị trường mục tiêu. Ngoài ra, ngành kết hợp với các chương trình xúc tiến thương mại của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế; kết hợp hoạt động xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, văn hoá, du lịch cũng như hoạt động quảng bá khác.
Đặc biệt, ngành công thương cần triển khai xúc tiến thương mại góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chú trọng xúc tiến xuất khẩu sản phẩm kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, không khuyến khích phát triển sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường. Qua đó hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới, tham gia sâu và hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng đó, ngành hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, đa dạng hóa xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh. Các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ tập trung vào những thị trường tiềm năng, ngành hàng chủ lực và ứng dụng công nghệ số. Để đạt mục tiêu này, ngành nên tiếp tục triển khai xúc tiến thương mại theo hướng đa dạng hóa thị trường, khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường trong các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường chủ lực, thị trường lớn; tăng cường khai thác các thị trường mới, tiềm năng.
Ngoài ra, các chuyên cũng cho rằng, ngành công thương cần xây dựng, triển khai kế hoạch xúc tiến thương mại theo định hướng về nhóm thị trường trọng điểm, nhóm mặt hàng ưu tiên theo từng giai đoạn, phù hợp với diễn biến của kinh tế thế giới, tận dụng cơ hội thị trường quốc tế cũng như thị trường trong nước. Đồng thời, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua chương trình tư vấn cung cấp thông tin sâu, cập nhật về thị trường, dự báo thay đổi về chính sách thương mại, tiêu chuẩn, quy định, thị hiếu tiêu dùng của thị trường nhập khẩu.
Ông Giafar Safaverdi, Giám đốc Khu vực Cung ứng Đông Nam Á, Công ty TNHH Dịch vụ IKEA Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện được xem là nguồn cung ứng gỗ quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Tập đoàn IKEA. Để giảm thiểu rủi ro với gỗ không đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng, bao gồm cả yêu cầu về pháp lý, yêu cầu đặt ra cho các đối tác là chỉ cung cấp và sử dụng nguyên liệu từ gỗ được FSC (Hội đồng quản lý rừng quốc tế) chứng nhận.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, khi làm việc với IKEA các nhà cung cấp cần tuân thủ việc tìm nguồn cung ứng cho các sản phẩm, vật liệu, linh kiện, dịch vụ một cách có trách nhiệm, phải đảm bảo các điều kiện kinh doanh về môi trường, xã hội, điều kiện làm việc của người lao động.
Tương tự Tập đoàn FH - một tập đoàn lớn chuyên về phân phối đồ gia dụng ở Đan Mạch. Qua tiếp xúc với lãnh đạo của tập đoàn này khi đến Việt Nam tìm nhà cung ứng, bà Nguyễn Hoàng Thúy cho biết là họ chỉ tìm những nhà cung cấp đã được cấp chứng chỉ BSCI, tức là bộ tiêu chuẩn đánh giá về việc tuân thủ trách nhiệm xã hội trong kinh doanh. Còn đối với các nhà cung ứng nhóm mặt hàng thực phẩm, sẽ phải đáp ứng các yêu cầu bắt buộc của Bắc Âu như an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu, các chứng nhận về môi trường, trách nhiệm xã hội.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 7,5 đến 8%/năm trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đã ban hành Chương trình số 03/CTr-UBND về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội năm 2024. Theo đó, Hà Nội đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương, tham gia hệ thống phân phối tại nước ngoài; khai thác hiệu quả các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống, đồng thời, đổi mới, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động này.
Theo chương trình đề ra, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, đầu tư như tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch với chủ đề Hà Nội và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng; vùng Đông Nam Bộ - Kết nối cùng phát triển - "Link to Grow"; tổ chức Chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch về các làng nghề Hà Nội kết hợp không gian trình diễn nghề cho các làng nghề truyền thống Hà Nội.