Hà Nội đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: Đưa Thủ đô trở lại trạng thái bình thường mới

Sáng 6/11, Hà Nội tổ chức hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn với các doanh nghiệp trên địa bàn trong bối cảnh dịch COVID-19. Hội nghị do UBND thành phố Hà Nội tổ chức; Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) là đơn vị chủ trì thực hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về nội dung.

Chú thích ảnh
Ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu khai mạc tại hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn  đối với doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội cho biết: Hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội, được diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư kể từ ngày 27/4/2021 đến nay, đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội của Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống sinh hoạt của nhân dân

Với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe, sự an toàn và tính mạng cho nhân dân; hạn chế tối đa sự ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế xã hội của Thủ đô và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;

Thành phố đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo phương châm phòng, chống dịch bệnh từ sớm, từ xa và luôn chuẩn bị các điều kiện, các phương án phòng, chống dịch bệnh ở cấp độ cao hơn để tránh bị động, bất ngờ trong mọi tình huống của dịch bệnh.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, kết quả đến nay cho thấy, Thành phố cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh và đang từng bước thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả tình hình dịch bệnh, đưa Thủ đô trở lại trạng thái bình thường mới.

Cùng với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, Thành phố đã tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống cho người dân, người lao động, hộ kinh doanh và các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19. Tính đến nay, Ngân sách Thành phố và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và các cấp, các ngành của Thành phố đã chi hỗ trợ bằng tiền mặt cho trên 4,3 triệu lượt đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, với số tiền hỗ trợ là 4.276 tỷ đồng; đã bố trí Ngân sách của Thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố với số tiền 1.050 tỷ đồng, qua đó đã thực hiện cho 9.886 người lao động vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tạo việc làm, với tổng số tiền là 476 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhận định: Những kết quả bước đầu đạt được trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Thành phố trong thời gian qua, là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố, trong đó có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn khi thành phố thực hiện biện pháp giãn cách xã hội; Tuy nhiên, với ý thức trách nhiệm cao, các doanh nghiệp đã nghiêm túc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Thành phố, chủ động xây dựng và vận hành phương án sản xuất kinh doanh thích nghi với tình hình dịch bệnh và phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp.

Trân trọng và đáng quý hơn nữa, trong thời gian qua, mặc dù bị tổn thất nhiều về mặt kinh tế do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19; nhưng nhiều doanh nghiệp, doanh nhân và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đã chung tay, góp sức cùng Thành phố, tham gia tích cực trong việc hỗ trợ cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế, nhu yếu phẩm, phương tiện vận chuyển và nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực khác; qua đó đã chung tay cùng Thành phố từng bước kiểm soát tình hình dịch Covid 19.

Đây thực sự là những hành động và nghĩa cử cao đẹp, thể hiện sâu sắc truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam.

Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển doanh nghiệp; Thành phố luôn xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong phát triển kinh tế, là lực lượng quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Thành phố đã đề ra; được Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp và pháp luật; được đảm bảo quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như: vốn, tài nguyên, đất đai… và đầu tư kinh doanh.

“Với phương châm lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ; Thành phố đã và đang tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn, bất cập về cơ chế chính sách, về thủ tục hành chính để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết.

Kết quả đến nay cho thấy, Thành phố Hà Nội đã thu hút được trên 201.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đang hoạt động trên địa bàn Thành phố, đứng thứ 2 trên toàn quốc và chiếm tới 23,7% tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước, góp phần cùng Thủ đô đóng góp 16% GDP, 18,5% tổng thu NSNN, 8,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước;

Thay mặt Lãnh đạo Thành phố Hà Nội, tôi xin ghi nhận, biểu dương và trân trọng cám ơn các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, đã và đang đóng góp nguồn lực rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Những nỗ lực của Thành phố Hà Nội trong thời gian qua, được xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao; tuy nhiên, chúng tôi cũng thẳng thắn nhìn nhận, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của Thủ đô.

Tổng sản phẩm GRDP của Thành phố 9 tháng đầu năm 2021 tuy vẫn tăng trưởng dương 1,28% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn so với kế hoạch đề ra; mặc dù, trong 10 tháng năm 2021, số lượng doanh nghiệp hoạt động trở tăng 76%, nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lại giảm 10%, doanh nghiệp giải thể tăng 26%, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 17% so với cùng kỳ năm trước;

Nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, một số chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ bị giãn đoạn; việc giao thương hàng hóa, đi lại của các doanh nhân, các chuyên gia, người lao động cũng gặp nhiều khó khăn và bị xáo trộn bởi đại dịch COVID-19.

Đồng hành và chia sẻ trước những khó khăn của doanh nghiệp; với phương châm sức khỏe của doanh nghiệp là sức khỏe của nền kinh tế; chính quyền Thành phố đã và đang nỗ lực hết mình, thực hiện đồng bộ các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh sớm nhất và nhanh nhất; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid 19.

Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục Thuế Tp.Hà Nội thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho trên .000 lượt doanh nghiệp, người nộp thuế, với tổng số tiền đã thực hiện là 22.600 tỷ đồng.

Cùng với đó, trong phạm vi và thẩm quyền của Thành phố, chúng tôi đã tập trung cải cách thủ tục hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các Quận, huyện, Thị xã của Thành phố, khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các công trình, dự án, các điểm nghẽn gây ách tắc cho doanh nghiệp và người dân một cách thực chất và hiệu quả, tránh hình thức, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh, đất đai, giải phóng mặt bằng, quy hoạch, xây dựng…

Hà Nội, với vị thế là Thủ đô, là trái tim của cả nước, là trung tâm chính trị hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; là một trong hai trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam; và là trung tâm của Vùng Thủ đô.

Thành phố đặt mục tiêu xây dựng Thủ đô trở thành Thành phố “Xanh, Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”, xây dựng thành phố thông minh, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực, giữ vững danh hiệu Thành phố vì hòa bình, duy trì tốc độ phát triển nhanh, bền vững và toàn diện.

Thành phố Hà Nội quyết tâm đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên phát triển ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Phát triển hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội; phát triển hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô. Đẩy mạnh công tác chỉnh trang, phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững. Tạo chuyển biến căn bản đối với các vấn đề dân sinh cấp bách về giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, quá tải bệnh viện; Chú trọng phát triển văn hóa, lịch sử và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, ngàn năm văn hiến và anh hùng.

Thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai, đô thị, trật tự đô thị và trật tự xây dựng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp một cách thực chất và hiệu quả hơn; Nâng cao ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức của Thành phố.

Thành phố khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để chào đón và thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trên địa bàn Thủ đô, cam kết bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Thành phố cũng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư kinh doanh và các nghĩa vụ đối với Nhà nước; Thực hiện liêm chính trong kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội, đối với cộng đồng; Thực hiện phát triển doanh nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường và giữ gìn lịch sử, bản sắc văn hóa và con người Việt Nam.

Xác định ngoại lực đến từ các nhà đầu tư nước ngoài là nhân tố quan trọng, nội lực đến từ các doanh nghiệp trong nước là nhân tố quyết định đến sự phát triển bền vững, tính tự chủ của nền kinh tế;

Tiếp ngay sau Hội nghị đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài, hôm nay Thành phố tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp trong nước để lắng nghe, đối thoại về các khó khăn, vướng mắc từ phía các doanh nghiệp trong nước; đặc biệt là những kiến nghị, đề xuất, những sáng kiến, kinh nghiệm để Thành phố có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển;

Các kiến nghị, đề xuất từ phía doanh nghiệp, các Hiệp hội cũng sẽ là cơ sở quan trọng để Thành phố thực hiện các giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế một cách thực chất hơn và hiệu quả hơn, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn và lành mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư kinh doanh trên địa bàn Thủ đô.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp được thẳng thắn chia sẻ và đối thoại; Thành phố Hà Nội cam kết sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, lắng nghe và giải quyết thấu đáo ngay tại Hội nghị đối với những kiến nghị, đề xuất chính đáng từ phía doanh nghiệp, và tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với những kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền của Thành phố.

“Chúng tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị cao của chính quyền các cấp, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân; cùng ý chí tự lực, tự cường; tinh thần yêu nước và khát vọng vươn lên của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, chúng ta sẽ sớm vượt qua đại dịch Covid 19, phục hồi mạnh mẽ các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định.

 

XC/Báo Tin tức
Ngành BHXH Việt Nam đạt nhiều tiến bộ trong ứng dụng công nghệ thông tin
Ngành BHXH Việt Nam đạt nhiều tiến bộ trong ứng dụng công nghệ thông tin

Đây là đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận tổ, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV vừa qua về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN