Hà Nội dự kiến đến năm 2030 sẽ tổ chức 10 làn đường ưu tiên cho xe buýt

Nhằm đạt mục tiêu tỷ lệ đáp ứng vận tải hành khách công cộng đạt khoảng 25% vào năm 2030, thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng giai đoạn từ năm 2021 – 2030, trong đó dự kiến sẽ tổ chức 10 làn đường ưu tiên cho xe buýt. 

Chú thích ảnh
Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã xây dựng lộ trình tổ chức thêm nhiều tuyến buýt mới, tăng cường kết nối hệ thống buýt, mở rộng địa bàn phục vụ ra khu vực ngoại thành. Ảnh tư liệu: Huy Hùng/TTXVN

Cụ thể, giai đoạn 2021-2025 nghiên cứu để tổ chức 5 làn ưu tiên với tổng chiều dài gần 23km trên các tuyến đường Hoàng Quốc Việt (2,5km), Trần Duy Hưng (1,7km), Xã Đàn (1,7 km); Võ Chí Công (4,7km); Võ Văn Kiệt (12km).

Giai đoạn 2026-2030, Hà Nội dự kiến tổ chức 5 làn ưu tiên với tổng chiều dài hơn 82km trên các tuyến Nhổn - Hồ Tùng Mậu (5km), Ngọc Hồi – Bến xe Thường Tín (9,3km), Trần Duy Hưng - Hòa Lạc (27km); Mỹ Đình - Nội Bài (25km, đoạn từ Bến xe Mỹ Đình - đường Phạm Hùng - đường Phạm Văn Đồng - cầu Thăng Long - đường Võ Văn Kiệt - Sân bay Nội Bài), Thường Tín - Phú Xuyên (16km, dọc theo quốc lộ 1 cũ).

Cùng với việc tổ chức làn đường ưu tiên, thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu, tổ chức hợp lý hóa mạng lưới tuyến xe buýt để tăng tính kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị; số hóa hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt. Đồng thời xây dựng các điểm trung chuyển kết nối mạng lưới tuyến xe buýt; triển khai các loại hình giao thông tiếp cận (xe đạp công cộng ...), các điểm trông giữ phương tiện cá nhân cho hành khách đi xe buýt...

Theo kế hoạch phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội giai đoạn từ năm 2021-2030, Hà Nội đặt mục tiêu nâng tỷ lệ đảm nhận của xe buýt đạt 10,5% vào năm 2020 (tương ứng cần khoảng 2.500 phương tiện sức chứa trung bình 60 chỗ).

Tỷ lệ này sẽ đạt khoảng 16-18% vào năm 2025 (tương ứng cần khoảng từ 4.000 - 4.500 phương tiện sức chứa trung bình 60 chỗ) và khoảng 25% vào năm 2030 (tương ứng cần từ 6.700 - 6.800 phương tiện sức chứa trung bình 60 chỗ).

Mặc dù hiện nay, vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội tuy chưa đạt như kỳ vọng nhưng với mạng lưới 122 tuyến xe buýt, bao phủ toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn toàn thành phố, Hà Nội đã đảm bảo được 16,8% nhu cầu đi lại của người dân.

Đến năm 2030, thành phố đặt mục tiêu sẽ có từ 80 - 90% người dân tại khu vực trung tâm thành phố có thể tiếp cận sử dụng xe buýt trong phạm vi 500m.

Tuyết Mai (TTXVN)
Những hình ảnh đầu tiên của xe buýt điện 'made in Việt Nam' vận hành
Những hình ảnh đầu tiên của xe buýt điện 'made in Việt Nam' vận hành

Sáng 20/10, hình ảnh xe buýt điện VinFast chính thức chạy thử nghiệm trên đường nội khu của nhà máy khiến dư luận xôn xao. Ngoại hình ấn tượng và những công nghệ hiện đại của “tân binh” buýt điện một lần nữa khẳng định định hướng đầu tư và phát triển các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường của hãng xe Việt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN