Tại lễ ký kết, bà Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội cho biết, dự thảo Quy chế phối hợp giữa 4 cơ quan giai đoạn 2021-2026 gồm 3 chương, 26 điều, với nhiều nội dung quan trọng như: Công tác bầu cử Đại biểu quốc hội (ĐBQH), đại biểu HĐND và bầu Hội thẩm nhân dân; tổ chức lấy ý kiến đóng góp xây dựng Luật, pháp lệnh- phản biện xã hội- phổ biến giáo dục pháp luật; tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri; phối hợp tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân…
Nguyên tắc của Quy chế phối hợp là đảm bảo tính thống nhất, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết công việc theo quy định của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Thành ủy và theo quy chế này.
Tại lễ ký kết, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá cao sự chủ động của Thường trực HĐND thành phố cùng các cơ quan trong việc đề xuất, chủ trì xây dựng Quy chế phối hợp, đồng thời khẳng định việc ký, ban hành quy chế phối hợp thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ và quyết tâm của 4 cơ quan, nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn nữa trong việc thực hiện công việc chung có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, qua đó góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trên các lĩnh vực công tác của thành phố trong thời gian tới.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, năm 2022 thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề công tác là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển”; để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra, đòi hỏi sự đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Với tinh thần đó, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, việc 4 cơ quan đại diện cho cử tri, cho các cơ quan hành pháp của Thủ đô tổ chức ký Quy chế phối hợp công tác trong giai đoạn 2021-2026 là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng để từng cơ quan chủ động, xác định rõ hơn vai trò, vị trí, trách nhiệm trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật; đồng thời nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ công tác, góp phần xây dựng các cơ chế chính sách và tổ chức triển khai thực hiện, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước vào cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và bảo đảm đời sống, lợi ích chính đáng của nhân dân.
Để nâng cao hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện Quy chế, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các cơ quan, đơn vị cần bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố và chương trình công tác toàn khoá của Thành ủy đã ban hành để lựa chọn những vấn đề trọng tâm, cụ thể hóa trong kế hoạch thực hiện quy chế phối hợp, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy khóa XVII để báo cáo nội dung theo đúng thẩm quyền.
Đối với các nội dung phối hợp công tác có thời hạn thực hiện đã nêu tại Quy chế, ông Đinh Tiến Dũng đề nghị các đồng chí lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo bộ phận tham mưu chủ động tham mưu, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, đặc biệt đối với các nội dung chuẩn bị nội dung, chương trình và tổ chức kỳ họp HĐND thành phố, coi đây là thước đo đánh giá chỉ số “phối hợp nội bộ” của các cơ quan hành chính của thành phố, qua đó tạo sự lan tỏa để các sở, ban, ngành thành phố và các quận, huyện, thị xã cùng học tập, làm theo.
“Trong công tác phối hợp, các cơ quan cần gắn với việc tiếp tục hoàn thiện nâng cao chất lượng làm việc theo tinh thần “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm), tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính và hiệu lực hiệu quả. Phát huy cao độ quyền làm chủ của người dân; không chỉ mối quan hệ của 4 cơ quan mà là mối quan hệ giữa dân với chính quyền, tạo ra cơ chế, môi trường thuận lợi để phát triển nhằm chăm lo của người dân tốt hơn”, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yên cầu 4 cơ quan ký kết Quy chế cần nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân từ việc tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, tiếp nhận, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; theo dõi kết quả xử lý các ý kiến, kiến nghị sau tiếp xúc cử tri… đảm bảo ý kiến của người dân được tiếp thu và chuyển đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Đặc biệt, cần quan tâm đến công tác thông tin, tuyên truyền những nội dung trên để người dân nắm được các chủ trương, cơ chế, chính sách, quy định của nhà nước… qua đó góp phần thu hút sự tham gia của người dân vào thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống người dân.