Trong đó, xác định mục tiêu và triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp để thực hiện giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể.
Xác định quy mô giãn cách ở phạm vi nhỏ nhất
Công điện trên yêu cầu một số nội dung, trong đó đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xét nghiệm và một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội. Đây là những chỉ đạo mới để phù hợp với tình hình thực tiễn trong bối cảnh dịch đang dần lắng xuống tại nhiều địa phương; cũng như để các tỉnh, thành phố đang thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng bám sát chủ trương trong việc chuẩn bị nới lỏng giãn cách xã hội và cho phép các dịch vụ hoạt động trở lại.
Bộ Y tế - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nhận định, công tác phòng, chống dịch vẫn còn một số tồn tại như thực hiện chưa nghiêm việc giãn cách, chưa xác định được mục tiêu, phạm vi, thời gian, các giải pháp kiểm soát dịch, nhất là công tác xét nghiệm, dẫn đến phải thực hiện giãn cách kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc các công điện, kết luận của Thủ tướng Chính phủ và tập trung một số nội dung như: khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố…).
Xác định mục tiêu thực hiện giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể (trong thời gian 14 ngày) và triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp bao gồm: Thực hiện nghiêm việc giãn cách; đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân, không để thiếu ăn, thiếu mặc; triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp về y tế như xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng, bảo đảm người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở; đảm bảo an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội; tuyên truyền, vận động và huy động người dân tham gia công tác phòng, chống dịch…
Một vấn đề nữa mà Công điện của Bộ Y tế đề cập, thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch. Đối với các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao phải xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày, ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để bóc tách ngay các trường hợp F0 nhằm cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời…
Chia nhỏ vùng giãn cách, mở rộng vùng sản xuất
Thành phố Hà Nội đang triển khai rất nhiều biện pháp, giải pháp để vừa chủ động linh hoạt, vừa bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để “khớp” với thực tiễn.
Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết, trên tinh thần chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15/9, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 3084/UBND-KGVX về điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Theo đó, kể từ ngày 16/9 cho phép các địa bàn các quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng (tính từ ngày 6/9 đến ngày 15/9) mở một số dịch vụ thiết yếu như: Kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng; dịch vụ ăn uống đóng gói mang về và đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày. Ngay sau văn bản của UBND thành phố, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành ngay công văn số 14623/SYT-NVY để cung cấp số liệu, có 18 quận, huyện tính từ ngày 6/9 tới nay không có ca F0 và được phép mở dịch vụ nêu trên.
Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, việc cho phép một số địa bàn mở dịch vụ là căn cứ vào tình hình dịch thực tế tại địa phương, đây cũng là phương thức cho mở dần, cuốn chiếu, ngày càng thu hẹp diện phong tỏa, tiếp tục mở rộng, nới lỏng giãn cách. Thành phố cũng chủ động tính đến chia nhỏ vùng phong tỏa, thậm chí tại các ngõ, tổ dân phố. Khi chia nhỏ vùng phong tỏa thì ở các vùng lân cận, xã phường, quận huyện vẫn có thể hoạt động, nhưng đề cao biện pháp phòng, chống dịch hơn.
Lãnh đạo UBND thành phố cũng nêu rõ, trong trường hợp phát sinh ca F0 mới, phải thần tốc khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm bóc tách nguồn dịch, nguy cơ lây nhiễm ra khỏi cộng đồng.
Thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng các kịch bản và tùy diễn biến của dịch để trình Thường trực Thành ủy Hà Nội thông qua việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 sau thời điểm ngày 21/9 tới. Các kịch bản này cũng tính tới chia nhỏ vùng phong tỏa tận từng tổ dân phố nếu có dịch. Đồng thời, cho phép nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh mở cửa trở lại trên phạm vi rộng hơn và không phân chia 3 vùng như đang áp dụng.
Thành phố Hà Nội cũng đang đẩy nhanh nước rút giai đoạn cuối cùng để thần tốc xét nghiệm sàng lọc và tiêm phòng vaccine cho toàn dân, mục tiêu đặt ra đã gần đạt được, trong đó có rất nhiều quận, huyện đạt và vượt chỉ tiêu thành phố giao.
Thành phố cũng tiến hành xét nghiệm 3 lần/tuần cho tất cả người dân trong vùng phong tỏa. Nếu sau 14 ngày, vùng phong tỏa không phát sinh ca nhiễm mới trong cộng đồng thì sẽ thu hẹp và tiến tới tháo dỡ toàn phần.
Về công tác tuyên truyền, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết, ngày 15/9, thành phố đã ban hành văn bản phát động triển khai đợt cao điểm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19.
Đây là hoạt động nhằm nâng cao hơn nữa ý thức tự giác của cán bộ và nhân dân trên địa bàn Thủ đô về việc chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, góp phần nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn. Thành phố sẽ tuyên truyền theo hướng lựa chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm, ngắn gọn, dễ hiểu, đa dạng hóa các hình thức liên quan đến phòng, chống dịch, góp phần hình thành thói quen thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong lối sống.