Viện Kiểm sát nhân dân thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp và chính quyền địa phương giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Cơ quan điều tra đã khởi tố 4.197 vụ án, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố phê chuẩn quyết định khởi tố 6.280 bị can, giảm 767 vụ (15,4%), 567 bị can (8,3%) so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, đối với tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, ngành chức năng phát hiện và khởi tố hai vụ với hai bị can (giảm 2 vụ/1 bị can so với cùng kỳ năm 2021).
Cụ thể, vụ Hoàng Trọng Quang tham gia tổ chức khủng bố “Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời”, sử dụng tài khoản facebook đăng tài 19 bài viết có nội dung chính trị xấu, cổ xúy, kích động người dân tham gia ùng hộ tổ chức khủng bố “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, trong đó có 4 bài viết có nội dung xuyên tạc, phi báng chính quyền nhân dân, tung tin bịa đặt gây hoang mang trong dư luận. Vụ Trương Văn Dũng có hành vi phát tán trên không gian mạng các thông tin phi báng, đả kích chính quyền, nói xấu chế độ, xuyên tạc sai sự thật về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam, công kích các đồng chí lãnh đạo, gây chiến tranh tâm lý.
Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội Đào Thịnh Cường, mặc dù giảm so với cùng kỳ năm 2021, song tình hình tội phạm 6 tháng đầu năm 2022 tiềm ẩn gia tăng ở nhóm tội kinh tế, chức vụ, tham nhũng. Bên cạnh đó, những ảnh hưởng tiêu cực từ đời sống xã hội và kinh tế cũng là một nguyên nhân dẫn đến các tội phạm liên quan đến trị an, sở hữu, tranh chấp dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại diễn biến đa dạng, phức tạp. Đáng lưu ý, số vụ án hình sự khởi tố mới ở các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh tăng đột biến như huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Hà Đông, Đông Anh.
Do vậy, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị HĐND thành phố chỉ đạo các cơ quan có liên quan tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội trên tất cả các lĩnh vực, thường xuyên thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý; duy trì hiệu quả hoạt động của các Ban Chỉ đạo công tác liên ngành; tăng cường tuyên truyền, phổ biển pháp luật đến người dân để phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật và giảm thiểu các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân.
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo, tuy nhiên, hiện tượng lừa đảo qua mạng, giả danh cơ quan pháp luật, cơ quan Nhà nước để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản vẫn xảy ra nhiều, thậm chí cả với những người có trình độ, số tiền bị chiếm đoạt đến nhiều tỷ đồng. Do đó, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị HĐND thành phố chỉ đạo các cơ quan có liên quan tiếp tục tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân, các đơn vị cung cấp viễn thông, các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng nâng cao cảnh giác, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp lừa đảo này.
Cũng tại kỳ họp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội Đào Sỹ Hùng cho biết, trong 6 tháng qua, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội đã thụ lý 23.163 vụ việc các loại; giải quyết 14.404 vụ việc, đạt 62,18%. Đặc biệt, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội đã giải quyết được nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương, được dư luận đồng tình ủng hộ. Điển hình như vụ án Nguyễn Quốc Anh và đồng phạm bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai... Những thiếu sót trong công tác xét xử đã được kiến nghị và chấn chỉnh kịp thời nhằm nâng cao chất lượng giải quyết các loại án của Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội.
Trong 6 tháng cuối năm, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử; đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án được dư luận quan tâm, áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với đối tượng chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản nhà nước, chú trọng công tác thu hồi tài sản, kiên quyết khởi tố vụ án tại phiên tòa nếu phát hiện tội phạm mới và người phạm tội mới.