Nhằm cụ thể hóa Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô, giai đoạn 2021-2025”, năm 2022, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng kế hoạch và các biện pháp cụ thể để hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động. Toàn thành phố phấn đấu năm 2022 giải quyết việc làm mới cho 160 nghìn lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,2%.
Các cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, chủ động, linh hoạt phục hồi, phát triển kinh tế theo lộ trình có kiểm soát với tiêu chí an toàn là trên hết và cao hơn tiêu chí chung của cả nước; thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển thị trường lao động Thủ đô toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, nhanh và hiệu quả các chính sách của Chính phủ. Thành phố tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động trên địa bàn với thị trường lao động của cả nước.
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của thành phố xác định việc hỗ trợ, phát triển thị trường lao động là nhiệm vụ trọng tâm gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người lao động làm trung tâm phục vụ: Vừa là chủ thể phục hồi, phát triển thị trường lao động, vừa tích cực, chủ động sáng tạo và phối hợp trong công tác phòng, chống dịch bệnh; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và phát huy thế mạnh nguồn lực lao động vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục sự lãng phí nguồn nhân lực lao động, tạo nguồn thu nhập, làm giàu cho người lao động, phát triển cộng đồng - xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao cuộc sống, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp và tăng cường an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn thành phố.
Theo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô năm 2021 tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19, đặc biệt đợt dịch thứ ba và thứ tư làm cho hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề; trong đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, đời sống và thu nhập của công nhân lao động. Trước tình hình đó, Thành ủy - UBND thành phố Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ “mục tiêu kép” - vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm thiểu những tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2021, trên địa bàn Hà Nội có 25.190 doanh nghiệp thành lập mới (giảm 5% so cùng kỳ), với số vốn đăng ký khoảng 345 nghìn tỷ đồng (giảm 16% vốn đăng ký so cùng kỳ); 2.200 doanh nghiệp (tăng 36%) thực hiện thủ tục giải thể, 9.300 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 19%), 7.400 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 72%).
Liên đoàn Lao động thành phố đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp hoạt động 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 25 Công đoàn cơ sở trực thuộc với tổng số 9.453 Công đoàn cơ sở và 633.810 đoàn viên; trong đó, khu vực sản xuất kinh doanh có 6.026 Công đoàn cơ sở với 439.2 đoàn viên công đoàn.