Ngày 8/3, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã có cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội và ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chủ trì buổi làm việc.
Liên quan đến công tác phát triển Giáo dục-Đào tạo của TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025, công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các trường học trên địa bàn, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Thành phố đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, văn bản, kế hoạch, chỉ đạo nhằm tạo điều kiện cho ngành GD&ĐT linh hoạt, thuận lợi triển khai các nhiệm vụ, chương trình năm học; thực hiện thành công “mục tiêu kép”: Vừa phòng chống dịch, vừa tổ chức dạy tốt, học tốt.
Trước khó khăn, thách thức do dịch COVID-19, Hà Nội đã thống nhất chủ trương giảm 50% học phí năm học 2021-2022 cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập, dân lập, tư thục, nhằm chia sẻ khó khăn cho người dân cũng như các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục trên địa bàn.
Với tinh thần “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, Thành phố đã chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo kịp thời triển khai việc dạy, học trên truyền hình, dạy học trực tuyến, học trên phần mềm ôn tập, kiểm tra trực tuyến giúp cho hoạt động dạy học của giáo viên và các em học sinh không bị gián đoạn.
Ngành Giáo dục Thủ đô xác định trọng tâm giai đoạn 2021-2025 phấn đấu tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 80-85%; đổi mới công tác quản lý giáo dục đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học và quản lý giáo dục; đầu tư cơ sở vật chất, tăng nguồn lực cho phát triển giáo dục; tiếp tục xây dựng nhà trường theo hướng kiên cố hoá, hiện đại hoá, chuẩn hóa và xã hội hóa; triển khai có hiệu quả các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học…
Ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định: Bài toán quy hoạch mạng lưới là vô cùng quan trọng, giảm tải trong nội đô - đây là việc dài hơi. Phát triển giáo dục phải phù hợp với phát triển kinh tế xã hội từng địa phương, từng địa bàn và phù hợp chung với cả nước.
Ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh đến việc xây dựng trường chuẩn quốc gia và quan tâm đến nhóm vấn đề liên quan đến đội ngũ giáo viên. Cùng với đó là tiếp tục các giải pháp nâng cao chất lượng, tăng cường xã hội hóa giáo dục, cải cách hành chính… Công tác phòng chống COVID-19 trong trường học cũng sẽ được tiếp tục quan tâm chỉ đạo theo hướng thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Về khó khăn, báo cáo của TP Hà Nội chỉ rõ việc vẫn còn một số phường trong các quận nội thành còn thiếu trường công lập do hết quỹ đất, một số phường đã có trường nhưng không đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh do dân số trên địa bàn phường quá đông. Quản lý các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục do một số điểm chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư so với Luật Giáo dục và Điều lệ trường học của các cấp học như tỷ lệ học sinh người Việt Nam trong các trường quốc tế, tạo rào cản hạn chế sự thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Các trường công lập của Hà Nội thiếu giáo viên và nhân viên, đội ngũ giáo viên các trường ngoài công lập thường xuyên biến động...
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội thừa nhận, chất lượng giáo dục không đồng đều giữa các vùng miền trên địa bàn Thành phố; thiếu quỹ đất cho giáo dục ở một số quận nội thành; quản trị trường học chưa theo kịp xu thế phát triển kinh tế xã hội…
Theo ông Nguyễn Văn Phong, mục tiêu định hướng lớn của Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2045 xác định giáo dục đào tạo Hà Nội phải là giáo dục đào tạo chất lượng cao hàng đầu của cả nước, có năng lực cạnh tranh với quốc tế. Muốn làm được việc này, cần thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp ra khỏi nội đô; tính toán, cân nhắc lại tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các đô thị đặc thù, trước mắt với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Với áp lực tăng dân số cơ học vô cùng lớn, nếu không linh hoạt về đội ngũ, tổ chức bộ máy, thì Hà Nội sẽ luôn trong tình trạng “ăn đong”.
Tại buổi làm việc, các Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đều đánh giá cao kết quả mà ngành GD&ĐT Thủ đô đạt được trong thời gian qua; đồng thời đề nghị TP Hà Nội cần giải pháp để rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các quận huyện trên địa bàn; quan tâm đến quỹ đất cho giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục đại trà; giảm sĩ số học sinh trên lớp, giảm số lớp trong một trường; chăm lo công tác bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên; quan tâm cơ chế chính sách, đặc biệt là số người làm việc trong các phòng Giáo dục và Đào tạo; chú trọng phát huy tối đa nguồn lực trí tuệ từ các trường đại học đóng trên địa bàn; có định hướng rõ ràng để hỗ trợ việc di dời cơ sở giáo dục đại học ra khỏi nội đô; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục...
Chia sẻ với Thủ đô Hà Nôi, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, Hà Nội cần hướng đến hệ thống chuẩn cao hơn chuẩn cả nước và hướng tới chuẩn quốc tế trong giáo dục; đặc biệt trong đó là chất lượng giáo dục.
Về một số việc cần làm, ông Nguyễn Kim Sơn đề nghị Hà Nội cần có một kế hoạch, thậm chí là chiến lược, để làm sao đạt mục tiêu giảm được sĩ số học sinh/lớp; một con số Bộ trưởng đơn cử là “không còn lớp học nào sĩ số trên 40 học sinh”.
Đây là việc rất lớn và cần vận dụng mọi giải pháp để đạt được mục tiêu này; trong đó có giải pháp cho từng nhóm, từng khối, từng khu vực; khối đô thị cổ có giải pháp khác, khối đô thị cũ có giải pháp khác, đô thị mới hiện đại có giải pháp khác.
Về giải pháp chính sách, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị TP Hà Nội cần thiết xem xét thí điểm, ban hành một số chính sách riêng cho Thủ đô; chẳng hạn về hợp tác công tư trong giáo dục, mô hình trường liên cấp, giải pháp huy động giáo viên…; có chính sách để phát triển các trường đại học trên địa bàn... Bộ Giáo dục và Đào tạo cam kết sẽ cùng tham gia phối hợp; đồng thời Bộ cũng sẽ rà soát hệ thống các chính sách để mở đường cho phát triển giáo dục, cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị Hà Nội sớm có đánh giá dự báo về nhu cầu nhân lực của Thành phố để làm một trong các căn cứ phục vụ công tác quy hoạch. Cùng với đó, xem xét đến mô hình các trường năng khiếu, bên cạnh trường chuyên, bằng cả hình thức công, tư.