Hà Nội thích ứng an toàn, vừa kiểm soát dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư từ cuối tháng 4/2021 tại Việt Nam với sự xuất hiện của chủng virus siêu lây nhiễm Delta đã gây ra những thiệt hại nặng nề.

Trong đợt dịch này, Hà Nội đã liên tiếp ghi nhận những ổ dịch lớn, những ca dương tính trong cộng đồng với diễn biến phức tạp, tốc độ lây nhiễm nhanh. Đã có những mất mát về người và của, những bất cập trong triển khai, những quyết sách bộc lộ sự lúng túng, thiếu thực tế, song, với nhận thức sâu sắc về vị thế Thủ đô, trái tim của cả nước, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã lắng nghe, tiếp thu và chỉnh sửa, bổ sung, từ đó đã đưa ra các quyết định kịp thời, kiểm soát thành công dịch bệnh, đồng thời thận trọng xác định hướng đi tiếp theo, thích ứng an toàn, vừa kiểm soát dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.

Chú thích ảnh
Công nhân Công ty TNHH Tân Trang yên tâm bám trụ, tập trung sản xuất. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Thành công từ sự cầu thị chân thành

Không chỉ có 8 tỉnh tiếp giáp, Hà Nội còn là trung tâm, đầu mối giao thông quốc gia, hằng ngày, thành phố tiếp nhận hàng ngàn phương tiện và người dân từ khắp nơi đổ về. Bên cạnh đó, Hà Nội có số lượng khách nhập cảnh và các chuyến bay đưa công dân về từ các nước không ít. Chưa kể đến một số ổ dịch phức tạp đã phát sinh trong thành phố. Tất cả những điều đó đã trở thành mối nguy cơ bùng phát dịch rất lớn cho Hà Nội.

Giữa tháng 7/2021, một số tỉnh, thành phố trên cả nước liên tiếp ghi nhận số ca mắc lớn trong ngày và tăng chóng mặt với con số lên đến hàng nghìn, số ca tử vong bắt đầu tăng mạnh. Hà Nội đã ghi nhận hàng chục ca dương tính trong cộng đồng, nhiều ca không rõ nguồn lây. Đứng trước nguy cơ dịch bùng phát mạnh, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã đưa vấn đề giãn cách xã hội toàn thành phố ra để bàn bạc. Đây là vấn đề rất khó khăn với những người đứng đầu Thủ đô, cần thận trọng khi quyết định bởi nguy cơ bùng phát dịch đã hiển hiện, số người trong độ tuổi tại thành phố được tiêm vaccine phòng COVID-19 mới đạt 26,5%, lại chủ yếu là mũi 1, tình hình dịch bệnh tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, giãn cách xã hội toàn thành phố là một quyết định ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống, nhất là kinh tế.

Chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vào chiều 23/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy biểu quyết để phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể cho tình huống này. Hội nghị đã thống nhất giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Ngay sau đó, Chỉ thị số 17/CT-UBND được Chủ tịch UBND thành phố ban hành và chính thức áp dụng giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày từ 6 giờ ngày 24/7/2021.

Với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Hà Nội tiếp tục trải qua 2 lần giãn cách xã hội sau đó. Đến ngày 5/9, thành phố đã có 3 lần thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố. Bên cạnh kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của Chỉ thị 17/CT-UBND, toàn thành phố đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chủ động, quyết liệt, đồng bộ. Nhờ đó, tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội đã cơ bản được kiểm soát tại hầu hết các quận, huyện. Từ thực tế đó, với sự linh hoạt, quyết đoán, từ ngày 6/9 đến ngày 21/9, thành phố đã thu hẹp áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg chỉ còn 10 quận, huyện và một phần của 5 quận, huyện khác; 15 quận, huyện còn lại bắt đầu nới lỏng một số hoạt động để vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Trong 60 ngày giãn cách xã hội đó, Hà Nội đã chịu thiệt hại không nhỏ về mọi mặt, nhất là lĩnh vực kinh tế. Đổi lại, “thời gian vàng” này đã được thành phố tận dụng hiệu quả để khống chế, kiểm soát dịch bệnh, tránh được nguy cơ khủng hoảng về y tế và kinh tế - xã hội. Trong đó, hiệu quả được chứng minh với chiến dịch thần tốc tiêm phủ mũi 1 vaccine cho người dân từ 18 tuổi trở lên và tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân Thủ đô.

Qua mỗi đợt giãn cách xã hội, số ca mắc mới và số ca mắc ngoài cộng đồng ở Hà Nội đã giảm dần, đà tăng của dịch COVID-19 được chặn đứng. Nếu như ở giai đoạn giãn cách xã hội đầu tiên, số ca mắc trong cộng đồng chiếm khoảng 50%; trong giai đoạn 2 và nửa đầu giai đoạn 3, số ca mắc trong cộng đồng chiếm khoảng 30%, đến cuối giai đoạn 3, số ca mắc trong cộng đồng đã giảm xuống 8,7%. Đến trước khi kết thúc đợt giãn cách thứ tư, có những ngày, thành phố không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng. Qua các đợt giãn cách, năng lực của ngành Y tế Hà Nội đã được nâng lên, sẵn sàng đối phó với dịch bệnh ở mức cao hơn, thực hiện bằng được quyết tâm của thành phố là không để phải điều trị, cách ly F0, F1 tại nhà.

Nhìn lại toàn cảnh phòng, chống dịch của thành phố Hà Nội trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư vừa qua, bên cạnh những thành công, cũng cần nghiêm túc thừa nhận những vấn đề còn tồn tại, hạn chế. Đó là những mất mát về người và của, sự lơ là của một vài địa phương khiến dịch lây lan mạnh. Thậm chí, đó còn là những quyết định lúng túng, thiếu tính thực tiễn của thành phố đã làm khó cho lực lượng chức năng khi triển khai thực hiện, gây bức xúc cho doanh nghiệp và người dân. Từ việc lãng phí, chồng chéo, thiếu thực tế của việc cấp và sử dụng giấy đi đường cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, đến những biểu hiện “chặt ngoài, lỏng trong” trong triển khai các quy định phòng, chống dịch tại một số phường, xã…

Trước những bất cập trên, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến của Trung ương, của các chuyên gia và của người dân để kịp thời điều chỉnh việc cấp và kiểm tra giấy đi đường phù hợp với thực tiễn. Các đoàn công tác của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội cũng đã tăng cường đi kiểm tra thực địa đột xuất cả những điểm vốn không nằm trong vùng nguy cơ cao. Khi phát hiện sai phạm, đoàn công tác yêu cầu các địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm, triển khai phương án sửa sai ngay lập tức, ra những quyết định xử phạt các cá nhân để xảy ra sai phạm trên địa bàn.

Trên dưới một lòng, thiết thực hành động

Chú thích ảnh
Siêu thị bán lẻ Big C cam kết tiêu thụ số lượng lớn hàng nông sản trong nước. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc” trong Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Thành ủy Hà Nội xác định, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, huy động được sức dân tham gia; phải hành động thần tốc với ý chí và trách nhiệm cao nhất. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo: “Dịch càng phức tạp, chúng ta càng phải bình tĩnh, mới tỉnh táo đánh giá chính xác tình hình. Có đánh giá chính xác tình hình mới đề ra giải pháp đúng, trúng. Có giải pháp đúng, trúng mới đẩy lùi được dịch”.

Theo đánh giá của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, cái hay trong kinh nghiệm chống dịch của Hà Nội là không chỉ thống nhất trên dưới như một, mà còn là lãnh đạo, chỉ đạo luôn gắn với kiểm tra, giám sát. Các đồng chí lãnh đạo thành phố tới cơ sở, kiểm tra tận nơi, vào tận giường bệnh xem có oxy hay không. Đó là việc rất thiết thực, hành động nhỏ nhưng tác động rất mạnh tới hệ thống chính trị ở cơ sở.

Là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, song song với công tác phòng, chống dịch, Hà Nội đã tập trung giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm. Đặc biệt là thành phố đã tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; bảo vệ an toàn tuyệt đối gần 1.000 sự kiện diễn ra trên địa bàn, nhất là Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris... Lãnh đạo thành phố đã tiếp và làm việc với hơn 30 đoàn ngoại giao, các tập đoàn và doanh nghiệp quốc tế đến tìm hiểu cơ hội hợp tác và đầu tư; phối hợp hiệu quả với các cơ quan Trung ương trong các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Hà Nội đã kịp thời chỉ đạo điều chỉnh các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phù hợp với bối cảnh đại dịch COVID-19; tổ chức thành công Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022, Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021, tổ chức lễ khai giảng năm học mới đúng kế hoạch bằng hình thức trực tuyến, được truyền hình trực tiếp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh và nhân dân Thủ đô.

Với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau” và phương châm “Bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu”, không chỉ thực hiện kịp thời, đúng quy định chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 của Chính phủ, thành phố Hà Nội còn chủ động bổ sung một số đối tượng hỗ trợ. Ngoài 12 nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số /NQ-CP của Chính phủ, thành phố đã ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ thêm 12 nhóm đối tượng khó khăn khác. Tính đến cuối tháng 9, gần 3,22 triệu lượt người dân trên địa bàn đã được thụ hưởng các khoản hỗ trợ với tổng kinh phí khoảng 1.375 tỷ đồng. Hàng vạn lao động ngoại tỉnh kẹt lại Hà Nội và sinh viên khó khăn, người nước ngoài đã thuận lợi nhận được hỗ trợ 500.000 đồng/người.

Ngoài ra, những hoạt động hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân tích cực thực hiện. Những mô hình, phong trào có ý nghĩa như “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng”… đã giúp hàng nghìn người dân vượt qua khó khăn, duy trì cuộc sống, yên tâm phòng, chống dịch theo quy định của Trung ương và thành phố Hà Nội.

Không chỉ bảo đảm an sinh xã hội cho mình, Hà Nội còn tích cực hỗ trợ, chi viện cho các tỉnh, thành phố khác. Do phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trong thời gian dài của quý III, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III của Hà Nội ước giảm 7,02%. Đây là mức giảm đã được lường trước, trên thực tế đã được giảm thiểu nhờ việc áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg, nhưng Hà Nội không đóng cửa siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện ích, mà chỉ điều chỉnh lại hoạt động bảo đảm yêu cầu giãn cách phòng, chống dịch. Chính vì thế, việc cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân không bị đứt gãy. Điều này đã tạo điều kiện cho một số ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp của Hà Nội cũng như các tỉnh khác tiếp tục được duy trì. Các mặt hàng thiết yếu được cung cấp đầy đủ cho người dân nên không xảy ra hiện tượng tăng giá, ép giá, khan hiếm trên diện rộng.

Cũng nhờ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt theo mức độ diễn biến của dịch bệnh mà Hà Nội vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế tính trên tổng thể. Trong đó, GRDP quý II của thành phố vẫn tăng 6,61%, cao hơn quý I (quý I tăng 5,17%), góp phần thúc đẩy chung tăng trưởng chung 6 tháng đầu năm đạt 5,91%, cao hơn mức chung của cả nước (5,64%). Tăng tưởng GRDP 9 tháng của thành phố đạt 1,28%. Hà Nội còn tích cực chi viện cho các tỉnh, thành phố khác trên cả nước để phòng, chống dịch. Chỉ tính trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư, thành phố đã chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh 5.000 tấn gạo (trị giá 75 tỷ đồng), hỗ trợ tỉnh Bình Dương 1.000 tấn gạo và 18 tỉnh, thành phố phía Nam mỗi tỉnh 3 tỷ đồng...

Thận trọng, vững chắc vừa phòng dịch, vừa phục hồi kinh tế

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế hướng dẫn sản phụ theo dõi sức khoẻ sau khi tiêm chủng. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Mặc dù một số hoạt động của Hà Nội đã được nới lỏng từ ngày 16/9, song để vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo thành phố vẫn luôn xác định những rủi ro, mất an toàn có thể ập đến bất cứ lúc nào. Trường hợp xảy ra tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức trong những ngày qua là một ví dụ.

Với tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm 2 mũi vaccine còn thấp, người dân từ 18 tuổi trở xuống chưa được tiêm vaccine, sự thận trọng của lãnh đạo thành phố Hà Nội là hoàn toàn phù hợp. Đó là quan điểm không mở ồ ạt mà mở dần từng bước, vừa mở vừa đánh giá thận trọng, kết hợp tăng cường tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức người dân, xác định phòng dịch hơn chống dịch. Chính vì thế, cho đến nay, Hà Nội vẫn còn đang cân nhắc về việc cho học sinh các cấp học trở lại trường học cũng như việc cho nối lại đường bay nội địa.

Theo đánh giá của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cách làm của Hà Nội là phù hợp, cần thiết, đáp ứng được yêu cầu phục hồi sản xuất, đảm bảo sinh kế cho người dân nhưng vẫn kiềm chế, kiểm soát phần nào nguy cơ bùng phát dịch.

Đối với những ổ dịch mới phát sinh như tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, thành phố đã chỉ đạo khẩn trương tập trung khoanh vùng, truy vết thần tốc, nhanh chóng khống chế, ngăn chặn dịch lây lan, thu hẹp dần diện phong tỏa để sớm kết thúc ổ dịch này. Thành phố sẽ tiếp tục quan điểm nhất quán là luôn linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch để vừa bảo đảm phát triển kinh tế, vừa bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thành phố sẽ tập trung chuyển trạng thái từ “không COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh như Chính phủ chỉ đạo. Trong đó, Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch của hai chủ thể trung tâm của trạng thái này, đó là người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, thành phố sẽ tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống y tế từ thành phố xuống cơ sở, đưa dịch vụ y tế đến gần người dân nhất. Đồng thời, thành phố sẽ kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện phân bổ vaccine để trong những tháng tới cơ bản tiêm phủ mũi 2 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội là mối quan tâm hàng đầu của thành phố. Ngay trong lúc thực hiện giãn cách xã hội, thành phố đã bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách năm 2021 ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho vay đối với người lao động có nhu cầu để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh... Hà Nội đã chủ động xây dựng các kịch bản tăng trưởng tương ứng với mức độ dịch COVID-19 trên tinh thần là giảm mức độ ảnh hưởng của đại dịch, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Thành ủy Hà Nội đã ban hành nghị quyết chỉ đạo về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của thành phố; nghị quyết về chủ trương triển khai đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4. Đây là những quyết sách chiến lược, lâu dài nhằm tạo động lực phát triển cho Thủ đô. Trong đó, tuyến đường Vành đai 4 khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho thành phố, kéo giãn mật độ dân cư nội đô, mà còn phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường, tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng... Bên cạnh đó, Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ với quyết tâm vừa chỉnh trang diện mạo đô thị, vừa bảo vệ an toàn, nâng cao điều kiện sống cho người dân. Đến nay, vướng mắc về cơ chế đã được giải quyết, thành phố sẽ cố gắng để khởi công một số dự án ngay trong năm 2022.

Triển khai kế hoạch tăng tốc phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Hà Nội đã và đang chú trọng thực hiện 3 nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt từ nay đến cuối năm là: Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; điều hành, thu - chi ngân sách hiệu quả, đúng hướng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Nguyễn Cúc (TTXVN)
Đắk Lắk chủ động thích ứng an toàn với dịch COVID-19
Đắk Lắk chủ động thích ứng an toàn với dịch COVID-19

Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận gần 2.000 ca bệnh ở 15/15, huyện, thị xã, thành phố. Nhiều biện pháp phòng, chống dịch đã được tỉnh triển khai đồng bộ để ổn định tình hình dịch bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN