Đêm 30 Tết, tiết trời Hà Nội se lạnh. Đường phố Hà Nội trong thời khắc chuyển giao năm mới dường như nhẹ nhàng hơn. Trong mỗi nếp nhà, ánh đèn hắt ra ấm cúng, mùi hương trầm thoang thoảng bay, ai nấy đều tất bật chuẩn bị cho mâm lễ đón Giao thừa. Trong không khí thiêng liêng ấy, tâm thức mọi người đều lắng xuống, nao nao chờ đón thời khắc mới.
Lần đầu tiên, Hà Nội căng mình chống dịch trong đêm Giao thừa, nối tiếp sau chuỗi ngày vất vả ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Cả hệ thống đặt trạng thái phòng chống dịch ở mức cao nhất, không lơ là, dù chỉ một phút. Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội quyết định hủy tổ chức bắn pháo hoa đêm Giao thừa tại 29 quận, huyện, chỉ thực hiện tại một điểm duy nhất là Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng) để truyền hình trực tiếp phục vụ nhân dân. Khu vực này vào tối 11/2 được bảo vệ nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn, tránh tụ tập đông người, phòng chống dịch bệnh lây lan. Tất cả các chương trình biểu diễn nghệ thuật trên toàn thành phố đêm Giao thừa và đầu năm mới cũng dừng lại. Một đêm Giao thừa vắng âm nhạc và pháo hoa. Cũng vì thế, dòng người đổ ra đường đón Giao thừa như mọi năm cũng vắng hơn, tiếng cười đón khoảnh khắc năm mới cũng thưa hơn. Người Hà Nội đón Giao thừa theo một cách riêng, lắng đọng hơn, ấm áp hơn.
Thay vì đổ ra đường tận hưởng tiết trời sang Xuân, rủ nhau xem các màn bắn pháo hoa lúc Giao thừa, năm nay mọi người hạn chế ra đường. Họ cùng nhau xem chương trình truyền hình mừng năm mới, chuẩn bị cho lễ cúng trời đất, cúng tổ tiên, cùng chúc Tết nhau lúc Giao thừa. Tết nguyên đán là Tết của sự đoàn viên, của nét đẹp truyền thống dân tộc và giá trị ấy càng được nhân lên lúc thời khắc đón chào năm mới. Ông bà, con cháu cùng hồi hợp chờ đón và niềm vui vỡ òa khi kim đồng hồ tiến đến số 12 (tức 0 giờ ngày mùng 1 Tết). Người ra sân thắp hương khấn trời đất cầu mong bình an, may mắn cho gia đình trong năm mới; người thắp hương trên ban thờ tổ tiên; người thì pha trà, mở nắp rượu vang; trẻ nhỏ ríu rít chuẩn bị khay bánh mứt. Sau những nghi lễ cần thiết, cả nhà cùng quây quần bên bàn nước, chúc nhau sức khỏe, công việc hanh thông, làm ăn thịnh vượng. Những phong bao lì xì được trao tận tay mừng tuổi người cao tuổi, trẻ nhỏ trong gia đình với những lời chúc tốt đẹp.
Cũng như nhiều gia đình khác, Giao thừa năm nay, con cháu ông Hoàng Mạnh Khôi, phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ không kéo nhau ra phố Trích Sài, ven hồ Tây để đón xem những màn pháo hoa, được bắn lên từ trận địa pháo đặt tại Vườn hoa Lạc Long Quân, mà đón Giao thừa tại nhà. Chuẩn bị sẵn tinh thần Tết Nguyên đán năm nay gia đình đoàn tụ nhiều hơn, vì thế con cháu ông Hoàng Mạnh Khôi cũng sắm Tết đầy đủ hơn trước. Căn phòng khách có cả đào, cả quất, treo các vật dụng trang trí rực rỡ và các đồ dùng dành cho ngày Tết cũng được sắm nhiều hơn. Ông chia sẻ, dịch bệnh cũng làm cho mọi người ý thức hơn trong việc phòng tránh, nhưng không vì thế đêm Giao thừa kém vui, giảm ý nghĩa.
Phó Giáo sư, tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia cho rằng, ý nghĩa thiêng liêng đêm Giao thừa là trong tâm thức mỗi người, đó là thời điểm trời đất giao hòa giữa cũ và mới, “Tống cựu nghinh Xuân”, còn việc tổ chức các hoạt động văn hóa đón Giao thừa chỉ là biểu hiện bên ngoài. Năm nay, Hà Nội không tổ chức những hoạt động đó, cũng không vì thế giảm sự thiêng liêng của đêm Giao thừa. Người ta sẽ hướng về gia đình, về nguồn cội nhiều hơn, thực hiện đạo làm con cháu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên nhiều hơn.
Khi các gia đình quây quần đầm ấm bên nhau khi đất trời chuyển giao năm mới thì những công nhân vệ sinh môi trường Hà Nội vẫn tất bật làm việc. Họ nhanh chóng quét dọn, thu gom rác ở đường phố, điểm vui chơi công cộng với quyết tâm không để rác tồn đọng, nhất là sau đêm Giao thừa, phục vụ người dân vui chơi, đón Xuân mới. Dù công việc bận rộn hơn trước do lượng rác thải ra nhiều hơn, nhưng dường như đã quá quen với tình trạng này mỗi khi Tết đến nên họ vẫn cần mẫn làm việc. Niềm vui của họ là khi làm sạch tuyến phố, mang lại sự phong quang, sạch sẽ cho phố phường Hà Nội.
Chị Nguyễn Thanh Hiếu, Tổ trưởng Tổ vệ sinh môi trường số 1 thuộc Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm bày tỏ, việc đón Giao thừa ngoài đường đã quá quen thuộc với chị và anh chị em làm vệ sinh môi trường. Dù ai cũng mong muốn được đoàn tụ với gia đình trong thời điểm này nhưng vì trách nhiệm với công việc, vì mong muốn mang lại sự sạch đẹp cho Thủ đô, phục vụ nhân dân trong những ngày đầu năm mới nên các anh chị đều vui vẻ với công việc của mình. Điều các anh chị mong muốn là người dân đi đón Giao thừa và chơi Xuân có ý thức hơn trong việc giữ vệ sinh môi trường, để thành phố thêm sạch đẹp.
Dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng Hà Nội vẫn trang trí tưng bừng chào đón Xuân mới, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân. Trên khắp các tuyến đường trung tâm như: Tràng Tiền, Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Điện Biên Phủ, Độc Lập, Hùng Vương, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt… rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ. Những giỏ hoa đủ màu sắc treo dọc các tuyến đường, những mô hình hoa, đảo hoa dựng khắp nơi. Đặc biệt, khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm hội tụ đủ các loại hoa đào, cúc, thược dược, dạ yến thảo… tạo hình ảnh đẹp trong những ngày Xuân mới. Dù lượng người đi lại có ít hơn trước nhưng phía sau sự thanh bình ấy vẫn là khí thế tươi vui, niềm tin cho một năm mới.
Thời điểm đón năm mới cũng là khi Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa thành công tốt đẹp. Năm 2021 cũng là năm khởi đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 của thành phố Hà Nội với những kỳ vọng và sự lạc quan về sức bật mới. Thành tựu đạt được trong năm vừa qua (dù phải đối mặt với những tác động không nhỏ của dịch COVID-19) là nền tảng và động lực cho Thủ đô vươn lên trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Với phương châm thực hiện thắng lợi ngay từ đầu nhiệm kỳ, thành phố sẽ bắt tay ngay vào việc xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2021. Nhiệm vụ, chỉ tiêu đặt ra rất cao, những thách thức, khó khăn còn ở phía trước, nhưng thành phố nỗ lực hết mình, hành động khẩn trương để hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm nay. Đón Xuân mới trong tâm thế mới, người dân Thủ đô tin rằng, Hà Nội vẫn với khát vọng vươn lên như tên gọi Thăng Long xưa, sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ trong năm Tân Sửu này, tạo tiền đề để trỗi dậy trong giai đoạn tiếp theo.