Hà Nội: Xây dựng, phát huy hiệu quả các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân

Thực hiện Chương trình 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”; Liên đoàn Lao động thành phố đề nghị Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở triển khai thực hiện Đề án xây dựng Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất và địa bàn có công nhân lao động cư trú.

Chú thích ảnh
Công nhân đọc sách tại Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại Công ty Cổ phần hãng sơn Đông Á (huyện Gia Lâm). Ảnh: TTXVN phát

Năm 2023, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội xây dựng 6 Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, gồm các mô hình: Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại đơn vị, doanh nghiệp; Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại khu công nghiệp - chế xuất và cụm công nghiệp tập trung; Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, tại khu dân cư.

Thành phố hỗ trợ kinh phí xây dựng mới mỗi Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân là 90 triệu đồng/điểm. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế hỗ trợ kinh phí xây dựng mới mỗi Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng/điểm; hỗ trợ bổ sung cơ sở vật chất hàng năm: không quá 30 triệu đồng/điểm từ nguồn kinh phí tích lũy của tổ chức Công đoàn và nguồn kinh phí khác.

Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Công đoàn cơ sở huy động nguồn kinh phí xã hội hóa, nguồn kinh phí do doanh nghiệp hoặc địa phương hỗ trợ để xây dựng và duy trì hoạt động các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân.

Đối với Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân trong đơn vị, doanh nghiệp, Công đoàn cơ sở đề xuất đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ theo điều kiện thực tế. Đối với Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân trong các khu công nghiệp và chế xuất, Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội hỗ trợ mức 500.000 đồng/tháng/điểm. Đối với Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại khu dân cư hoặc cụm công nghiệp do Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã quản lý hoặc Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã bàn giao cho Công đoàn cơ sở cơ quan UBND xã, phường, thị trấn quản lý, Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã hỗ trợ mức 500.000 đồng/tháng/điểm.

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đề nghị Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, nhu cầu tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; khảo sát, nắm tình hình, đề xuất xây dựng Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân trên cơ sở nhu cầu của đoàn viên, người lao động và phải đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện cần thiết nhằm xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động và được áp dụng tại các đơn vị, doanh nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, chế xuất và địa bàn có đông công nhân, người lao động. 

Hiện nay, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đang duy trì hoạt động 35 Cụm Văn hóa nghệ thuật, 92 “Tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân” và 54 Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân. Có thể thấy, việc đưa các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân vào khai thác, sử dụng đã góp phần nâng cao đời sống của cán bộ, đoàn viên, người lao động và nhân dân trong khu vực; tạo thêm những giá trị văn hóa, rèn luyện nâng cao thể chất, sức khỏe, đem đến những giá trị tinh thần, niềm tin và sự gắn bó của người lao động với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Minh Nghĩa (TTXVN)
Bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên Thủ đô trong Tháng Công nhân
Bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên Thủ đô trong Tháng Công nhân

Thông qua các hoạt động Tháng Công nhân, các cấp công đoàn Thủ đô hướng tới làm tốt hơn nữa công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân lao động, tạo sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, chủ doanh nghiệp và toàn xã hội đối với giai cấp công nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN