Đặc biệt, các tổ chức Công đoàn phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội, UBND các quận, huyện thực hiện tốt Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng; không để lợi dụng trục lợi chính sách hoặc để sót đối tượng thụ hưởng. Theo đó, các Công đoàn cơ sở phải tuyên truyền, hướng dẫn, phối hợp với người sử dụng lao động rà soát, tổng hợp danh sách, hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ người lao động theo quy định.
Theo quy định, phạm vi áp dụng là người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh trên địa bàn Hà Nội. Không hỗ trợ đối với người lao động không đề nghị được hỗ trợ; trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động cho nhiều người sử dụng lao động thì được hỗ trợ tại nơi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ 1 lần trong 1 tháng và không quá 3 tháng.
Người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp có mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người/tháng; thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng; thời gian nộp hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 15/8/2022.
Điều kiện được hỗ trợ cần có đầy đủ các yêu cầu như: Ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/2/2022 đến ngày 30/6/2022; có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước ngày 1/4/2022; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Trường hợp người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại khoản 4, Điều 2, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội thì phải có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp của tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động, đối tượng được hỗ trợ là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh trên địa bàn Hà Nội. Mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người/tháng; thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng; thời gian nộp hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 15/8/2022.
Điều kiện được hỗ trợ khi người lao động ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2022 đến ngày 30/6/2022; có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2022 đến ngày 30/6/2022, trừ hợp đồng lao động giao kết tiếp nối của hợp đồng lao động đã giao kết và thực hiện trước đó; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Trường hợp người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại khoản 4, Điều 2, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động mới tuyển dụng và có giao kết hợp đồng lao động nhưng chưa có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì phải có tên trong danh sách trả lương của người sử dụng lao động của tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, đợt dịch lần thứ 4, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chi từ nguồn ngân sách Công đoàn để chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và tổ chức thăm hỏi, động viên các lực lượng tuyến đầu, ủng hộ “Quỹ vaccine”, “Quỹ phòng, chống dịch COVID-19” thành phố với số tiền gần 109 tỷ đồng cho khoảng 183.000 đoàn viên, người lao động, 2.098 doanh nghiệp có “Tổ An toàn COVID-19”. Công đoàn các cấp đã vận động xã hội hóa để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với số tiền hơn 104 tỷ đồng.
Ngoài ra, các cấp Công đoàn phối hợp với chính quyền và Công an địa phương tuyên truyền, vận động 1.650 chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê từ 30-100% cho người lao động, với số tiền hàng chục tỷ đồng… Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có sự chủ động, tích cực tham gia, có hiệu quả của tổ chức Công đoàn, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thủ đô tiếp tục được duy trì ổn định, không xảy ra vụ ngừng việc tập thể.