Nhân dịp năm mới 2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN về những dấu ấn năm 2021, các giải pháp của thành phố trong năm 2022 để vừa kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các mục tiêu lớn, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vị trí, vai trò là trái tim của cả nước.
Xin đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật của Thủ đô trong năm 2021?
Trong năm 2021, cùng với cả nước, Hà Nội đã chịu nhiều tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng nhờ sự đoàn kết, ý chí quyết tâm và nỗ lực vượt bậc, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô vẫn cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng với kết quả khả quan. Thành phố luôn chủ động, kịp thời trong mọi tình huống để có các chủ trương, giải pháp trúng, đúng với tinh thần quyết liệt và hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Trung ương, phù hợp với diễn biến dịch của thành phố.
Ở giai đoạn 3, thành phố triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế. Trong giai đoạn này, số ca F0 liên tục tăng cao nhưng thành phố chỉ có 69/1.057 điểm phong tỏa với quy mô nhỏ nhất có thể, theo nguyên tắc linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Hà Nội cũng chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ "Zero COVID" sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong; chủ động theo dõi sát tình hình dịch COVID-19, nhất là biến thể do chủng mới Omicron gây ra, sẵn sàng các phương án, kịch bản theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chuẩn bị cách thức vận hành, quản trị xã hội trong tình hình mới.
Xác định duy trì tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ quan trọng nên khi dịch bệnh được kiểm soát, thành phố đã tranh thủ tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư. Nhờ vậy, kết quả tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cả năm 2021 vẫn đạt 2,92%; thu ngân sách nhà nước đạt trên 111% dự toán Trung ương giao… Đặc biệt, thành phố đã phối hợp với các cơ quan Trung ương tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cùng nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng khác bảo đảm an toàn tuyệt đối trên mọi phương diện.
Thưa đồng chí, trong năm 2021, Thành ủy Hà Nội đã có những quyết sách như thế nào để vừa giải quyết những vấn đề cấp thiết thực tiễn đặt ra, vừa tạo động lực cho Thủ đô phát triển?
Trong năm 2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 10 chương trình công tác toàn khóa với tiêu chí, lộ trình thực hiện, phân công cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp từ rất sớm. Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, triển khai 2 nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ, công nghiệp văn hóa tạo cơ sở cho các đơn vị, địa phương thực hiện.
Bên cạnh đó, để vừa giải quyết những vấn đề cấp thiết thực tiễn đặt ra, vừa tạo động lực cho Thủ đô phát triển, Thành ủy Hà Nội đã ban hành nhiều nghị quyết về: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của thành phố Hà Nội; Chủ trương triển khai Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Vừa qua, Thành ủy Hà Nội tiếp tục ban hành hai chỉ thị về quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai, khoáng sản. Đây là những lĩnh vực "nóng" trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh trên địa bàn, cũng là vấn đề được nhân dân rất quan tâm.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong năm 2021, thực tế ghi nhận Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Xin đồng chí cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ có giải pháp như thế nào để tháo gỡ những vấn đề đó?
Trong năm 2021, mặc dù kinh tế Thủ đô có tăng trưởng nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương, đơn vị chỉ đạo phát triển kinh tế còn chưa quyết liệt, nhất là trong cụ thể hóa các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm...
Do đó, thời gian tới, Thành ủy Hà Nội sẽ chỉ đạo tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, lấy hiệu quả làm thước đo đánh giá cán bộ. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp bảo đảm cân đối lớn, đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển các ngành kinh tế, nhất là dịch vụ thương mại, du lịch, phục hồi các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối; quyết liệt giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm.
Với quan điểm lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ, Hà Nội sẽ quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao.
Đặc biệt, các cấp, ngành sẽ tập trung xây dựng kế hoạch nội dung công việc, tiến độ cụ thể để triển khai trong năm 2022 đối với các chủ trương lớn như: Đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; lập Quy hoạch phát triển thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)...
Hà Nội sẽ làm gì để đảm bảo vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố trong năm 2022, thưa đồng chí?
Trong năm 2022, Thành ủy Hà Nội sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện khẩn trương, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố và nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; nhất là hiện thực hóa 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá, 10 chương trình công tác toàn khóa, hai nghị quyết chuyên đề và các nghị quyết, chỉ thị quan trọng khác. Thành phố cũng sẽ tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Với chủ đề công tác tiếp nối của năm 2021 là "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển", trong năm 2022, thành phố sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Cùng với đó, để ngăn chặn, kiểm soát kịp thời, hiệu quả sự lây lan của dịch, cả hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị, xã hội từ thành phố đến cơ sở phải tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố; chủ động sẵn sàng ứng phó nhanh, kịp thời, đáp ứng hiệu quả trước mọi diễn biến của dịch, trong đó trọng tâm là củng cố, nâng cao năng lực khám chữa bệnh, năng lực y tế cơ sở.
Đặc biệt, với kỳ vọng xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, có sức cạnh tranh cao, ngay từ đầu năm, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố đã ra sức thi đua lao động, sản xuất, để hoàn thành đạt, vượt 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2022, trong đó phấn đấu tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 7-7,5% so với năm 2021.
Thưa đồng chí, Tết Nguyên đán Nhâm Dần đã cận kề, Thành ủy Hà Nội đã có chủ trương như thế nào để người dân Thủ đô có một cái Tết an toàn, ấm áp?
Với mục tiêu là tổ chức cho nhân dân Thủ đô đón Tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm, ứng phó linh hoạt với diễn biến của dịch COVID-19, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau, nhà nhà, người người đều có Tết, bên cạnh các nhiệm vụ phòng, chống dịch, đảm bảo an ninh trật tự, thành phố yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác tặng quà cho các đối tượng chính sách. Ngoài phần quà của Nhà nước, dự kiến, thành phố dành hơn 395 tỷ đồng tặng quà cho gần 915.000 đối tượng chính sách trên địa bàn dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Thành phố yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành liên quan và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô dịp trước, trong và sau Tết, đặc biệt bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho các địa bàn, khu vực, thực hiện biện pháp y tế phòng, chống dịch…
Nhân dịp này, tôi xin gửi tới nhân dân Thủ đô, các đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các doanh nhân, chuyên gia, tình nguyện viên, bạn bè nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội lời chúc mừng năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công; luôn nêu cao ý thức tự giác, thực hiện thật tốt các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19.
Tôi tin tưởng, năm 2022, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục phấn đấu, giành được những kết quả cao trên các lĩnh vực, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, xây dựng Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô, là trái tim của cả nước.
Trân trọng cảm ơn đồng chí!