Để đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp xử lý, khắc phục các sự cố nghiêm trọng an toàn hệ thống đê điều.
Sau những trận mưa lớn xảy ra vào cuối tháng 9 và tháng 10 năm nay, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra nhiều sự cố đê điều nghiêm trọng, gây sụt lún, sạt lở ăn sâu vào khu vực dân cư, làm nứt trên mặt đê rộng tới 50cm, dài hơn 100m rất nguy hiểm cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.
Cụ thể, trên tuyến đê hữu Đáy, đoạn qua xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai) xảy ra sự cố sụt lún nghiêm trọng, với vết nứt trên mặt đê rộng từ 5-50cm, kéo dài hơn 120m. Đáng lo ngại là phần nửa mặt đê về phía sông bị lún sâu tới 45cm so với mặt đê hiện hữu.
Để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, ông Nguyễn Tùng Lâm, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Quốc Oai - Thạch Thất cho biết, ngay khi phát hiện, đơn vị đã căng dây ngăn không cho người, phương tiện đi qua, đồng thời phủ bạt chống nước thấm vào thân và mái đê.
"Chúng tôi lo ngại nếu tiếp tục xảy ra mưa, đoạn đê khó giữ nguyên trạng như hiện nay", ông Nguyễn Tùng Lâm nói.
Ngoài ra, mưa lớn còn gây ra một số sự cố sụt lún, sạt lở kè, bờ sông khiến hàng chục hộ dân thuộc các xã Sơn Đà, Thái Hòa (huyện Ba Vì), xã Đường Lâm và phường Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây) phải sơ tán.
Theo các cơ quan quản lý đê Ba Vì, Sơn Tây - Phúc Thọ, Quốc Oai - Thạch Thất, nguyên nhân gây ra các sự cố trên là do ảnh hưởng các trận mưa lớn vừa qua; nền địa chất đê, bờ sông yếu... Các cơ quan chức năng đã xử lý sự cố giờ đầu cắm biển cảnh báo nguy hiểm, đề nghị người dân sơ tán ra khỏi khu vực xảy ra sự cố sạt lở...
Cụ thể, tại xã Sơn Đà (huyện Ba Vì), đoạn bờ sông Đà xuất hiện 2 vị trí sạt lở nghiêm trọng tiếp tục ăn sâu vào bãi sông khoảng từ 3-5m; vị trí điểm sạt lở cách chân đê hữu Đà khoảng 40m. Hay tại thôn Trung Hà, xã Thái Hòa, xuất hiện vị trí sạt dài khoảng 120m, chiều rộng cung sạt khoảng từ 5-15m; đỉnh cung sạt cách chân đê hữu Hồng khoảng từ 17-25m, cách công trình nhà ở của 2 hộ dân khoảng từ 2-2,5m; còn tại xã Đường Lâm và phường Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây), hai vị trí sạt lở bờ sông Hồng dài khoảng 1,7km tiếp tục ăn sâu vào phía đê gây sập đổ tường rào, công trình phụ của người dân...
Theo các chuyên gia thủy lợi, đây là những sự cố sạt lở bờ sông, đê điều rất nghiêm trọng. Thành phố Hà Nội cần chấp thuận chủ trương bố trí kinh phí xây dựng công trình cấp bách xử lý sự cố... Trước mắt, các địa phương và cơ quan quản lý đê cần theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; tiếp tục bố trí lực lượng để phân luồng phương tiện lưu thông trên đê, ngăn người và phương tiện đi vào khu vực xảy ra sự cố...
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trước tình hình này, liên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội - Sở Tài chính - Sở Kế hoạch và Đầu tư đã kiểm tra, đánh giá hiện trường, xác định mức độ sạt lở bờ, bãi sông, mái đê trên các tuyến sông Đà, sông Hồng, sông Đáy thuộc địa bàn các huyện Quốc Oai, Ba Vì và thị xã Sơn Tây. Trên cơ sở đó, đoàn kiểm tra đã thống nhất báo cáo, đề xuất UBND thành phố xem xét, bố trí kinh phí xây dựng công trình khẩn cấp nhằm khắc phục các sự cố.
Tuy nhiên, để hạn chế phát sinh sự cố, bảo đảm an toàn các tuyến đê, các địa phương cần quyết liệt hơn trong xử lý phương tiện quá tải trọng lưu thông trên mặt đê, quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác cát, xây dựng công trình và chất tải trên bờ bãi sông.