Chiều 9/8, liên quan đến tình trạng tập trung đông người tại một số điểm phát quà thiện nguyện trong bối cảnh thành phố đang phải giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội nhận định: Ở Việt Nam, hoạt động thiện nguyện đã trở thành một phong trào sâu rộng, thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân nhằm kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
"Điều đáng nói ở đây là: Đang tồn tại một quan điểm cho rằng thiện nguyện của cá nhân, tổ chức trao tận tay người nhận thì mới đảm bảo. Từ đó, phát sinh vấn đề là các tổ chức hay cá nhân chưa đủ thời gian, chưa tiếp cận được thông tin để xác định người nhận thực sự có hoàn cảnh khó khăn hay không. Thiện nguyện là một việc tốt nhưng nếu không có kế hoạch, không có sự khảo sát, nắm tình hình cụ thể thì có thể dẫn đến nhiều chuyện không hay, thậm chí là tranh cãi, khiếu nại không đáng có, "của cho không bằng cách cho" - ông Nguyễn Sỹ Trường cho biết.
Video ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội nhận định về hoạt động thiện nguyện tự phát và chủ trương của TP Hà Nội về các hoạt động này:
Theo ông Nguyễn Sỹ Trường, MTTQ Việt Nam các cấp là một trong những tổ chức thực hiện công tác an sinh xã hội, tuân thủ các quy định pháp luật và có quy chế hoạt động của từng loại quỹ. Khi thực hiện nhiệm vụ trong công tác từ thiện phải hướng đến tiêu chí: đúng người, đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh và kịp thời.
Khi thực hiện một hoạt động từ thiện, MTTQ các cấp phải luôn thực hiện công tác khảo sát một cách thường xuyên, liên tục. Phải nghe nhiều phía, nắm bắt nhu cầu để hỗ trợ đúng đối tượng. Ngược lại, đối tượng được hỗ trợ cũng nhận đúng cái mà họ đang thiếu, đang cần. Để làm được điều đó cần có sự thống nhất giữa nhà tài trợ với địa phương.
"Từ đó để thấy, các đơn vị thiện nguyện tự phát của cá nhân hay các tổ chức đơn lẻ chưa thể đủ thông tin cũng như thời gian khảo sát, chưa thể nắm bắt rõ các địa bàn dân cư... nên bên cạnh các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn thực sự nhận được quà hỗ trợ, thì cũng có những trường hợp mạo danh, lợi dụng các hoạt động thiện nguyện để trục lợi cá nhân"- ông Nguyễn Sỹ Trường cho biết.
Có thể kể đến hoạt động thiện nguyện tự phát của một số cá nhân trong ngày 7/8/2021 vừa qua tại khu vực Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Khoan chưa bàn đến việc các đối tượng đến nhận quà có thực sự khó khăn hay không, nhưng do cách thức tổ chức chưa phù hợp trong bối cảnh giãn cách xã hội toàn thành phố, đã dẫn đến việc tập trung đông người. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã phải tuyên truyền, vận động để giản tán đám đông.
Cũng phải nói thêm rằng, có nhiều nhóm thiện nguyện có số lượng thành viên khá đông, hoạt động trên tinh thần cộng đồng đa kết nối. Cùng với đó, mọi hoạt động liên quan đến thiện nguyện đều được thông tin trên mạng xã hội Facebook. Nhiều hội, nhóm đã thực hiện có hiệu quả các hoạt động từ thiện và tạo được uy tín.
Theo ông Nguyễn Sỹ Trường, hoạt động từ thiện của các hội, nhóm và một số cá nhân hiện nay rất đáng quý. Bởi lẽ, ngoài việc kịp thời mang lại lợi ích vật chất, tinh thần cho nhiều hoàn cảnh khó khăn còn góp phần khơi dậy và kết nối tinh thần nhân ái trong cộng đồng. Tuy nhiên, do tự phát, ít khi được tư vấn hoặc thông qua bởi các cơ quan chức năng nên hoạt động của các hội, nhóm từ thiện tự phát có thể gây nên những hiệu ứng không tốt đối với hoạt động thiện nguyện.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, quan điểm của TP Hà Nội là "không để ai bị bỏ lại phía sau". Bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương và thành phố, thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội và các cấp đã kịp thời hỗ trợ cho trên 3.404 hộ nghèo, mỗi hộ 1 suất quà trị giá 1 triệu đồng. Cùng với đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên, các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm hỗ trợ trên 36.000 suất quà, trị giá trên 13 tỷ đồng.
Để tiếp tục thực hiện hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn một cách nhanh chóng, thiết thực, không bỏ sót đối tượng cũng như hạn chế việc hỗ trợ không đúng đối tượng, bắt đầu từ 9/8, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP triển khai Chương trình “Đoàn kết chống dịch”- hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19, ra mắt Fanpage: “Đoàn kết chống dịch” và công bố các số điện thoại Hotline để tiếp nhận thông tin những trường hợp cần giúp đỡ trên địa bàn thành phố.
Về hình thức hỗ trợ, các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn không đủ lương thực, thực phẩm trong những ngày giãn cách xã hội thì sẽ được nhận 1 suất quà trị giá 500.000 đồng, gồm các nhu yếu phẩm như: Gạo, mì tôm, dầu ăn, nước mắm, trứng, cá khô, lạc…Việc hỗ trợ sẽ được cán bộ MTTQ phối hợp với các ngành đoàn thể, các tổ chức từ thiện tổ chức trao tới từng hộ gia đình cần giúp đỡ.
Người khó khăn trên địa bàn TP Hà Nội, dù ở bất cứ địa chỉ nào, có thể gọi điện đến đường dây nóng của Ủy ban MTTQ TP Hà Nội và Ủy ban MTTQ Việt Nam của 30 quận, huyện để nhận được sự giúp đỡ kịp thời, nhanh chóng nhất, theo danh sách dưới đây: