Năm 2022, Hà Nội đã chi 221,72 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp

Ngày 14/12, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chủ trì hội nghị tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp năm 2022. Dự hội nghị còn có lãnh đạo các sở ngành, 10 ngân hàng thương mại cổ phần, 9 hiệp hội nghề nghiệp và 60 lãnh đạo đại diện các doanh nghiệp.

Tại hội nghị, ông Lê Văn Quân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, từ đầu năm 2022, tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ và khó đoán định. Thành phố đã kịp thời chỉ đạo các sở ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Điển hình như chương trình hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp thành lập mới; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp; biên soạn và phát hành Sách trắng doanh nghiệp; Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo...

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị.

Trong năm 2022, Hà Nội đã bố trí 221,72 tỷ đồng để triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, là nhiều chương trình hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khoa học; kinh phí xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ sử dụng đường bộ cho đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá. 

Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT, năm 2022, số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 8.922 (tăng 2,4%); có khoảng 30.000 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 25%); lũy kế số doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn đạt 351.000… Hà Nội cũng triển khai loạt hoạt động tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp với 9 sở ngành, trung tâm Xúc tiến đầu tư; ngân hàng nhà nước; hải quan; Ban quản lý các khu công nghiệp, chế xuất.

Ước tính đến 31/12/2022, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng cho vay ưu đãi phục vụ sản xuất dự kiến đạt 4.610.721 tỷ đồng (tăng 8,46%) so với năm 2021; Quỹ đầu tư phát triển thành đảng bộ, chính quyền, đã chấp thuận cho vay khoảng 6,18 tỷ đồng cho các lĩnh vực: nhà ở, cụm công nghiệp, năng lượng, giáo dục…

Cũng tại hội nghị, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cảm ơn sự chia sẻ kịp thời, bền bỉ của cộng đồng doanh nghiệp; biểu dương, cảm ơn sự đồng hành của doanh nghiệp cả trong dịch bệnh và phục hồi kinh tế. Minh chứng là GRDP Hà Nội đã tăng 8,8% trong năm 2022.

Lãnh đạo TP Hà Nội mong muốn được lắng nghe nhiều nhất có thể những phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp để từ đó, các sở ngành, lãnh đạo thành phố sẽ cùng chia sẻ, tháo gỡ. Những việc vượt thẩm quyền, thành phố sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ để có các giải pháp phù hợp, kịp thời hơn để doanh nghiệp thuận lợi cho năm 2023.

Hà Nội cũng hỗ trợ cho 17 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; kết nối doanh nghiệp công nghiệp chủ lực với các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính; kích cầu trên các sàn thương mại điện tử; ưu đãi doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ; hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp lữ hành; đẩy nhanh thẩm định phê duyệt hồ sơ các dự án xây dựng; thực hiện giảm thuế, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp…

Trong năm 2023, Hà Nội đặt ra loạt giải pháp trọng tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, các hiệp hội doanh nghiệp, các sở, ngành, quận, huyện sẽ tăng cường đối thoại với doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố, tháo gỡ về thủ tục nhất là với các dự án đầu tư có sử dụng đất, các dự án chậm triển khai; tiếp tục chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới và tích hợp các dịch vụ tiện ích trong quy trình thực hiện các thủ tục hành chính để doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí thực hiện, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Thành phố cũng sẽ tiếp tục đề xuất giãn, hoãn, giảm thực hiện nghĩa vụ thuế; tạo điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi; tăng cường xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường; sẽ xây dựng hoàn thiện khung pháp lý thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của các mô hình kinh doanh dựa trên đổi mới sáng tạo...

Trung Nguyên/Báo Tin tức
Ổn định thị trường lao động cuối năm - Bài 1: Đồng hành vượt khó
Ổn định thị trường lao động cuối năm - Bài 1: Đồng hành vượt khó

Nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường trong và ngoài nước giảm sút khiến hàng hóa tồn kho, đơn hàng của nhiều doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vục xuất khẩu giảm, thậm chí là không có đơn hàng. Các doanh nghiệp phải thực hiện nhiều giải pháp như không tăng ca, giãn, giảm giờ làm, luân phiên làm việc… để duy trì hoạt động sản xuất, đồng thời giữ chân người lao động nhất là trong thời điểm năm hết, Tết đến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN