Ngày 2/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì làm việc với TP Hà Nội về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong đợt dịch thứ 4 (từ 27/4/2021 đến nay), Hà Nội ghi nhận 4.749 ca mắc, trong đó, có 1.423 ca cộng đồng. Tính riêng từ khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ (từ ngày 11/10) đến nay, Hà Nội ghi nhận 442 ca mắc (trung bình 21 ca/ngày), trong đó, có 103 ca cộng đồng.
Hiện tại, Thành phố có 6 chùm ca bệnh, Hà Nội đã rà soát được 9.272 người về từ các tỉnh phía Nam, phát hiện 50 trường hợp mắc, trong đó có 32 người tiêm đủ 2 mũi vaccine. Hà Nội cũng đã tiêm được 9.664.917 mũi; trong đó số người được tiêm 1 mũi là 6.040.615 người (đạt 92,3% dân số), số người được tiêm đủ 2 mũi là 3.624.302 người (đạt 55,4% dân số).
Hiện Thành phố đã sẵn sàng kế hoạch tiêm chủng cho người dưới 18 tuổi theo chỉ định của Bộ Y tế nhanh nhất, sớm nhất, an toàn nhất.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện Thành phố đã kích hoạt 2.640 giường điều trị F0 tại 8 bệnh viện và 2 cơ sở điều trị; có phương án điều trị tại các bệnh viện và các cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ để có thể đáp ứng 22.100 giường điều trị. Đã triển khai và thi công xong hệ thống oxy tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra khí oxy đưa vào sử dụng ngay.
Đặc biệt, 30/30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng phê duyệt kế hoạch, phương án triển khai Trạm Y tế lưu động tại 508 xã, phường, thị trấn; dự kiến mỗi thôn, xóm, cụm dân cư phải có 1 địa điểm, sẵn sàng đáp ứng công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố. Cùng với đó, đã thành lập 14 Trạm Y tế, Tổ y tế lưu động tại các khu công nghiệp và các khu vực cách ly, phong tỏa để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong các khu vực trên. Một số huyện đã diễn tập phương án vận hành trạm y tế lưu động.
Về kế hoạch tiêm mũi 2 cho người trên 50 tuổi, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến ngày 15/11, khoảng 1 triệu người trên 50 tuổi đến lịch tiêm trả mũi 2.
Liên quan đến việc cho học sinh trở lại trường, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, trên địa bàn Thành phố có khoảng 3,2 triệu sinh viên, học sinh các cấp. Hiện nay, tỷ lệ tiêm vaccine cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường đạt cao (98,5% tiêm mũi 1; trên 62% tiêm mũi 2, một số huyện đạt trên 80%). Qua khảo sát ý kiến, có 78,5% phụ huynh học sinh mong muốn con em được trở lại trường học.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn, UBND TP Hà Nội đã đồng ý cho học sinh đến trường từ ngày 8/11/2021 (học sinh các khối lớp 5, 6, 9, 10, 12 tại các xã, phường, thị trấn thuộc 18 huyện, thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2, trong 14 ngày tính tới thời điểm ngày 8/11/2021 không có ca cộng đồng thì đi học trực tiếp. Các khối còn lại học trực tuyến; cấp mầm non tiếp tục nghỉ học tại nhà...). UBND cũng thống nhất 7 nguyên tắc thực hiện cụ thể, trong đó các trường phải đáp ứng các tiêu chí an toàn; không tổ chức ăn bán trú...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ bố trí sớm, đủ 4,4 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó: Số liều vaccine để tiêm trả mũi 2 và số người dân trở về Hà Nội sau thời gian giãn cách dự kiến khoảng 2,7 triệu liều; số liều để tiêm cho người từ 12-18 tuổi khoảng 1,7 triệu liều.
Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể về cách đánh giá cấp độ dịch tại cấp huyện, tỉnh (hiện nay theo hướng dẫn mới chỉ có đánh giá ở cấp xã và nhỏ hơn) để trên cơ sở đó có các biện pháp thích ứng, phù hợp và linh hoạt; tiếp tục cập nhật phác đồ điều trị, hướng dẫn cụ thể về tần suất và tỷ lệ thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đối với các nhóm đối tượng...
Cũng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định: Thủ đô luôn xác định phải chủ động trong phòng, chống dịch; Kinh nghiệm chống dịch vừa qua càng đặt ra yêu cầu cao hơn đối với Hà Nội, vì nếu để bùng phát dịch nặng như TP Hồ Chí Minh hay các tỉnh phía Nam thì sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn lực quốc gia. Nên Hà Nội phải kiên trì xác định phòng, chống dịch ở mức độ cao hơn; vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, cầu thị, lắng nghe và chỉ đạo của Trung ương. Điều này càng cần thiết hơn trong bối cảnh hiện nay, khi nguy cơ dịch bệnh rất cao, đã có những khu vực dịch sâu trong cộng đồng như những ổ dịch phát hiện tại các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, gần nhất là huyện Phú Xuyên. Nguy cơ do người về từ vùng dịch cũng rất cao, không chỉ là người về từ các tỉnh phía Nam, mà ở các phía như trường hợp F0 ở huyện Mê Linh vừa qua là người về từ tỉnh Hà Giang.
Về những kiến nghị của Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phong đề nghị Bộ Y tế nên có hướng dẫn phù hợp, ví dụ một quận như Hoàng Mai có dân số gần gấp đôi một tỉnh miền núi phía Bắc, nếu áp tiêu chí theo tỷ lệ dân số hiện nay, thì mặc dù số ca mắc lớn, nguy cơ cao vẫn được coi là “vùng xanh”.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, thời gian tới đây, Hà Nội vẫn phải cảnh giác, bởi thực tế cả nước, dịch đã xâm nhập rất sâu trong cộng đồng. Hà Nội phải sẵn sàng các tình huống xấu hơn để có sự chuẩn bị cao hơn, không để bị động, bất ngờ. Các giải pháp phòng, chống dịch phải thống nhất. Đặc biệt, những nguyên bắc ban đầu trong phòng, chống dịch, gồm ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly vẫn phải thực hiện, nhưng có sự điều chỉnh linh hoạt và sát thực tiễn.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, bên cạnh các phương án đang triển khai, Hà Nội cũng cần “tập dượt” các phương án khác, như thí điểm cách ly F1, điều trị F0 có đủ điều kiện tại nhà để xây dựng quy trình, tập huấn cho y tế tuyến dưới.
Về cung cấp vaccine, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế bố trí đủ vaccine để Hà Nội tiêm toàn bộ người trên 18 tuổi, kể cả người từ nơi khác đến. Đối với học sinh, tập trung trước một bước cho những nơi có dịch rất nặng trong thời gian vừa qua, kể cả những nơi liền kề Hà Nội.
Về vấn đề giáo dục, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần là an toàn mới đi học, nhưng an toàn là kiểm soát được, bảo vệ được sức khỏe cho các cháu, cho cộng đồng, chứ an toàn không phải là không có học sinh nào nhiễm bệnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng phân tích, việc không được đến trường ảnh hưởng rất lớn đến học tập và tâm sinh lý của các cháu. Đây là nhu cầu không chỉ của học sinh, mà còn của gia đình, của lực lượng lao động trên địa bàn. Do vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Hà Nội căn cứ thực tiễn, tiến hành mở dần, cần linh hoạt, không máy móc.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan điểm, đã sẵn sàng chấp nhận không “Zero COVID” thì cả hệ thống y tế phải sẵn sàng và nâng lên một bước so với trước đây. Vẫn phải xét nghiệm, khoanh vùng, nhưng làm khác trước và cố gắng không để bị động, bất ngờ.
Ghi nhận những kiến nghị của Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu đánh giá cấp độ dịch như đề nghị của Hà Nội. Ngoài những nguyên tắc chung áp dụng cho cả nước thì phải tính đến các yếu tố đặc thù như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Cùng với đó, xem xét nghiên cứu phác đồ điều trị để các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn vật tư, thuốc men.