Thành phố có lượng người không nhỏ đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước để tìm kiếm việc làm, lao động, học tập. Vì vậy, chất lượng đời sống, văn hóa không đồng đều, vẫn còn có khoảng cách giữa đô thị và nông thôn.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới cuộc sống người dân còn gặp khó khăn như: Do ảnh hưởng kinh tế suy thoái toàn cầu kéo theo doanh nghiệp trong nước và Thủ đô hoạt động cầm chừng. Nhiều lao động mất việc làm hoặc phải chuyển đổi ngành, nghề, xáo trộn cuộc sống, thu nhập không ổn định.
Nhiều khu vực nằm trong diện giải tỏa thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng, mặc dù đã nhận tiền đền bù nhưng người dân chưa chủ động được trong chuyển đổi nghề nghiệp, nhất là những vùng lâu nay chuyên sản xuất nông nghiệp trồng trọt, hiện không còn đất canh tác. Công tác tái định cư cho người dân chưa thực sự đồng bộ, từ việc bố trí nơi ở đến nghề nghiệp mới. Nhiều vùng sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, chưa chủ động được tưới tiêu; còn những vùng chuyên canh, sản xuất trên cánh đồng lớn có thời điểm chưa tìm được đầu ra ổn định, giá cả cao cho sản phẩm…
Thực trạng trên luôn tiềm ẩn nguy cơ tệ nạn xã hội, mất trật tự an ninh, tình trạng lừa đảo trên không gian mạng. Do đó, thành phố Hà Nội rất quan tâm và đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình 08 của Thành ủy về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025”.
Mới đây, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo toàn hệ thống chính trị quyết liệt và triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình này. Bí Thư thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu, công tác chỉ đạo, thực hiện Chương trình phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội các địa phương; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong Ban Chỉ đạo từ thành phố đến các quận, huyện.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 08 cho biết, thời gian tới, Ban Chỉ đạo tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đến các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân Thủ đô.
Thành phố tiếp tục nhân rộng, lan tỏa những cách làm hay, sáng tạo của các đơn vị, địa phương trong triển khai Chương trình. Ban Chỉ đạo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù và các văn bản chỉ đạo, triển khai hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình. Đồng thời, tập trung chỉ đạo quyết liệt những chỉ tiêu, nhiệm vụ khó thực hiện hoặc kết quả đạt được chưa cao, chưa bền vững; chưa hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025.
Đơn cử như các chỉ tiêu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp hưu trí, xã hội; tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe; tỷ lệ xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng...
Ban Chỉ đạo có kế hoạch hành động, trong đó đặt ra quyết tâm thực hiện 27 chỉ tiêu đến năm 2025. Cụ thể: Tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%; giải quyết việc làm cho 165.000 lượt người/năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội trên lực lượng lao động trong độ tuổi là 47,5%; lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi là 40%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 94,5%; hộ nghèo cuối năm theo chuẩn nghèo mới còn 0,01%; tỷ lệ học sinh khuyết tật, học sinh là đối tượng bảo trợ xã hội, học sinh thuộc hộ nghèo được miễn học phí đạt 100%.
Ban Chỉ đạo đặt mục tiêu tỷ lệ người thuộc diện bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định đạt 100%; cá nhân, hộ gia đình gặp rủi ro do thiên tai, hỏa hoạn hoặc các lý do bất khả kháng khác được trợ giúp đột xuất kịp thời đạt 100%. Ngoài ra, phấn đấu số giường bệnh/vạn dân đạt trên 35 giường; số xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 100%; tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe đạt trên 98%; tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt trên 85%; người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí, xã hội đạt từ 51 - 53%...
Thành ủy Hà Nội đang tích cực thực hiện công tác giám sát đối với Chương trình này; yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và địa bàn được phân công phụ trách chủ động kiểm tra, giám sát công tác chỉ đạo tại các địa phương, cơ quan, đơn vị. Định kỳ, các thành viên Ban Chỉ đạo báo cáo kết quả triển khai Chương trình số 08 về cơ quan thường trực Chương trình để tổng hợp báo cáo Thành ủy, Thường trực Ban Chỉ đạo.