Nhân dân đồng tình ủng hộ cao
Ông Đặng Minh Hiếu, phường Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ vui mừng khi việc sắp xếp đơn vị hành chính đã và đang được người dân đồng tình ủng hộ. Các cấp, ngành của thành phố đã lắng nghe, thấu hiểu nguyện vọng của nhân dân khi thực hiện sáp nhập. Đơn cử như tên đơn vị hành chính mới được xem xét dựa trên yếu tố truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán của địa phương, ưu tiên sử dụng tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp hoặc được sử dụng trong quá trình hình thành và phát triển; đồng thời còn xem xét đến những yêu tố đặc thù để không thực hiện sáp nhập như quận Hoàn Kiếm... qua đó khẳng định việc sáp nhập xã, phường ở Hà Nội thời gian qua không phải phép cộng cơ học, đây là điều đáng mừng.
Cụ thể, đến nay, 8 quận, huyện, thị xã ở Hà Nội đã công bố đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường giai đoạn 2023-2025 để lấy ý kiến người dân. Điển hình như: Quận Hai Bà Trưng sắp xếp 7 phường thành 4 gồm: Nhập một phần phường Cầu Dền vào Thanh Nhàn lấy tên Thanh Nhàn; nhập một phần phường Cầu Dền vào Bách Khoa thành phường Bách Khoa; Quỳnh Lôi và Bạch Mai thành phường Bạch Mai; Đống Mác và Đồng Nhân thành phường Đồng Nhân. Chủ tịch UBND phường Cầu Dền Hoàng Anh Tuấn khẳng định, sắp xếp đơn vị hành chính góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước, mở rộng không gian phát triển, thúc đẩy kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân, giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Trên tinh thần đó, hệ thống chính trị phường đã được tuyên truyền quán triệt từ các cấp trên, từ đó tích cực tuyên truyền, vận động, ổn định tư tưởng đội ngũ cán bộ công chức cùng toàn bộ người dân trên địa bàn. Qua đó, mọi người đã đồng thuận với chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính. Công việc tại phường tiếp tục diễn ra bình thường, không có gì bị gián đoạn. Đến thời điểm hiện tại, UBND phường Cầu Dền đã niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở UBND phường và các điểm sinh hoạt cộng đồng; đồng thời, niêm yết những tài liệu phục vụ lấy ý kiến cử tri trong thời gian tổ chức lấy ý kiến. Phường Cầu Dền sẽ hoàn thành lấy ý kiến cử tri trước ngày 5/4 về nội dung dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính phường.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Trung, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết: Việc sáp nhập các phường có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động, điều hành công việc và phát triển quận trong tương lai. Vì vậy, quận chú trọng làm thật bài bản, cẩn thận và lắng nghe, lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân về vấn đề này. Qua lấy ý kiến, người dân trong vùng sáp nhập đồng tình cao và quận đang dự kiến việc lấy ý kiến hoàn thành trước ngày 5/4. Ngày 9/4 tới, HĐND quận họp để thông qua Đề án và sẽ sớm trình HĐND thành phố Hà Nội.
Còn tại quận Thanh Xuân, hai phường Thanh Xuân Nam và Thanh Xuân Bắc sáp nhập thành phường Thanh Xuân Bắc; Kim Giang và Hạ Đình thành phường Hạ Đình. Theo dự kiến, quận Thanh Xuân sẽ hoàn thành lấy ý kiến cử tri trước ngày 4/4 về nội dung dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính phường. Ông Võ Đăng Dũng, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho rằng, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính sẽ góp phần nâng cao đời sống, giá trị văn hóa truyền thống của quê hương; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trong tình hình mới.
Tương tự, tại quận Ba Đình, hai phường Nguyễn Trung Trực và Trúc Bạch sáp nhập thành phường Trúc Bạch. Do tên gọi Trúc Bạch gắn liền quá trình lịch sử và tên Tiểu khu Trúc Bạch trước đó bao gồm cả phường Nguyễn Trung Trực hiện nay. Tại quận Hà Đông, ba phường Quang Trung, Nguyễn Trãi, Yết Kiêu hợp nhất thành Quang Trung. Tại quận Long Biên, nhập một phần phường Sài Đồng vào phường Phúc Đồng thành phường Phúc Đồng; nhập một phần phường Sài Đồng vào Phúc Lợi thành Phúc Lợi. Tại thị xã Sơn Tây, ba phường Lê Lợi, Ngô Quyền và Quang Trung sáp nhập thành một, lấy tên Ngô Quyền.
Tại quận Đống Đa, hai phường Khâm Thiên và Trung Phụng nhập thành phường Khâm Thiên; nhập một phần phường Ngã Tư Sở vào Khương Thượng, lấy tên Khương Thượng; một phần phường Ngã Tư Sở nhập vào phường Thịnh Quang thành phường Thịnh Quang; nhập một phần phường Trung Tự vào phường Phương Liên thành phường Phương Liên - Trung Tự; nhập một phần phường Trung Tự vào phường Kim Liên thành phường Kim Liên; hai phường Quốc Tử Giám và Văn Miếu nhập thành phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Huyện Ứng Hòa có số xã giảm lớn nhất trong đợt sắp xếp đơn vị hành chính khi sáp nhập 14 xã thành 5 xã. Cụ thể, nhập các xã Viên Nội, Viên An, Hoa Sơn thành xã Hoa Viên; nhập các xã Cao Thành, Sơn Công, Đồng Tiến thành xã Cao Sơn Tiến; nhập các xã Hòa Xá, Vạn Thái, Hòa Nam thành xã Thái Hòa; nhập các xã Lưu Hoàng, Hồng Quang, Đội Bình thành xã Bình Lưu Quang; nhập các xã Trầm Lộng, Hòa Lâm thành xã Trầm Lộng...
Lưu ý sắp xếp cán bộ, công chức
Trong đợt sắp xếp này, theo tiêu chí về diện tích, dân số, thành phố Hà Nội có 173 xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, do đặc thù quốc phòng, an ninh, truyền thống lịch sử, văn hóa, tốc độ phát triển đô thị và trình độ phát triển kinh tế nên thành phố đề xuất phương án giảm khoảng 70 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn ở 20 quận, huyện và thị xã. Đợt lấy ý kiến nhân dân về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường và thông qua HĐND quận, huyện, thị xã dự kiến hoàn thành trước ngày 10/4.
Sở Nội vụ sẽ tổng hợp xây dựng hồ sơ đề án, báo cáo UBND thành phố Hà Nội trình xin ý kiến Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy. UBND sau đó trình HĐND thành phố tổ chức kỳ họp ban hành Nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính trước ngày 15/5 để thành phố hoàn chỉnh hồ sơ gửi Bộ Nội vụ và Ban Chỉ đạo Chính phủ, hoàn thành trước ngày 31/5.
Để hoàn thành tiến độ đề ra, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố đề nghị Ban Thường vụ cấp ủy, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo cấp ủy Đảng, UBND các xã, phường, thị trấn tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Trong đó, các đơn vị, địa phương cần thực hiện đúng trình tự, pháp luật, bài bản, kỹ lưỡng, tạo sự thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.
Đặc biệt, trong quá trình sắp xếp các quận, huyện, thị xã cần quan tâm hai vấn đề là tên gọi của đơn vị hành chính mới và việc sắp xếp các cán bộ, công chức. Về tên gọi, theo ông Trần Đình Cảnh thì đây là vấn đề được dư luận nhân dân đặc biệt quan tâm, vì thế trong quá trình tổ chức thực hiện, đề nghị các đơn vị xem xét kỹ lưỡng các yếu tố về truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán của địa phương. Trong đó, ưu tiên sử dụng tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp hoặc tên gọi được sử dụng trong quá trình hình thành và phát triển của đơn vị mình; đồng thời có phương án, cách làm phù hợp với thực tiễn tại cơ sở nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố đề nghị, về nguyên tắc sau khi sắp xếp đơn vị hành chính thì nhập nguyên trạng đội ngũ cán bộ, công chức của các đơn vị được sáp nhập và sẽ thực hiện giảm dần theo lộ trình 5 năm. Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội đưa ra một số phương án xử lý, như: Cán bộ đủ tuổi nghỉ hưu thì giải quyết nghỉ hưu theo chế độ; cán bộ có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi, có nguyện vọng thôi việc thì giải quyết chế độ thôi việc, chế độ chính sách cho đối tượng này.
Đồng thời, điều động, luân chuyển cán bộ, công chức ở những xã sắp xếp đến những xã, phường, thị trấn có số cán bộ, công chức còn thiếu để bảo đảm giải quyết hài hòa. Tuyển dụng lên cấp huyện đối với cán bộ, công chức đủ tiêu chuẩn. Đối với cán bộ chuyên trách, nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì tuyển dụng làm công chức, số còn lại không giải quyết được thì gộp nguyên trạng.