Tạo nhiều động lực, nguồn lực và cách làm đổi mới để du lịch Sơn Tây 'cất cánh'

Ngày 10/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội dẫn đầu Đoàn công tác của Thường trực Thành ủy, làm việc và khảo sát trực tiếp tại các địa điểm, di tích, công trình văn hóa trên địa bàn thị xã Sơn Tây.

Chú thích ảnh
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đại biểu khảo sát Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tại đây, Thường trực Thành ủy Hà Nội mong muốn đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, tìm ra các giải pháp khơi thông nguồn lực để du lịch Sơn Tây "cất cánh" dựa trên nền tảng chính là nguồn lực văn hóa, nguồn lực con người, các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng.

Đáng chú ý, khảo sát xung quanh khu vực làng cổ Đường Lâm và Đền Và, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo cần có tầm nhìn dài hạn về việc điều chỉnh quy hoạch, tổ chức lại không gian khu vực này, vừa đảm bảo là chốn linh thiêng, gìn giữ được lâu dài, vừa tạo điều kiện để cho đông đảo du khách, người dân, du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, qua đó góp phần phát triển du lịch Sơn Tây nhanh và bền vững. 

Đặc biệt, Hà Nội coi Sơn Tây là tiềm lực thế mạnh để đầu tư, xây dựng, nâng cấp cả về các di tích lịch sử lẫn nâng cao kiến thức du lịch cộng đồng cho người dân để hiện thực hóa công nghiệp văn hóa theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chú thích ảnh
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đại biểu tham quan ngôi nhà cổ 300 tuổi của gia đình ông Hà Hữu Thể (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đồng quan điểm, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng: Xứ Đoài nói chung, trong đó Sơn Tây là một mảnh đất giàu truyền thống về lịch sử, văn hóa. Đây là nơi lưu giữ những truyền thống của người Việt cổ cũng như thể hiện được đặc điểm của một vùng đất đã góp phần làm nên lịch sử văn minh của vùng Đồng bằng sông Hồng và mảnh đất Thăng Long, Hà Nội.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, thị xã Sơn Tây đã có bước tiến và chuyển mình rất tích cực bằng việc quan tâm đầu tư, tổ chức các sự kiện nhằm phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa truyền thống riêng có. Vì thế, trong năm 2022, cơ cấu kinh tế của thị xã đã chuyển dịch tích cực, tỷ trọng thương mại, dịch vụ và du lịch chiếm 48%, riêng 4 tháng đầu năm nay, chiếm tới trên 50%.

Tuy nhiên, để phát huy và khai thác tiềm năng, thế mạnh của Sơn Tây, Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, thành phố cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, đầu tư trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, thành phố sớm phê duyệt quy hoạch du lịch các hệ thống di tích lịch sử, đặc biệt, tập trung cho khu vực Đường Lâm; tập trung xây dựng các cơ chế chính sách, quy chế để kết hợp hài hòa giữa việc bảo tồn và phát triển, nhất là lưu giữ giá trị truyền thống của khu vực Làng cổ Đường Lâm. 

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội tin tưởng, với cách làm mạnh dạn, nhiều đổi mới sáng tạo, quyết tâm của Sơn Tây, cùng với sự quan tâm đầu tư của thành phố và sự đồng lòng ủng hộ của người dân, việc bảo tồn, lưu giữ các địa điểm di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, kết hợp với phát triển du lịch sẽ là động lực để kinh tế, xã hội thị xã phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.  

Chú thích ảnh
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đại biểu tham quan ngôi nhà cổ 300 tuổi của gia đình ông Hà Hữu Thể (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Báo cáo với Đoàn công tác, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết, được sự quan tâm thường xuyên của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo thành phố, sự phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành chức năng, các cấp ủy đảng, chính quyền thị xã Sơn Tây và xã Đường Lâm đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, giải quyết nhiều vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ. 

Đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đường Lâm nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa, giá trị và trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo tồn di tích, nhất là việc bảo tồn nguyên vẹn giá trị gốc các di tích cổ. Nhiều hộ gia đình thực hiện nghiêm thủ tục cấp phép xây dựng theo quy định. Công tác thông tin, tuyên truyền và quảng bá về giá trị di tích Làng cổ được đẩy mạnh, thu hút ngày càng đông lượng khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu. 

Thị xã Sơn Tây tích cực, chủ động tranh thủ các nguồn vốn, đầu tư xây dựng nhiều công trình theo Đề án của UBND thành phố, như: Xây dựng trường học, quy hoạch xây dựng khu ở giãn dân, thiết kế nhà mẫu truyền thống; tu bổ, tôn tạo di tích được xếp hạng đã xuống cấp nghiêm trọng; triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, gắn với công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ; chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tổ chức dạy nghề, giải quyết việc làm... Một số hộ gia đình đã phát huy được giá trị di tích, tổ chức các dịch vụ phục vụ nhu cầu của khách du lịch, có thêm thu nhập cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương... 

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế hộ gắn với phát triển sản xuất tạo ra các sản phẩm đặc trưng phục vụ khách du lịch tại di tích còn chậm. Các ngành nghề được triển khai cho người dân chưa đi vào thực tế, chưa tạo thành một sản phẩm hàng hóa đặc sắc để phục vụ du lịch. Việc nghiên cứu, đề xuất chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư tham gia vào những hoạt động du lịch, dịch vụ còn hạn chế.

Chú thích ảnh
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đại biểu khảo sát Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Theo báo cáo của Thị ủy Sơn Tây, Làng cổ ở Đường Lâm là nơi hội tụ nét văn hóa tiêu biểu của đồng bằng Bắc Bộ và châu thổ sông Hồng, với nền văn minh nông nghiệp lúa nước, được biết đến với những cái tên rất thuần việt, như: "Làng Việt cổ", "Làng cổ đá ong"... Đây là một quần thể di tích có mật độ dày đặc, với 50 di tích có giá trị, trong đó nhiều di tích đã được nhà nước xếp hạng (gồm 7 di tích cấp quốc gia, 2 di tích và 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp tỉnh).

Làng cổ Đường Lâm còn lưu giữ được gần 100 ngôi nhà cổ giá trị đặc biệt có niên đại trên 100 năm và gần 1.000 ngôi nhà truyền thống nông thôn vùng Đồng bằng Bắc Bộ. 5 thôn trong khu vực Di tích Làng cổ có gần 1.500 hộ dân, với hơn 6.000 nhân khẩu đang sinh sống. Với những giá trị đó, ngày 28/11/2005, Làng cổ ở Đường Lâm được xếp hạng "Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia" với diện tích khoanh vùng bảo vệ II của di tích là 164,02 ha, diện tích khoanh vùng bảo vệ I là 14,6 ha.

Di tích Làng cổ ở Đường Lâm không chỉ là tài sản vật chất, tinh thần của người dân Đường Lâm, của thị xã Sơn Tây, mà còn là di sản vô giá của nhân dân Thủ đô và cả nước.

Nguyễn Thắng - Văn Cảnh (TTXVN)
Mở rộng tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, tăng sức hấp dẫn của điểm đến
Mở rộng tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, tăng sức hấp dẫn của điểm đến

Sau một năm đi vào hoạt động, tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (Hà Nội) đã khẳng định được vai trò, vị thế của một điểm đến hấp dẫn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN