Để tăng cơ hội trúng tuyển, các gia đình và học sinh cần quan tâm, nghiên cứu kỹ về năng lực học tập, nguyên tắc xét tuyển và điểm chuẩn tuyển sinh trong vài năm gần đây. Bên cạnh đó, các gia đình cần tính toán khoảng cách di chuyển từ nhà đến trường để bảo đảm học sinh không phải đi học quá xa.
Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, mỗi học sinh có 3 nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 trường công lập. Theo nguyên tắc xét tuyển vào lớp 10 công lập không chuyên, học sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 không được xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 được xét tuyển nguyện vọng 2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 1,0 điểm. Học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 được xét tuyển nguyện vọng 3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 2,0 điểm. Khi hạ điểm chuẩn, các trường được phép nhận học sinh có nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 đủ điều kiện trúng tuyển. Quy định này không mới nhưng gia đình và học sinh không nên chủ quan bởi thực tế đã từng có học sinh học khá nhưng trượt cả 3 nguyện vọng do lựa chọn chưa sát với năng lực học tập.
Một điểm khác các gia đình học sinh cần quan tâm là điểm chuẩn vào lớp 10 của các trường trong vài năm trở lại đây. Việc được đăng ký tới 3 nguyện vọng không kể nguyện vọng vào lớp chuyên, trường tư thục... là một thuận lợi mà gia đình và học sinh cần tận dụng. Tuy nhiên, các nguyện vọng nên sắp xếp theo thứ tự và bảo đảm khoảng cách an toàn của điểm chuẩn. Trong 12 khu vực tuyển sinh của Hà Nội, mỗi khu vực có từ 2 - 4 quận, huyện có địa giới hành chính gần nhau có đủ các trường với mức điểm chuẩn từ cao xuống thấp. Các gia đình học sinh cần quan tâm tham khảo kỹ về các trường ở từng khu vực tuyển sinh để chọn nguyện vọng phù hợp.
Theo kế hoạch tuyển sinh lớp 10 của UBND thành phố Hà Nội, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học Phổ thông công lập năm học 2024 - 2025 sẽ diễn ra trong hai ngày 8 và 9/6 với ba môn thi độc lập là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Cũng như kỳ tuyển sinh năm học trước, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội vẫn vận dụng quy chế thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, trong đó có quy định các vật dụng thí sinh được phép và không được phép mang vào phòng thi.
Về các quy định này, em Đỗ Nguyễn Anh Thư, học sinh lớp 9A1 Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Trãi A (huyện Thường Tín, Hà Nội) cho biết, em đã chủ động tìm hiểu từ kỳ thi trước và sẽ cập nhật thông tin theo giáo viên chủ nhiệm lưu ý. Em Thư cũng cho rằng, những quy định liên quan đến kỳ thi cần được các thí sinh nắm rõ để tránh thiệt thòi, sai sót không đáng có.
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) Nguyễn Thị Vân Hồng, nhà trường sẽ phổ biến thật kỹ cho học sinh về các quy định liên quan đến kỳ thi, trong đó sẽ đặc biệt lưu ý nội dung các vật dụng cấm mang vào phòng thi. Nếu học sinh mang tài liệu, vật dụng trong danh mục cấm vào phòng thi thì theo quy chế, học sinh vi phạm ở môn thi nào sẽ bị đình chỉ thi và bị điểm 0 ở bài thi đó. Như vậy, các em sẽ không đủ điều kiện xét tuyển theo quy định.
"Ngay tại các kỳ khảo sát, thi thử tại trường, các học sinh cần có ý thức nghiêm túc khi làm bài để tập dượt với việc thực hiện quy chế thi, tránh tâm lý chủ quan, lơ là mà phạm quy", bà Nguyễn Thị Vân Hồng chia sẻ.
Năm học 2023 - 2024, dự kiến toàn thành phố Hà Nội có khoảng 133.000 học sinh xét tốt nghiệp Trung học Cơ sở. Theo kế hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt, chỉ tiêu dự kiến vào các trường Trung học Phổ thông công lập khoảng 81.200 học sinh; còn lại 51.800 học sinh sẽ được tuyển vào các trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Hà Nội hiện có nhiều loại hình trường đáp ứng nguyện vọng học tập đa dạng của học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã và đang tiếp tục tham mưu thành phố triển khai nhiều giải pháp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu học tập của 100% học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở.