'Vùng xanh' Ba Vì (Hà Nội) thực hiện phòng, chống dịch đi đôi với đẩy mạnh sản xuất, cung ứng hàng hóa

Từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến ngày 17/9, thành phố Hà Nội ghi nhận gần 3.900 ca mắc COVID-19 ở nhiều quận, huyện; trong đó có 10 quận, huyện thuộc “vùng đỏ” nguy cơ lây nhiễm cao. Riêng huyện Ba Vì - địa bàn có diện tích lớn nhất thành phố, có nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối tới nhiều địa phương, tới nay chưa ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng.

Huyện đang bảo vệ tốt “vùng xanh”, đồng thời tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh để đáp ứng như cầu của người dân trong huyện cũng như cung ứng tới các địa bàn trung tâm thành phố.

Chú thích ảnh
Trang trại chăn nuôi gà của gia đình anh Phan Đình Lục ở xã Phú Phương, huyện Ba Vì (thành phố Hà Nội), có tổng đàn 16 vạn con/năm (tương đương 36 tấn thịt). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Huyện Ba Vì có nhiều đồi núi, diện tích đất nông nghiệp, nhiều khu du lịch bậc nhất Hà Nội, lại là nơi tiếp giáp giữa đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, đường Hồ Chí Minh và nhiều đường tỉnh lộ, quốc lộ đi các tỉnh giáp ranh như Hòa Bình, Vĩnh Phúc… Với lượng người qua lại rất lớn nên Ba Vì được đánh giá có nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 từ địa bàn khác tới rất cao.
 
Ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết: Mặc dù là địa bàn “vùng xanh” nhưng tinh thần phòng, chống dịch bệnh, các phương án, giải pháp, biện pháp đề ra luôn được huyện xác định như đang thực hiện ở “vùng đỏ”. Điều quan trọng hàng đầu trong phòng, chống dịch bệnh, theo ông Đỗ Mạnh Hưng là phải chủ động trong mọi tình huống, có phương án chủ động ứng phó ngay từ khi dịch chưa xuất hiện. Vì vậy, huyện đã triển khai các chỉ đạo, văn bản của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi thành phố Hà Nội chưa xuất hiện dịch bệnh. Từ đó, khi dịch bệnh bùng phát trên nhiều địa bàn thành phố, huyện đã nhanh chóng kích hoạt tất cả các phương án có trước để phù hợp với các chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội.

Ban Thường vụ Huyện ủy họp phân công cụ thể cho từng thành viên, mỗi người phụ trách chỉ đạo 2 xã, hằng ngày đi kiểm tra thực tế tại các địa bàn, tại các chốt, các doanh nghiệp sản xuất và phải chịu trách nhiệm cá nhân trước tập thể. Mỗi địa bàn đều chú trọng tuyên truyền sâu rộng để người dân nắm được thông tin về tình hình dịch bệnh, hiểu được mình là một "chiến sỹ" trong công tác phòng, chống dịch.

Ngoài 3 chốt kiểm soát dịch của thành phố để ngăn người ngoài tỉnh vào địa bàn, huyện Ba Vì thành lập thêm 9 chốt kiểm soát tại các đường giao thương với các tỉnh, huyện khác. Ở vòng trong, huyện lập 626 chốt liên thôn, liên xã, kiểm soát chặt chẽ người ra, vào giữa các địa bàn; duy trì 654 mô hình “Xóm, ngõ tự quản an toàn” tại 208 thôn. Các ngõ xóm do chính người dân tại địa bàn phân công nhau để trực chốt, kiểm tra, kiểm soát và nhắc nhở thường xuyên trong cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, huyện thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành, lưu động kiểm tra hàng trăm cuộc trên toàn địa bàn và kiểm tra chéo, kiểm tra chuyên ngành trong việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, Phòng Y tế huyện kiểm tra 48 cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập; phòng Kinh tế kiểm tra 30 cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ, siêu thị; phòng Lao động, Thương binh và Xã hội kiểm tra việc chi trả, hỗ trợ, trợ cấp chế độ trên địa bàn các xã…

Khi đã “khóa chặt” nguồn lây nhiễm bệnh từ ngoài vào, đồng thời kiểm soát việc đi lại ngay tại chỗ, huyện phát động đẩy nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, tập trung thu hoạch vụ mùa, cung cấp hàng hóa cho các địa bàn. Huyện lập danh sách quản lý 1.465 tiểu thương đang kinh doanh hàng hóa thiết yếu tại 23 chợ để tổ chức xét nghiệm, sàng lọc và tiêm vaccine phòng ngừa. Các xã, thị trấn triển khai các mô hình làm tấm ngăn chống giọt bắn, căng dây, kẻ vạch sơn giữ khoảng cách an toàn trong mua bán hàng hóa... Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các cụm công nghiệp, chủ doanh nghiệp phải xây dựng phương án sản xuất để huyện phê duyệt. Các công nhân lao động được cấp giấy đi đường, được xét nghiệm trước khi doanh nghiệp thực hiện mô hình sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”.

Huyện chỉ đạo nông dân sản xuất, bảo vệ mùa màng, thu hoạch vụ mùa với năng suất sản lượng cao. Toàn huyện có 5.600 ha lúa mùa, ước tính sản lượng đạt gần 32.000 tấn, nhiều địa phương đang tiến hành thu hoạch rộ. Khu vực trồng rau màu vụ đông với diện tích 4.000 ha duy trì sản xuất ổn định, huyện hỗ trợ 50% giá giống cho diện tích trồng ngô, khoai tây. Đối với vùng trồng chè có 1.550 ha, năng suất đạt 11 tấn/ha, sản lượng 1.860 tấn búp tươi.

Chú thích ảnh
Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình chị Lê Thị Ngân ở xã Phú Châu, huyện Ba Vì (thành phố Hà Nội), mỗi tháng cung cấp cho thị trường 80 tấn thịt đảm bảo chất lượng. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Thực hiện chiến lược của thành phố Hà Nội là bảo vệ “vùng xanh” để sản xuất hàng hóa cung ứng cho thị trường tiêu thụ, huyện Ba Vì tập trung phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Hiện toàn huyện có gần 4.200 con trâu, 36.600 con bò (trong đó có 11.500 con bò sữa, sản lượng đạt 23.000 tấn sữa); đàn lợn có 210.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 25.000 tấn; đàn gia cầm 5,7 triệu con, sản lượng thịt 35.000 tấn; khoảng 70 triệu quả trứng gia cầm; diện tích thủy sản 2.600 ha, sản lượng đạt 6.000 tấn…

Cùng với phòng, chống dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp, huyện triển khai nhiều giải pháp cụ thể để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đồng thời thành lập tổ cung ứng hàng hóa từ huyện đến các xã, thu nhận ý kiến của nông dân, của doanh nghiệp trong vấn đề tiêu thụ nông sản, hàng hóa. Nhờ chủ động kết nối với các chuỗi siêu thị, chợ đầu mối, các thị trường lớn nên phần lớn hàng hóa trên địa bàn đều được tiêu thụ nhanh chóng, không có tình trạng người dân “kêu cứu” được mùa mất giá. Huyện Ba Vì còn huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện trên địa bàn tham gia hỗ trợ vận chuyển hàng hóa phục vụ nhân dân khi cần thiết; xe của các doanh nghiệp, xe của đơn vị, cá nhân đều được kêu gọi vận chuyển cung ứng hàng hóa tới các kho, bến bãi, điểm bán hàng tập trung của huyện.

Huyện cũng tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã đăng ký “luồng xanh” lưu thông, không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng cho các địa bàn “vùng đỏ” của Hà Nội. Ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì nhấn mạnh, khi dịch bệnh lan rộng thì vai trò của những vùng sản xuất an toàn là rất quan trọng nhằm đảm bảo hàng hóa cho các khu vực đang bị cách ly, phong tỏa để người dân yên tâm thực hiện các quy định về phòng, chống dịch.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
Dựa vào dân để thu hẹp 'vùng đỏ', bảo vệ 'vùng xanh' tại Đống Đa - Hà Nội
Dựa vào dân để thu hẹp 'vùng đỏ', bảo vệ 'vùng xanh' tại Đống Đa - Hà Nội

Nhìn tổng thể trên bản đồ phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố Hà Nội sẽ thấy quận Đống Đa nằm trong vùng "đỏ rực" bởi trong đợt dịch lần thứ 4 ở đây có 390 F0; trong đó có 266 F0 tại cộng đồng, 124 F0 trong khu cách ly tập trung và 1.170 F1. Vậy nhưng Đống Đa lại là địa bàn mô hình mẫu trong việc bảo vệ hàng trăm "vùng xanh" an toàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN