Xử lý xe quá tải ở Hà Nội: Đừng để 'bắt cóc bỏ đĩa'

Hiện nay đang thời điểm cuối năm là mùa xây dựng các công trình tại Hà Nội. Theo đó, xe chở vật liệu quá tải xuất hiện nhiều hơn những thời điểm khác trong năm. Xe chở vật liệu quá tải được ví như "hung thần" trên đường, gây ra những bức xúc xã hội: rơi vãi ô nhiễm môi trường, phóng nhanh vượt ẩu, gây hư hại đường giao thông, nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông…

Chú thích ảnh
Thanh tra giao thông cân kiểm tra tải trọng xe trên quốc lộ 21. Ảnh tư liệu: XC

Trước những hiểm họa của xe chở vật liệu quá tải gây ra đối với xã hội, hằng năm, Công an thành phố Hà Nội đều mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý phương tiện chở quá tải, quá khổ, cơi nới thùng xe. Trong năm nay, thời gian thực hiện đợt cao điểm được triển khai từ ngày 20/6 đến 20/9.

Trong thời gian hơn 3 tháng thực hiện đợt cao điểm, Công an thành phố đã xử lý hơn 3.233 trường hợp vi phạm về cơi nới thành thùng và chở hàng quá trọng tải, quá khổ trên đường bộ; 586 trường hợp phương tiện thủy chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ, cảng, bến thủy nội địa không phép; phạt tiền hơn 11 tỷ đồng; tước 814 giấy phép lái xe; tước kiểm định, phù hiệu gần 300 trường hợp; cưỡng chế tháo, cắt 783 thùng xe...

Cũng trong 3 tháng triển khai kế hoạch cao điểm, trên toàn thành phố không xảy ra tai nạn giao thông do người điều khiển vi phạm về tốc độ, đường thủy và không xảy ra tai nạn giao thông xuất phát từ nguyên nhân phương tiện chở quá tải trọng, quá khổ giới hạn, cơi nới thành thùng.

Cũng có thể nhận thấy, trong thời điểm, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội xử lý nghiêm, các xe chở vật liệu quá tải, quá khổ đã hạn chế lưu thông. Hoặc khi lưu thông, cũng cơ bản chấp hành các quy định về trọng tải, tốc độ cũng như che chắn kín hơn.

Như đã thành quy luật, sau những đợt cao điểm thì phương tiện có dấu hiệu chở quá tải lại xuất hiện. Theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây tại một số tuyến đường nội đô cũng như tuyến đường ngoại thành, xuất hiện xe tải nặng, xe đầu kéo hoạt động trở lại.

Tại một số tuyến đường qua huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Sóc Sơn và tuyến nội đô của Hà Nội vào ban đêm, cũng không khó để chứng kiến nhiều xe tải chở đất, cát đầy, che phủ bạt không kín để rơi vãi xuống đường, vô tư vượt đèn đỏ....

Ghi nhận tại đường tỉnh 421B qua địa bàn huyện Quốc Oai (Hà Nội), vào thời điểm cuối tháng 10, các xe tải ben, xe tải trọng tải lớn, xe đầu kéo nối đuôi nhau chạy qua, hướng về trung tâm huyện Quốc Oai. Tại tuyến đường trên, theo quy định, các phương tiện chỉ được phép lưu thông khi trọng tải không quá 10 tấn. Vậy nhưng, với nhiều chiếc xe tải chở đầy đất, cát di chuyển trên đường 421B cho thấy dấu hiệu quá tải.
 
Còn vào ban đêm, tại tuyến đường tỉnh 419 qua địa bàn huyện Thạch Thất (Hà Nội), các xe tải trọng tải lớn chở có "ngọn" đất cát, không che phủ bạt hoặc che phủ sơ sài, lưu thông trên đường gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. 

Tại tuyến đê sông Hồng thuộc huyện Đông Anh, Mê Linh (Hà Nội) cũng xuất hiện những xe tải ben chở vật liệu xây dựng nặc nè di chuyển. Anh N.V.T ở xã Vĩnh Ngọc (Đông Anh) chia sẻ, đê qua xã Vĩnh Ngọc chỉ cho phép xe tải trọng dưới 12 tấn lưu thông. Nhưng những chiếc xe chở cát, sỏi, đá tại đây có tải trọng ước tính đến 20 tấn trở lên vẫn lén lút hoạt động. Mỗi khi những chiếc xe chở vật liệu đi qua, cả quãng mặt đê sông Hồng rung lên, kèm theo bụi bẩn.

Mặc dù xe quá tải hoạt động trên các địa bàn như vậy nhưng qua trao đổi với một số lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát giao thông là cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông được biết để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, các lái xe thường điều khiển phương tiện di chuyển vào các tuyến đường nhỏ, thường xuyên thay đổi giờ chạy xe. Đặc biệt, các lái xe thường lợi dụng thời điểm đêm tối hoặc sáng sớm; lúc giao ca để chuyên chở vật liệu quá tải, nhằm né tránh lực lượng kiểm tra. 

“Lực lượng chức năng cứ xuống đoạn đê, tuyến đường để cắm chốt xử lý thì những chiếc xe chở vật liệu lại bảo nhau không hoạt động. Họ có đội ngũ “cảnh giới” báo động cho nhau mỗi khi cảnh sát tuần tra, kiểm soát”, đại diện Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Đông Anh thông tin.

Với việc xe chở vật liệu quá tải đang có dấu hiệu tái phát trở lại sau đợt cao điểm, đòi hỏi lực lượng chức năng nhất là Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội cần phải kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm một cách thường xuyên hơn; coi đây là nhiệm vụ hàng ngày, tránh để tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa", nhờn vi phạm. 

Mặt khác, cũng có thể nhìn nhận, việc xử lý vi phạm của lực lượng chức năng thành phố Hà Nội dù có tích cực thì cũng mới chỉ là phần ngọn của vấn đề. Ở phạm vi rộng hơn, thành phố Hà Nội cũng cần tính đến việc quản lý các xe ra vào bến bãi vật liệu xây dựng. Nên chăng, tại mỗi bến bãi chứa vật liệu xây dựng thành phố cho lắp đặt một trạm cân, trường hợp xe quá tải sẽ không cho xuất bến. Điều này sẽ góp phần giảm đáng kể xe quá tải - hung thần đường phố lưu thông, ngăn ngừa những vụ tai nạn giao thông trên địa bàn Hà Nội.

Mạnh Khánh (TTXVN)
Đưa cân tự động vào dự án để kiểm soát xe quá tải
Đưa cân tự động vào dự án để kiểm soát xe quá tải

Cục Đường bộ Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN