Đổi thay nhanh chóng sau 13 năm về với Thủ đô
Ông Nguyễn Trường Giang, Chánh Văn phòng UBND huyện Thạch Thất cho biết, trên địa bàn huyện có khoảng hơn 11.500 người dân tộc thiểu số, sống tập trung tại ba xã: Yên Bình, Yên Trung và Tiến Xuân. Ðây là ba xã miền núi của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) sáp nhập về Hà Nội theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan. Sau 13 năm sáp nhập về Thủ đô, từ vị trí các xã có điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn, đến nay ba xã đã có cơ sở hạ tầng phát triển, đời sống của người dân được nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới.
Tính từ khi sáp nhập đến nay, 3 xã kể trên được huyện Thạch Thất và thành phố Hà Nội đầu tư gần 50 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 407 tỷ đồng. Nguồn vốn này được tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, nhà văn hóa, trường học, cải tạo và xây mới công trình thủy lợi, chợ.
Từ trung tâm thành phố, theo Đại lộ Thăng Long rồi rẽ vào đường tỉnh lộ 446, tới trục đường liên xã: Yên Bình, Yên Trung và Tiến Xuân, những làng quê trù phú xuất hiện với nhiều nhà tầng san sát, hai bên đường là cánh đồng hoa đua sắc trước nắng Xuân.
Trong thoang thoảng hương bưởi chín, cùng nồng nàn hoa ly tại khuôn vườn rộng hàng héc ta, ông Bùi Thanh Vân (xã Yên Bình) người dân tộc Mường hồ hởi khoe, đời sống nhân dân mấy năm nay đổi thay rõ rệt. Từ chỗ chỉ biết trồng cấy những loại cây đơn giản, truyền thống thì nay nhiều hộ đồng bào đã đưa vào trồng những loại cây, quả, hoa mới có giá trị kinh tế cao.
Ngay bên cạnh tuyến đường liên xã 446 là bạt ngàn hoa cúc, hoa thược dược và hoa ly được bà con người Mường trồng, bán ở nội đô. Đặc biệt, cây hoa ly là loại hoa ngoại nhập, có tiền vốn cao lại khó trồng, đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật chăm bón nhưng đã bén rễ, xanh cành, trổ hoa trên đất Mường này. Điều đó cho thấy đồng bào nơi đây đã nhạy bén với kinh tế thị trường, làm chủ được khoa học công nghệ trong trồng và chăm sóc những loại cây hoa chất lượng cao.
Còn theo Bí thư, Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Giáp Dần, đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của người dân địa phương đã ngày càng “thay da đổi thịt”. Hệ thống đường, trường, trạm được đầu tư khang trang, sạch đẹp, đúng tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới. Về kinh tế hộ, bà con ở đây rất năng động, thích ứng nhanh với những giống cây mới cho giá trị kinh tế cao hơn trồng lúa trước đây như: Bưởi diễn, bưởi da xanh, cam, quýt, dưa chuột Nhật, thanh long… Đặc biệt, đồng bào ở đây đã chuyển đổi sang trồng 153 héc ta bưởi, 3 héc ta hoa cùng nhiều diện tích rau màu khác, thu nhập cao. Thu nhập bình quân đầu người của xã Yên Bình hơn 65 triệu đồng/năm.
Gìn giữ nét đẹp dân tộc Mường trong ngày Xuân
Bên cạnh xã Yên Bình là xã Yên Trung (Thạch Thất), nơi có tới hơn 82% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Cách đây hơn 10 năm, khi sáp nhập vào Hà Nội, Yên Trung có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Thạch Thất. Có khu dân cư còn chưa có điện lưới quốc gia. Còn ngày nay, đời sống của người dân đã thanh đổi nhanh chóng với việc xã đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn xã chỉ còn 6 hộ nghèo, chiếm 0,66% tổng số hộ. Tuyến xe buýt trợ giá từ Hà Đông về Yên Trung càng làm cho cuộc sống đồng bào Mường ở đây tiện lợi, văn minh.
Bên cạnh phát triển đời sống vật chất, đồng bào Mường ở đây quan tâm đến gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Ông Đinh Công Tuân, Chủ tịch UBND xã Yên Trung cho hay, khi địa phương mới về với Thủ đô, chúng tôi cũng lo lắng văn hóa núi rừng bị nhạt nhòa. Do được thành phố Hà Nội quan tâm mở các lớp dạy học cồng chiêng, nên nét đẹp văn hóa truyền thống ở nơi đây được phục dựng. Hiện mỗi thôn có một bộ cồng chiêng. Không chỉ vậy, thành phố và huyện Thạch Thất còn quan tâm đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn, khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng khang trang, rộng rãi.
“Hằng năm, vào khoảng mùng 4 đến mùng 6 Tết Nguyên đán cổ truyền, địa phương đều tổ chức lễ hội thi cồng chiêng, thi ném còn, hội thi các môn thể dục thể thao các dân tộc… Các hoạt động văn hóa nêu trên, vừa tạo không khí vui tươi ngày Tết vừa gìn giữ nét đẹp của dân tộc Mường. Tuy nhiên, Tết Tân Sửu 2021, do dịch COVID -19 nên địa phương đã hoãn tổ chức các cuộc thi kể trên để cùng phòng, chống dịch”, Chủ tịch xã Yên Trung nói.
Trò chuyện với ông Nguyễn Văn Lợi, người có uy tín trong đồng bào Mường tại thôn Hương Hội (Yên Trung), được biết: Các hủ tục lạc hậu của người địa phương đã dần được loại bỏ. Những nét đẹp văn hóa, tinh thần được gìn giữ, phát huy. Toàn xã đã có 9 bộ cồng chiêng, mỗi bộ có từ 12 đến 17 chiếc nhưng thường là 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Mỗi dịp có việc quan trọng, ngày lễ hội, Tết cổ truyền, tại xứ Mường Yên Trung lại ngân vang lên tiếng cồng chiêng thay cho lời chúc tốt đẹp để mọi người được mạnh khỏe, bản làng no ấm, yên vui. Ông Lợi nhấn mạnh trong niềm xúc động: “Khi tiếng cồng chiêng vang lên, trong sâu thẳm mỗi người Mường chúng tôi đều cảm thấy tự hào, thêm yêu quý văn hóa của dân tộc mình".
Về xứ Mường ở địa bàn Thủ đô trong những ngày Tết Tân Sửu này, ít thấy cảnh người dân sum họp tại các điểm sinh hoạt cộng đồng như trước do yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Song, không vì thế mà Tết kém đi phần ấm cúng, vui vầy. Trước cửa nhiều căn nhà khang trang, gia chủ đều chọn những cây tre, cây vầu thẳng nhất, đẹp nhất để trồng cây Nêu trước nhà.
Theo đồng bào Mường, khi dựng câu Nêu là để trừ tà, một cách báo hiệu là Tết đến Xuân về, con cháu đang hướng lòng mình về tổ tiên, kính cáo với các bậc tiền nhân về cùng ăn Tết với gia đình. Do đó, cây Nêu được trồng ở vị trí trang trọng, trong sân hay phía trước mỗi ngôi nhà. Đó là một biểu tượng, một tín hiệu văn hóa truyền thống mỗi dịp đất trời chuyển giao. Hiện nay, cây Nêu thường được dựng kèm với lá cờ Tổ quốc để biểu thị tình yêu quê hương, đất nước của gia chủ, cũng nhằm giáo dục thế hệ hôm nay, gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa của ông cha xứ Mường.