Đề xuất này được xem là động thái mới nhất của Washington nhằm lôi kéo Ấn Độ - quốc gia e ngại trước việc gia nhập liên minh chiến lược, trở thành một phận của mạng sức mạnh hải quân đủ sức cân bằng với sự vươn vòi lãnh hải của Trung Quốc. Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ, Richard R. Verma mới đây bày tỏ, “trong tương lai không quá xa,” những cuộc tuần tra chung của các tàu hải quân Ấn Độ và Mỹ sẽ trở thành một hoạt động thông thường và được chào đón tại các vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tàu chiến của Mỹ, Nhật Bản tham gia một cuộc tập trận chung. Ảnh: Reuters |
Các quan chức cho biết, sau 10 năm bị Ấn Độ từ chối khéo, Washington hiện đang ở rất gần một thỏa thuận hỗ trợ hậu cần cho phép quân đội hai nước dễ dàng sử dụng các nguồn lực của nhau để tái cung cấp nhiên liệu và sửa chữa. Kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi nhậm chức, Ấn Độ tăng cường hợp tác với Mỹ. Chính quyền New Delhi từng phản đối giận dữ hồi năm 2014 khi tàu ngầm của hải quân Trung Quốc xuất hiện tại cảng Colombo, Sri Lanka; cùng với đó là kế hoạch dài hơi của Bắc Kinh về “một vành đai, một con đường”.
Không chỉ đích danh Trung Quốc trong bài phát biểu của mình, nhưng Đô đốc Harris nói có cường quốc đang tìm cách “ức hiếp” các nước nhỏ hơn thông qua đe nẹt, chèn ép và một liên kết hải quân rộng khắp sẽ là câu trả lời để uốn nắn xu thế kia. Đề xuất của Tư lệnh PACOM tại diễn đàn do Quỹ Nghiên cứu Observer tổ chức hẳn nhiên sẽ làm Bắc Kinh đề phòng.
Năm 2007, Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là ông Shinzo Abe cũng từng đưa ra ý định về lập “bộ tứ” như vậy. Ngay lập tức giới học giả, quan chức Trung Quốc xem đây là liên minh thù địch, gọi đó là một “NATO thu nhỏ. Ngay trước thời điểm 4 nước tiến hành cuộc họp chung lần thứ nhất, Bắc Kinh đã gửi công hàm phản đối đồng loạt tới Washington, New Delhi, Canberra và Tokyo. Tại kì Hội nghị thượng đỉnh với Trung Quốc 2 năm sau đó, phía Australia tuyên bố rút khỏi thỏa thuận 4 bên này.