Hợp đồng 5,4 tỉ USD chuyển giao các hệ thống S-400 cho Ấn Độ được ký kết hôm 5/10 nhân chuyến thăm New Delhi của Tổng thống Vladimir Putin đang trở thành tâm điểm chú ý trong những ngày này. S-400 được kỳ vọng sẽ mang đến sự bảo đảm an toàn hơn nhiều cho bầu trời Ấn Độ, khi nó có thể bảo vệ được các thành phố, các hạ tầng quốc gia quan trọng khỏi nguy cơ tấn công tiềm tàng.
Các chuyên gia quân sự và lực lượng vũ trang đánh giá S-400 là vũ khí "thay đổi cuộc chơi" và nóng lòng chờ đợi việc triển khai các hệ thống phòng không tân tiến này trên lãnh thổ Ấn Độ vào thời điểm sớm nhất.
Tuy nhiên, mọi hệ thống đều có điểm yếu và S-400 cũng không ngoại lệ. Tạp chí The Print đã phân tích những hạn chế với các hệ thống S-400 mà Ấn Độ đặt mua, qua đó cho thấy hệ thống phòng không trứ danh này không phải hoàn toàn "thần thánh" như Nga quảng bá.
Thời gian triển khai 5 phút
Khoảng thời gian triển khai nhanh chóng trong 5 phút như quảng cáo của Nga về cơ bản là khả thi ở những vùng đồng bằng bang Punjab hay những khu vực sa mạc của bang Rajasthan.
Tuy nhiên, khi triển khai ở những vùng đồi núi hoặc rừng rậm, các radar 96L6 và 92N6 của hệ thống S-400 cần phải được dựng cao hơn so với địa hình xung quanh để tăng trường nhìn. Trường nhìn của các radar này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xác định mục tiêu.
Việc tăng trường nhìn chỉ có thể đạt được khi sử dụng cột radar 40V6 hỗ trợ hệ thống S-400. Nhưng muốn vậy lại phải tháo dỡ radar 92N6 khỏi xe di động MZKT-7930 và lắp nó lên cột 40V6. Toàn bộ quá trình này mất khoảng 45- 90 phút. Do đó, thời gian 5 phút triển khai cần phải được hiểu tùy theo những quốc gia với địa hình cụ thể, chẳng hạn như với đất nước có nhiều vùng địa hình đồi núi gập ghềnh như Ấn Độ thì khoảng thời gian đó là bất khả thi.
Tầm bắn hiệu quả
Hệ thống S-400 Nga sẽ giao cho Ấn Độ được trang bị tên lửa 48N6E3, vốn là phiên bản xuất khẩu của tên lửa 48N6DM. Tầm bắn của 48N6E3 chỉ từ 3-240 km chứ không phải 400km như thông tin rộng rãi lâu nay.
Video quân đội Nga bắn thử thành công S-400:
Ngay cả các tên lửa 40N6 có tầm bắn 400km cũng chưa từng xuất hiện trong các hoạt động quân sự trên lãnh thổ Nga.
Trong khi đó, tên lửa 9M96 được Nga đề xuất xuất khẩu cùng với các hệ thống S-300PMU2, nhưng không một quốc gia nào ngỏ ý quan tâm đến thứ vũ khí này. Do vậy, không nhiều khả năng nó sẽ được triển khai kèm theo các hệ thống S-400 tại Nga mà có thể sẽ đi kèm với các tên lửa đất đối không S-350 trong tương lai. Vì vậy, tầm bắn của hệ thống S-400 mà Ấn Độ chuẩn bị tiếp nhận chỉ đạt tối đa 240km.
Năng lực tên lửa chống đạn đạo (ABM) và tầm cao hiệu quả
Tên lửa 48N6E3, được Nga chào hàng cho phiên bản xuất khẩu của các hệ thống S-400, sử dụng đầu đạn định hướng nặng 180kg, hiệu quả ở độ cao từ 10m đến 27 km.
Mặc dù một đầu đạn định hướng tăng hiệu quả chống tên lửa đạn đạo chiến thuật (ATBM), nhưng hầu hết các tên lửa đạn đạo lại di chuyển ở độ cao lớn hơn nhiều so với tầm cao 27km của S-400.
Điều này có nghĩa chúng sẽ chỉ bị đánh chặn ở giai đoạn cuối, phụ thuộc vào tốc độ của tên lửa đang phóng tới.
Khả năng đánh chặn thành công các vũ khí siêu thanh
Các vũ khí siêu thanh đang được thử nghiệm tại Mỹ nhìn chung đạt tốc độ Mach5+ ở độ cao từ 50km-60km.
Các vũ khí siêu thanh của Trung Quốc, đặc biệt là tên lửa Đông Phương DF-ZF hoặc DF-17 được biết đến với khả năng di chuyển ở độ cao 80-90km để đạt tốc độ trên Mach 10+.
Trong khi đó, tên lửa 48N6E3 trang bị cho S-400 bản xuất khẩu lại không thể đạt được cả độ cao lẫn tốc độ của tên lửa siêu thanh.
Vì thế, ngay cả khi một hệ thống S-400 đặt gần biên giới Ấn Độ phát hiện một tên lửa siêu thanh đang bay hướng về thủ đô New Dehli hoặc Mumbai, nó cũng không thể đánh chặn do hạn chế về tốc độ và tầm cao.
Video S-400 Nga khai hỏa (Nguồn: RIA Novosti)
Tính hiệu quả khi đánh chặn tên lửa hạt nhân
Hầu hết các báo cáo nói rằng, hệ thống S-400 có thể đánh chặn 36 quả tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân đang cùng lúc nhằm hướng Ấn Độ; Hệ thống chỉ huy của S-400 có khả năng phát hiện và theo dõi tới 100 mục tiêu và kiểm soát 6 khẩu đội ở khoảng cách 40km.
Tuy nhiên, radar 92N6, với các công nghệ số tiên tiến nhất và các bộ vi xử lý cũng chỉ có thể kiểm soát tối đa 12 tên lửa đang nhằm tới 6 mục tiêu. Điều này có nghĩa là nếu muốn đạt thông số thiết kế của trạm chỉ huy thì mỗi tổ hợp S-400 của Ấn Độ phải mua kèm thêm tới vài radar 92N6 nữa.
Ngoài tất cả những điểm hạn chế nói trên, ngay cả khi hệ thống S-400 đánh chặn được các tên lửa đầu đạn hạt nhân, điều này cũng có thể dẫn đến nguy hiểm nếu như phóng xạ hạt nhân bị phát tán trên những khu vực mật độ dân cư cao của Ấn Độ.