100 năm FED - ngân hàng quyền lực nhất thế giới (Tiếp theo và hết)

Công tội đan xen


FED có nhiệm vụ bình ổn thị trường tài chính đầy rủi ro và bất ổn, tuy nhiên, trong một số tình huống nguy kịch, tổ chức này lại đứng ngoài lề, thậm chí còn làm trầm trọng thêm vấn đề. Các quyết định của FED đã châm thêm lửa, hoặc có thể nói là không thể ngăn chặn cuộc Đại khủng hoảng, kéo dài từ năm 1929 - 1941. Ban đầu, việc FED tăng tỷ lệ lãi suất vào các năm 1928 và 1929 nhằm cắt giảm nạn đầu cơ trong thị trường chứng khoán, đã làm chậm quá trình tăng trưởng nền kinh tế. Sau đó, trong bối cảnh khủng hoảng ngân hàng giai đoạn từ năm 1930 - 1933, FED đã không hoàn thành nhiệm vụ là một cơ quan cung cấp vốn như một giải pháp cứu trợ cuối cùng cho các ngân hàng đang khốn cùng, gây thất bại thêm cho hoạt động của các ngân hàng này.


ổng thống muốn FED tạo nhiều việc làm hơn với người kế nhiệm ông Bernanke.


Một trong số “tiếng thơm” về FED lưu lại đến bây giờ là việc cơ quan này cho "Tiền tệ hóa nợ", hay là mua trái phiếu Ngân khố nhằm giảm lãi suất và giúp chính phủ xử lý nợ. Đây có thể được coi là một sản phẩm phụ từ chương trình QE của FED, nhưng mục đích cuối cùng của nó là nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Vào năm 1942, FED đồng ý với yêu cầu của Bộ Ngân khố duy trì lãi suất thấp đối với các hóa đơn liên quan tới chi tiêu cho quân đội Mỹ tham gia vào Chiến tranh thế giới thứ hai.

 

Khi cuộc chiến tranh Triều Tiên xảy ra vào năm 1950, Tổng thống Truman và Bộ trưởng Ngân khố John Snyder một lần nữa đề nghị FED giảm tiếp lãi suất. Ngược lại, FED thì muốn nâng lãi suất nhằm ngăn tình trạng lạm phát gia tăng. Sự tranh cãi cuối cùng được giải quyết bằng một bản ghi nhớ chấm dứt nghĩa vụ buộc FED phải ghìm tỷ lệ lãi suất thấp, mở đường cho sự độc lập của FED hiện nay.


Năm 2008, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu, nhiều người cho rằng FED đang “đùa với lửa” khi điều chỉnh căn bản chính sách để cùng với chính phủ kích thích nền kinh tế. Lãi suất được giảm xuống mức thấp nhất có thể, và các biện pháp phi chính thống chưa có tiền lệ đã được áp dụng, trong đó có chương trình QE. Kể từ khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers sụp đổ vào tháng 9/2008 đến nay, FED đã “bơm” vào nền kinh tế Mỹ hơn 3.000 tỷ USD nhằm cứu nguy khu vực tài chính và tạo động lực mới cho tăng truởng. Và thực tế cho thấy, FED đã gặt hái thành công nhất định. Sau nhiều lần lên xuống thất thuờng trong những năm gần đây, nhịp độ tăng trưởng GDP của Mỹ đã đạt 4,1% trong quý 3/2013, mức cao nhất kể từ quý 4/2011.
Đà phục hồi ngày càng khá hơn của nền kinh tế là cơ sở để FED quyết định bắt đầu cắt giảm từ tháng 1/2014 quy mô chuơng trình QE3 đã triển khai trong hơn một năm qua, từ 85 tỷ USD/tháng xuống 75 tỷ USD/tháng.


Quyền lực và trách nhiệm


Gần đây, trên diễn đàn kinh tế Mỹ, có xuất hiện những cuộc tranh luận về vai trò của FED. Những cuộc tranh luận này có khá nhiều điểm tương đồng với những cuộc tranh luận năm 1913 và 1930. Khủng hoảng đã khiến những yếu điểm của hệ thống tài chính bộc lộ và dân chúng nổi giận với các ngân hàng.


Tổng thống Truman và nội các không thể buộc FED ghìm lãi suất.


Thế nhưng, khi Tổng thống Barack Obama theo đuổi chính sách tăng cường vai trò của chính phủ trong điều hành kinh tế và đặc biệt là hệ thống tài chính, FED có nhiều quyền lực hơn bao giờ hết. Để chống lại khủng hoảng, FED giải cứu các ngân hàng đầu tư và một công ty bảo hiểm… FED cũng cắt giảm lãi suất xuống mức gần 0 và khi không còn giảm lãi suất được nữa, các công cụ nới lỏng định lượng được sử dụng.


Đi kèm với đó cũng là nhiều trách nhiệm hơn. Đạo luật Dodd - Frank cho phép FED quản lý không chỉ các ngân hàng mà bất kỳ định chế tài chính nào được coi là “quan trọng đối với toàn hệ thống”. Bằng cách chọn Janet Yellen là người kế nhiệm chức chủ tịch của Ben Bernanke, Tổng thống Obama mong muốn FED sẽ tạo ra được nhiều việc làm hơn.


Sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers báo hiệu thời kỳ Đại suy thoái mới.


Dẫu vậy, không phải ai cũng vui mừng với điều này. Nhiều người cho rằng các gói QE sẽ tạo nên bong bóng tài sản hơn là việc làm. Cựu Chủ tịch FED Volcker lo ngại rằng FED có quá nhiều quyền hành và đã lạm dụng chúng. Gánh nặng trên vai FED quá lớn.


Nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa vẫn ấp ủ hy vọng vào một ngày FED sẽ bị rút bớt quyền lực, cùng với đó là sự tăng quyền lực của vàng. Một dự luật đang được các nghị sĩ đảng Cộng hòa đề cử với mục đích tước bỏ trách nhiệm của FED đối với thị trường lao động, hạn chế khả năng mua trái phiếu của FED và trao nhiều quyền hơn cho 12 chi nhánh địa phương.


Dù sao chăng nữa, bằng bản lĩnh của mình, FED chắc chắn sẽ cố gắng để đảm bảo sức khỏe và sự ổn định của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, trong quá trình 100 năm tồn tại của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới này, người ta vẫn dễ dàng nhìn thấy các lỗi lầm của nó. Ngay cả với cựu Chủ tịch Alan Greenspan, người trong suốt quá trình nắm quyền Chủ tịch FED luôn được ca ngợi hết lời vì đã tìm ra chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, chỉ đến nhiều năm sau đó, người ta mới nhận ra rằng chính sách lãi suất siêu thấp và giảm bớt các luật lệ đã nuôi dưỡng mầm mống của khủng hoảng.


Phải mất nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ, để các chính sách tiền tệ phát huy hết tác dụng. Do đó, cách tốt nhất là hãy chú ý đến chúng. Và, đây là một công việc không dễ dàng.


Lê Hoàng


100 năm FED - ngân hàng quyền lực nhất thế giới
100 năm FED - ngân hàng quyền lực nhất thế giới

Cách đây 100 năm, vào ngày 23/12/1913, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đã ký Luật Dự trữ Liên bang, qua đó thành lập Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Ngày kỷ niệm 23/12 năm nay đánh dấu một mốc lịch sử đáng ghi nhớ của FED...

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN