72 ngày sống sót trên đỉnh Andes - Kỳ 4

Tìm đường ra khỏi dãy núi tuyết và không có sự sống là mục tiêu chung mà nhóm 19 người còn sống đều hướng tới.

TÌM ĐƯỜNG XUỐNG NÚI

Ngay sau khi biết cuộc tìm kiếm đã bị ngừng lại sau 10 ngày mất dấu, vài người đã sớm nhận ra họ cần phải tự giải cứu chính mình. Tuy nhiên, chỉ khi trải qua trận lở tuyết kinh hoàng cướp đi sinh mạng của 8 người, những người còn lại mới thêm quyết tâm sống. 

Tự cứu lấy mình

Kế hoạch là lập ra một nhóm gồm những người có thể lực rắn rỏi và lòng dũng cảm. Nhiệm vụ của nhóm là tìm đường xuống núi để nhờ người giúp đỡ. Họ giao phó cho Parrado và Canessa nhiệm vụ khó khăn nhất, ngoài ra còn cắt cử thêm Antonio Vizintin và Numa Turcatti giúp sức. Mọi người nhớ lại thời điểm phi cơ của Không quân Uruguay bay trên dãy núi Andes ngày 12/10/1972. Lúc đó, cơ phó Laurara đã thông báo với trạm không lưu Santiago là máy bay sắp tới Curico. Tuy nhiên, vị trí thực của họ lại lệch khoảng 89 km về hướng đông, bởi lẽ vậy mà họ đã không thể lần ra đường xuống núi. 

Canessa và Parrado được hai người nông dân giúp đỡ.

Trong một lần đi bộ vài giờ về hướng đông, các chàng trai đã bất ngờ tìm thấy phần đuôi của máy bay còn gần như nguyên vẹn. Nằm vương vãi xung quanh đuôi chiếc Fairchild là vali hành lý của đội bóng Old Christans và bạn bè, đựng thuốc lá, kẹo và quần áo sạch. Đêm đó, họ ngủ ở ngoài trời nên suýt bị đóng băng tới chết. Rút kinh nghiệm, họ bàn nhau gỡ các tấm sợi cách nhiệt từ đuôi máy bay rồi khâu lại thành hai chiếc túi ngủ ấm áp. Bốn người trong nhóm quyết định lùi kế hoạch tìm đường xuống núi thêm khoảng một tuần lễ để trời chuyển sang mùa hè ấm áp hơn. Hôm 11/12 là tròn hai tháng mắc kẹt trên núi, Turcatti đột ngột ốm nặng và qua đời, nên chỉ còn ba người tiếp tục hành trình. Mỗi lần đi vào lối cụt hoặc gặp núi cao cản trở, họ lại thay đổi lộ trình. Họ đã trải qua không ít hành trình gian lao thì mới gặp được tín hiệu đáng mừng.

Phép màu 

Trong một chuyến đi dài ngày, Vizintin không theo nổi Parrado và Canessa nên bỏ cuộc quay về với đoàn đang chờ đợi ở nhà. Hai người còn lại vắt kiệt sức lực thì đi bộ được 9 ngày liên tiếp. Đúng hôm 20/12 (tức ngày thứ 69 mắc kẹt trên núi), hai người tới một khu vực mà họ nhận ra là các lớp tuyết ở đây mỏng hơn, lại có số loài cây cỏ. 

Trước những dấu hiệu tích cực trên, họ dường như được tiếp thêm sức mạnh và niềm hy vọng để tiếp tục hành trình. Không lâu sau đó, hai chàng trai đã tới một thung lũng nhỏ, có con sông chảy cắt ngang thuộc địa phận khu vực Los Maitenes. Xa xa ở phía bên kia bờ sông, họ trông thấy ba người đàn ông cưỡi ngựa liền kêu to cầu cứu. Một người ghì cương ngựa, hét điều gì đó đáp lại. Tiếng dòng nước cuồn cuộn chảy làm át tiếng của người đàn ông, hai chàng trai không nghe rõ, chỉ loáng thoáng thấy từ “ngày mai”. Vì vậy họ quyết định sẽ đợi ở đây qua đêm để chờ nhóm người kia quay lại.  

Trả lời phóng viên các báo quốc tế.

Sáng hôm sau, hai người đàn ông xuất hiện ở phía bên kia bờ sông, ném cho họ một mẩu giấy bọc ngoài viên đá. Parrado đọc to: “Tôi đã cử một người đi, sẽ đến sớm thôi”. Cậu lục tìm trong áo quần, chỉ thấy mỗi thỏi son môi nên vội ra hiệu cho những người bên kia sông ném bút và một chiếc khăn tay sang. Parrado viết: “Tôi tới từ chỗ một chiếc máy bay rơi trên núi. Tôi là người Uruguay. Chúng tôi đã đi 10 ngày. Ở chỗ máy bay còn 14 người khác bị thương. Chúng tôi cần phải ra khỏi nơi đó gấp mà không biết phải làm thế nào. Khi nào anh tới chỗ chúng tôi? Làm ơn, chúng tôi rất yếu, còn không đi nổi…”. Cậu cẩn thận viết thêm dòng chữ SOS bằng son đỏ lên chiếc khăn tay rồi ném qua sông. 

Ba tiếng sau, một người cưỡi ngựa đã sang được bên này sông. Anh ta nói rằng người có tên Catalan đã đi liên lạc với đồn quân sự ở Puente Negro, biên giới Chile, rồi mời họ tới nghỉ tạm tại căn chòi của mình. Canessa và Parrado đã được cho thức ăn và có chỗ ngủ. Sau khi thiếp đi vài tiếng, một nhóm binh sĩ xuất hiện để báo với họ rằng các máy bay trực thăng tìm kiếm sẽ bắt đầu lên đường vào sáng hôm sau. Thế nhưng sáng 22/12, thời tiết mù sương nên đội bay tìm kiếm được lệnh hoãn. Trong lúc chờ đợi, hai thanh niên nghe thấy những tiếng người nói ồn ào. Không tin nổi vào mắt mình, Parrado trông thấy chừng 50 phóng viên các nước vác lỉnh kỉnh thiết bị đang đi tới. Các phóng viên đã đi bộ như vậy khoảng 2 giờ đồng hồ bởi địa hình khu vực này không cho phép xe ô tô tiếp cận. Sự xuất hiện của báo chí khiến Parrado và Canessa hiểu việc họ còn sống được thế giới quan tâm đến nhường nào. 

Về phần những người ở lại trên núi cao, ngày 20/12, tức 9 ngày không có thông tin gì về nhóm đi tìm đường xuống núi, 14 người còn lại đã rơi vào trạng thái suy sụp. 7 giờ 30 phút sáng 21/12, như thường lệ, họ bật chiếc đài bán dẫn lên nghe bản tin ngày mới. Họ lại càng tuyệt vọng khi biết rằng cha mẹ đã thuê một chiếc máy bay của Không quân Uruguay đi tìm kiếm nhưng không thu được kết quả và vừa quay về Montevideo. Họ chỉ biết cầu nguyện cho Canessa và Parrado sẽ làm nên chuyện. 

Sáng ngày tiếp theo, vẫn là cảnh tượng ngồi quây quần nghe radio, nhưng lần này làn sóng phát thanh đã đem đến cho họ một tin mừng đầu tiên và cũng là lớn nhất kể từ ngày mắc kẹt trên ngọn núi cao hơn 4.500 mét: Đài phát thanh Uruguay đưa tin có hai người nhận là nạn nhân vụ máy bay Fairchild mất tích được tìm thấy tại một thung lũng hẻo lánh ở Los Maitenes. Một lát sau, đài phát thanh của Argentina, Chile và Brazil cũng phát đi tin tức tương tự. Các chàng trai nhảy cẫng lên vui sướng, ôm chầm lấy nhau. Canessa và Parrado đã thành công. 

Hoàng Trang
72 ngày sống sót trên đỉnh Andes - Kỳ 3
72 ngày sống sót trên đỉnh Andes - Kỳ 3

Ngày 29/10/1972, tức ngày thứ 17 mắc kẹt trên dãy núi Andes giáp biên giới giữa Argentina và Chile, một sự cố kinh hoàng đã ập đến với 27 người còn sống sót.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN