Ông kết hôn cùng nữ hoàng Ai Cập Nefertiti, người được mệnh danh là nàng Mona Lisa của thế giới cổ đại. Ông cũng có khả năng là cha của Pharaoh Tutankhamun, người sau này trở thành pharaoh vĩ đại nhất trong số các pharaoh. Ông cũng là một trong những nhà thông thái có tư tưởng tân tiến vào thời đại mình. Nhưng lịch sử Ai Cập đã chối bỏ và gạch tên của Akhenaten, vị pharaoh của vương triều 18. Tất cả đã diễn ra mấy ngàn năm trước ở đất nước Ai Cập cổ đại thời kì Tân Vương quốc.
Kỳ 1: Kẻ dị giáo của Amarna
Tại địa điểm khảo cổ Amarna nằm ở trung tâm Ai Cập, cách thủ đô Cairo khoảng 320 km về phía nam, một vùng sa mạc nằm im ắng bên bờ đông của dòng sông Nile. Thoạt trông, cả khu vực hình bán nguyệt có đất đai khô cằn với những cồn cát và mỏm đá vôi lớn không khác gì một lòng chảo cát bụi khổng lồ. Nhưng 33 thế kỉ trước, nơi đây là ngôi nhà của hàng chục ngàn người Ai Cập cổ đại. Tất cả họ được đưa tới đây theo ý nguyện của một người, đó là Pharaoh Akhenaten.
Trên cương vị là một kẻ nổi loạn, một vị pharaoh độc tài và là người sáng tạo ra một trong những tôn giáo đơn thần sớm nhất và gây tranh cãi của thế giới, Akhenaten được gọi là “cái tôi” đầu tiên của lịch sử. Những xáo trộn mà ông gây ra với phong tục và tín ngưỡng của Ai Cập cổ đại trong hàng thế kỉ trước lớn đến nỗi sau khi băng hà năm 1336 trước công nguyên, ông bị nhiều thế hệ về sau gán cho tội danh kẻ nổi loạn theo dị giáo. Cái tên Akhenaten đã bị gạt ra khỏi danh sách các vị vua chính thức của Ai Cập. Tất cả những chi tiết đó vô tình biến Akhenaten trở thành một trong những nhân vật có sức cuốn hút và gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử của Ai Cập.
Vốn dĩ, Akhenaten không phải là người được lựa chọn để trở thành pharaoh của Ai Cập. Theo cách gọi thời trai trẻ, ông là hoàng tử Amenhotep, em trai của thái tử Thutmose. Nhưng sau cái chết bất ngờ của người anh trai, hoàng tử Amenhotep trở thành người thừa kế ngai vàng. Năm 1353 trước công nguyên, pharaoh Amenhotep III băng hà, hoàng tử Amenhotep lên kế vị, trở thành Amenhotep IV. Trong nửa đầu thế kỉ 14 trước công nguyên, dưới sự trị vì của ông, Ai Cập đã chứng kiến một sự phát triển to lớn và xa hoa chưa từng có tiền lệ tính đến thời điểm đó, và ông cũng là người đã tạo ra những ảnh hưởng lớn lên thuyết mặt trời.
Gần như ngay lập tức, sự ngang ngạnh trong tích cách của ông bắt đầu bùng nổ từ thời điểm ông lên nắm quyền. Ông ra lệnh xây dựng các tòa nhà cho trung tâm tôn giáo Karnak ở Thebes. Nhưng thay vì tôn vinh thần mặt trời Amun, vị thần tối cao của Thebes, những ngôi đền của Akhenaten được dựng lên hướng về phía đông, đối diện với hướng mặt trời mọc, và tôn vinh một dạng thần mặt trời mới. Vị thần mới của Akhenaten được mô tả là “vị thần sống, Ra-Horus của đường chân trời, người sẽ hiện ra nơi đường chân trời từ ánh sáng huy hoàng của mình trong chiếc đĩa mặt trời”. Không lâu sau đó, “Aten”, một từ Ai Cập dùng để chỉ “đĩa mặt trời” được sử dụng thay thế vì mục đích ngắn gọn, dễ nhớ. Không dừng lại ở việc thay đổi thần, vị pharaoh của vương triều 18 còn đổi cái tên vốn gắn với vị thần cũ, Amenhotep, sang Akhenaten theo vị thần mà ông quyết định tôn thờ. Tiếp tục với công cuộc cải cách tôn giáo đa thần sang đơn thần, Akhenaten ra lệnh khắc một số lượng lớn các bức tượng chân dung của mình bằng các tảng đá vôi khổng lồ rồi cho đính vào các cột trụ dàn hàng ở ngôi đền của thần Aten tại Karnak.
Đây là những minh chứng rõ ràng phản ánh sự thay đổi lớn diễn ra một cách đột ngột trong xã hội Ai Cập vào thời điểm này, bởi các tác phẩm điêu khắc của Akhenaten hoàn toàn thoát khỏi những lề lối của nghệ thuật điêu khắc Ai Cập cổ đại tồn tại lâu đời. Trong khi tư thế của các bức tượng cũng như một số tiêu chí vẫn tương đối tuân theo chuẩn của nghệ thuật điêu khắc Ai Cập cổ đại như hai tay Akhenaten bắt chéo trước ngực, cầm hai biểu tượng hoàng gia là móc và néo, đầu đội vương miện kép, mũ trùm đầu đặc trưng và mang váy ngắn; thì hình dáng của cơ thể Akhenaten lại là một sự phá cách, thậm chí là kì dị theo cách nhìn của người hiện đại. Bức tượng thể hiện pharaoh có gương mặt chảy dài, xương gò má cao, mũi dài hướng đến chiếc cằm nhọn. Đôi môi đầy đặn một cách bất thường, hông nở nang và vùng bụng chảy sệ.
Liệu đây là chân dung của một vị pharaoh khắc khổ vì bệnh tật hay là một phiên bản mới của một thời kì trị vì vượt ra khỏi những lề thói cũ? Quan trọng hơn cả, một câu hỏi khác được đặt ra là một cá tính như thế nào trong xã hội Ai Cập cổ đại đã mở đường cho sự ra đời của thứ nghệ thuật đen tối và kì lạ đến vậy? Thật ra, Akhenaten là một pharaoh có tầm nhìn vượt thời đại hay đơn giản chỉ là một “gã điên” ngự trên ngai vàng?
Anh Tiếu (Theo Telegraph)
Đón đọc kỳ 2: Đế chế mặt trời Aten