Dù là người có tầm nhìn đi trước thời đại và khao khát làm một cuộc cải tổ tôn giáo ở Ai Cập, nhưng cuối cùng cuộc “cách mạng mặt trời” của Akhenaten vẫn chỉ là cuộc cách mạng một và chỉ một thành viên. Sau khi ông băng hà, ánh sáng của thần Aten cũng tắt ở cuối chân trời.
Tượng Akhenaten tại Viện Bảo tàng Ai Cập. |
Những phát hiện mới đây tại thành phố khảo cổ Amarna đã chỉ ra sức mạnh và thành công của thần mặt trời Aten của Akhenaten lại không được như những gì vị pharaoh kì vọng. Nhà Ai Cập học Anna Stevens đã tiến hành khai quật một khu hầm mộ tại địa điểm khảo cổ này. Nơi đây, Stevens phát hiện hài cốt của những công nhân, lực lượng lao động dựng nên những cung điện và ngôi đền nguy nga của Akhenaten, trong những ngôi mộ hẹp. “Với phần lớn những người ở đây, cuộc sống vào thời điểm đó rất khó khăn, họ phải lao động nặng nhọc và ăn uống kham khổ”, bà nói. Không như hình ảnh thư giãn của gia đình hoàng gia được lưu giữ tại Bảo tàng Ai Cập ở Berlin (Đức), hơn 2/3 số công nhân nằm tại đây qua đời trước khi bước vào tuổi 35.
Không những vậy, Stevens cũng lưu ý rằng những thứ hàng hóa được chôn cùng thi thể của các công nhân trong khu hầm mộ này, một cách ngạc nhiên, lại thiếu vắng bóng dáng của thần Aten.
Tượng nữ hoàng Ai Cập Nefertiti. |
Trong khi đó, đội khảo cổ lại tìm thấy rất nhiều tấm bùa và những đồ vật tượng trưng các vị thần nhỏ phổ biến khác, những vị thần đã được thờ cúng trong hàng thế kỉ trước đó. “Không có một hình ảnh nào gợi nhớ đến đĩa mặt trời tỏa sáng trong hầm mộ, cũng như không có chi tiết nào đả động đến Akhenaten trên các chiếc nhẫn, ở hình những con bọ hung hay ở bất kì đâu”. Theo Stevens, “điều này phản ánh cuộc sống đã tiếp tục diễn ra theo cách thông thường trước đó và trái với ý muốn của Akhenaten”.
Kết cục, sau 17 năm trên ngai vàng, Akhenaten vẫn không có được sự ủng hộ của dân chúng và không tìm được người kế tục cuộc cách mạng cải cách tôn giáo của ông. Điều kì lạ là trong hầm mộ của Akhenaten, các nhà khảo cổ phát hiện những vật phản lại chính tôn giáo mặt trời của ông. Có vẻ như Akhenaten đã mang xuống mồ cả những nghi hoặc của mình trong những phút cuối đời.
Bốn năm sau sự ra đi của Akhenaten, Tutankhamun trở thành pharaoh của Ai Cập vào năm 1332 trước Công nguyên và đó cũng là thời điểm các thế lực bảo thủ đã giành chiến thắng. Pharaoh Tutankhamun ra thánh chỉ tuyên bố về tình trạng hư hỏng của những ngôi đền: “Các điện thờ của ‘họ’ đã hoang phế, trở thành nơi cỏ mọc dày. Lo âu tràn ngập trong bầu không khí của mảnh đất này, các vị thần đã bỏ rơi nơi đây”. Vậy là, Akhetaten, nơi cư trú của 50.000 người vào thời kì thịnh vượng nhất, đã bị bỏ lại phía sau khi đoàn người quay trở lại thủ đô cũ ở Memphis. Những phong tục, tôn giáo cũ được khôi phục và Akhenaten bị xóa tên khỏi lịch sử.
Với những người Ai Cập cổ đại, Akhenaten là một gã điên rồ, một người đàn ông mất trí, một người mơ mộng và là một bạo chúa. Nhưng xét ở những khía cạnh khác, vị pharaoh này còn là một nhà cải cách dũng cảm. Ông là người đã một tay phá bỏ các truyền thống, hủ tục cũ của Ai Cập để xây dựng những điều mới mẻ. Cuối thế kỉ 19, nhà Ai Cập học nổi tiếng người Anh Flinders Petrie đã nhận định: Không có vấn đề gì phải bàn cãi, Akhenaten là “một người đàn ông vô cùng kiệt xuất, có khả năng cán nát lớp vỏ thói quen, tín ngưỡng và sự kiến tạo xã hội ngàn năm của Ai Cập, là người có can đảm để chống lại quyền lực của những nhân vật có địa vị trong xã hội”. Chỉ có điều, tầm nhìn vượt thời đại của ông đã bốc cháy quá rực rỡ vào thời điểm đó, khiến các lực lượng cũ không sẵn sàng và thấy khó có thể chấp nhận.
“Chủ nghĩa đơn thần Aten hầu như không mang lại gì cho thần dân của Akhenaten, những người muốn có được sự chở che từ một vị thần mà họ có thể dễ dàng tiếp xúc, thậm chí là ngay tại ngôi nhà của họ. Thông điệp của Akhenaten quá nghiêm khắc và do đó không thể thu hút được sự ủng hộ một cách rộng rãi”, giáo sư Bary Kemp kết luận.
Quay lại thời điểm khoảng năm 1350 trước công nguyên, ở thời kì Tân vương quốc, dưới sự trị vì của pharaoh Amenophis (Amenhotep) III, phụ vương của Akhenaten, một cuộc khủng hoảng của thuyết đa thần đã diễn ra ở Ai Cập. Những người Ai Cập bỗng nhiên không biết phải quản lý thế giới đa thần của họ bằng cách nào và cảm thấy cần thiết phải duy trì sự thống nhất của các thần thay vì duy trì chế độ tôn giáo đa thần. Bối cảnh đó có thể đã đặt những viên gạch đầu tiên trong khối óc của hoàng tử Amenhotep tức Akhenaten sau này, để một tay ông đã làm đảo khuynh thế giới tôn giáo của người Ai Cập.
Anh Tiếu (Theo Telegraph)