Anh hùng Đào Phúc Lộc - Người chỉ huy đầu tiên của ngành tình báo quân sự Việt Nam

Ngày 26/4, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học “Anh hùng liệt sĩ Đào Phúc Lộc – Người cộng sản trung kiên, mẫu mực, nhà tổ chức, chỉ huy và hoạt động tình báo xuất sắc”.

Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước; tiến tới kỷ niệm 50 năm (1969-2019) ngày Nhà tình báo lỗi lạc, Anh hùng, Liệt sĩ Đào Phúc Lộc (tức Hoàng Minh Đạo) hi sinh.

Các tham luận tại hội thảo  đã đưa ra những luận cứ, các cơ sở khoa học quan trọng, sát thực, nhằm tôn vinh về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Liệt sỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đào Phúc Lộc. Ông là người đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp đấu tranh giải phóng, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Ông cũng là người đặt nền móng cho sự ra đời của ngành tình báo Quốc phòng, đồng thời là người chỉ huy đầu tiên của ngành tình báo quân sự Việt Nam.

Đào Phúc Lộc (1923-1969) sinh ra trong một gia đình viên chức có truyền thống yêu nước ở thôn Vườn Trầu, xã Hải Xuân, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh). Thửa nhỏ, vì hoàn cảnh gia đình ông sống cùng chị gái ở Hải Phòng. Chính tại đây, hai chị em ông gặp được nhà cách mạng Tô Hiệu vào thời kì mặt trận dân chủ (1936-1939), và bắt đầu tham gia phong trào thanh niên, học sinh yêu nước ở Hải Phòng. Năm 1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 16 tuổi và trở thành người giữ đường dây liên lạc của đồng chí Tô Hiệu.

Các tham luận tại hội thảo khẳng định, Anh hùng, Liệt sĩ Đào Phúc Lộc – Hoàng Minh Đạo là một nhân vật đặc biệt và một nhân cách đặc biệt. Ông đã có công khám phá, phát hiện, tổ chức và thực hiện một “Con Đường Sáng” (ý nghĩa của bí danh Hoàng Minh Đạo) - Một trong những đường dây liên lạc hải ngoại đầu tiên của Cách mạng Việt Nam giai đoạn 1940-1945.

“Con Đường Sáng” là để đưa đón và kết nối các chiến sĩ Cách mạng trong nước (trong đó, có những nhân vật nổi tiếng như Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thái...) với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, trong suốt những năm 1940 – 1945. Một số nhà nghiên cứu cho rằng: Nếu không có “Con Đường Sáng” Móng Cái – Bách Sắc, rất có thể lịch sử Cách mạng Việt Nam năm 1945 và bây giờ sẽ khác.

Đào Phúc Lộc còn là người nắm giữ trọng trách “Chủ nhiệm Hợp tác xã C1000” (được thành lập để lãnh đạo “Phong trào Đồng Khởi”); người tổ chức và lãnh đạo bí mật, quyết định sự thành công của “Phong trào Đồng Khởi” tại miền Nam (1959 – 1960).

Đào Phúc Lộc hy sinh vào ngày 24/12/1969, trên sông Vàm Cỏ Đông khi trên đường về họp ở Trung ương Cục miền Nam. Đạn pháo từ máy bay, tàu chiến và các trận địa địch tập trung bắn xối xả vào hai con thuyền đang chơi vơi giữa dòng sông. Ông và 17 đồng đội trên hai con thuyền đã ra đi một cách thầm lặng. Sau một thời gian dài nằm trong lòng đất trong sự lãng quên, thậm chí có lúc còn bị vu oan là gián điệp, nhờ quyết tâm tìm kiếm của gia đình và đồng đội, di hài của ông đã được tìm thấy, sự thật về ông đã được kiểm chứng. Ông được Đảng và Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quí Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng với hơn 2.000 người con ưu tú nhất của dân tộc. Ông cũng là người được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

Câu chuyện về cuộc đời Đào Phúc Lộc đã trở thành cảm hứng cho nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn, đạo diễn cho ra đời nhiều quyển sách, phim tài liệu và phim truyện. Tên tuổi của Anh hùng, Liệt sĩ Đào Phúc Lộc – Hoàng Minh Đạo đã được đặt cho nhiều đường phố, trường học tại Móng Cái (Quảng Ninh) quê hương ông và  tại Thành phố Hồ Chí Minh – vùng đất ông từng chiến đấu và hi sinh. Mới đây, tượng của Anh hùng, Liệt sĩ Đào Phúc Lộc – nhà tình báo huyền thoại cũng đã được dựng tại ngôi trường mang tên Hoàng Minh Đạo ở Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu tại hội thảo cho rằng, tên tuổi Đào Phúc Lộc vẫn chưa được tôn vinh xứng tầm với những đóng góp to lớn và thầm lặng của ông cho ngành tình báo quốc phòng và quê hương đất nước; ông xứng đáng được công nhận là danh nhân cách mạng. Nhiều đại biểu bày tỏ mong muốn tên của Anh hùng, Liệt sĩ Đào Phúc Lộc - Hoàng Minh Đạo sẽ được đặt cho một trường học, một đường phố tại Thủ đô Hà Nội trong thời gian không xa.
Minh Huệ (TTXVN)
Đi tìm nữ khoa học gia bí ẩn trong bức ảnh năm 1971
Đi tìm nữ khoa học gia bí ẩn trong bức ảnh năm 1971

Bí ẩn về người phụ nữ duy nhất trong bức ảnh chụp nhóm các nhà khoa học Mỹ năm 1971 đã được giải mã.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN