Kỳ cuối: Phát hiện bất ngờ
Giới chức người Anh ở cảng Bari tìm cách đổ trách nhiệm cho không quân Đức. Alexander nghĩ rằng sẽ có hậu quả chính trị nghiêm trọng. Nếu họ định đổ tội cho người Đức thả mù tạt xuống trong khi người Đức không hề làm thì có thể kích hoạt chiến tranh hóa học diện rộng.
Alexander thêm lo lắng khi số người chết hàng ngày vì nhiễm độc mù tạt đột ngột tăng khi bệnh nhân nhiễm hóa chất đã yếu nay lại còn bị ảnh hưởng bởi viêm phổi.
Chín ngày sau vụ đánh bom, Alexander nộp báo cáo kết quả sơ bộ cho sở chỉ huy Đồng minh ở Algiers và kết luận nguyên nhân là lưu huỳnh mù tạt. Anh cần kết luận của mình được cấp cao nhất công nhận. Anh gửi điện tới cả Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill nói về sự việc ở Bari và nguồn gốc hóa chất. Ông Roosevelt dường như chấp nhận kết quả, còn Thủ tướng Anh nói ông không tin có lưu huỳnh mù tạt ở Bari.
Alexander không biết nói gì. Anh ngưỡng mộ Churchill và đoán rằng lãnh đạo Anh có thể lo quân Đồng minh không thừa nhận sở hữu lưu huỳnh mù tạt. Vì nếu thừa nhận và bị Đức trả đũa, Đức sẽ ném khí độc xuống Anh. Hiểu ý đồ của Churchill nhưng Alexander sẽ giảm uy tín và khả năng làm việc nếu kết luận bị ông Churchill phản đối. Alexander đã gửi bức điện thứ hai nói chi tiết hơn nhưng được thông báo rằng ông Churchill vẫn khăng khăng triệu chứng không giống với phơi nhiễm lưu huỳnh mù tạt mà ông từng chứng kiến hồi Thế chiến thứ nhất.
Sau một đêm mất ngủ, Alexander trở lại bệnh viện để chứng minh kết luận của mình không sai. Khi nghiên cứu các ca bệnh và hồ sơ bệnh lý, anh phát hiện ra một điều: tế bào bạch cầu của bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng và giảm mạnh. Ở bệnh nhân hồi phục, bạch cầu tăng lên vào ngày thứ hai hoặc ba, nhưng với một số trường hợp, số lượng bạch cầu lao dốc vào ngày thứ ba và thứ tư. Anh phát hiện tế bào bạch huyết biến mất đầu tiên. Phát hiện này khiến anh dựng tóc gáy. Anh đã thấy điều này trước kia nhưng không phải ở người. Anh từng nghiên cứu về tác động của mù tạt ni tơ trên động vật và thấy các con vật thí nghiệm đều giảm bạch cầu nghiêm trọng.
Khi đó, Alexander đã hào hứng với ý tưởng rằng nếu mù tạt ni tơ can thiệp vào cơ chế sản sinh tế bào bạch cầu của cơ thể, làm loại tế bào này giảm mạnh thì biết đâu có thể dùng hợp chất này dưới dạng này hay dạng khác để chữa cho người bị bệnh bạch cầu (loại ung thư phổ biến nhất ở trẻ em) – loại bệnh khiến tế bào bạch cầu tăng không kiểm soát. Anh cho rằng có thể dùng liều lượng hóa chất khác nhau để phá hủy một số tế bào bạch cầu mà không gây hại cho bệnh nhân. Tuy nhiên, ý tưởng của anh không được chấp nhận vì không có tiền bạc dành cho nghiên cứu không liên quan quốc phòng.
Giờ đây khi nghiên cứu bệnh nhân ở Bari, Alexander biết có thể mình không cứu được những ca nặng nhất nhưng có thể khiến cái chết của họ có ý nghĩa. Cơ hội hiếm hoi đã tìm đến với anh, một trong vài bác sĩ ít ỏi trên thế giới nghiên cứu tiềm năng chữa bệnh của mù tạt. Đây là cơ hội cực hiếm, khó tưởng tượng để nghiên cứu tiên phong về tác động sinh học của mù tạt với cơ thể người – loại thí nghiệm không thể thực hiện với tình nguyện viên còn sống. Alexander khẩn trương làm mọi việc có thể tại bệnh viện ở Bari để kiểm tra ý tưởng của mình, rằng mù tạt không chỉ được dùng để hủy diệt mà còn có thể được dùng để chữa lành.
Ngày 27/12/1943, khi Alexander nộp báo cáo sơ bộ sau 10 ngày điều tra thảm họa ở Bari, báo cáo ngay lập tức bị coi là tài liệu mật. Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh giữ bí mật báo cáo để trùm phát xít Adolf Hitler không thể lấy sự cố ở Bari làm cái cơ phát động tấn công hóa học. Không hồ sơ chính thức nào nhắc tới lưu huỳnh mù tạt. Nhân viên y tế làm tại các bệnh viện của người Anh ở Bari được yêu cầu thay đổi thông tin bệnh nhân. Chẩn đoán của Alexander về việc bệnh nhân bị phơi nhiễm lưu huỳnh mù tạt bị xóa bỏ và bị thay bằng các thuật ngữ chung chung như bỏng, biến chứng ở phổi, bị thương và tử vong do kẻ thù gây ra.
Vụ tấn công hóa học từ Đức mà quân Đồng minh lo sợ không bao giờ xảy ra. Quân Đức bị hạn chế về hậu cần, bị sức mạnh không quân Đồng minh cản trở và lo bị trả đũa ồ ạt. Điều mỉa mai là Đức đã biết về nguồn gốc khí độc ở cảng Bari. Gián điệp Đức Quốc xã ở Bari đã nghi ngờ quân Đồng minh che giấu bom lưu huỳnh mù tạt trong kho đạn dược ở Italy. Sau khi không kích, Đức đã cử thợ lặn và tìm thấy mảnh vỏ bom M47 mà Alexander cũng tìm thấy.
Giới chức Anh không bao giờ thừa nhận báo cáo về Bari của Alexander. Nhưng báo cáo lại được các cố vấn y tế cấp cao của Tổng thống Mỹ Eisenhower đánh giá cao, dù họ không dám nói ra vì sợ xúc phạm ông Churchill.
Đại tá Cornelius P. “Dusty” Rhoads, trưởng khoa y tế của Cơ quan Chiến tranh Hóa học đã ca ngợi nghiên cứu kỹ lưỡng của Alexander và háo hức muốn khám phá tiềm năng nữa bệnh của chất độc này tại bệnh viện mà ông làm giám đốc ở New York. Với báo cáo của Alexander và kết quả khả quan sau cuộc thử nghiệm tốt mật ở Đại học Yale, ông Rhoads đã tìm nguồn tài trợ để phát triển phương pháp chữa bệnh mà ngày nay ta gọi là hóa học trị liệu này.
Vào ngày 7/8/1945, ngày mà bom nguyên tử rơi xuống Nhật Bản, ông Rhoads và các nhà tài trợ thông báo kế hoạch thành lập Viện Nghiên cứu Ung thư Sloan Kettering. Thế chiến thứ hai kết thúc nhưng cuộc chiến với bệnh ung thư mới chỉ bắt đầu.
Bí mật về thảm họa Bari vẫn kéo dài hàng chục năm. Tháng 6/1945, Alexander xuất ngũ, về nhà với đầy huân chương và ruy băng trên ngực. Anh từ chối đề nghị làm việc tại viện Sloan Kettering của ông Rhoads và giữ lời hứa với cha về việc tiếp tục công việc gia đình ở New Jersey. Tại đây, Alexander trở thành bác sĩ được yêu mến. Ông qua đời ngày 6/12/1991 vì ung thư da. Trước đó ba năm, ông đã được quân đội Mỹ ca ngợi về nỗ lực liên quan vụ Bari.