Cờ Triều Tiên tại Đại sứ quán ở Kuala Lumpur. Ảnh: AFP |
Trong bối cảnh Malaysia và Triều Tiên đang nỗ lực hết sức để giải quyết căng thẳng ngoại giao giữa hai chính phủ, mọi chú ý dường như tập trung vào hơn 1.000 công dân Triều Tiên đang sinh sống tại Malaysia.
Vụ
sát hại công dân Triều Tiên có tên hộ chiếu Kim Chol - người được cho là Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur 3 tuần trước đã dấy lên nhiều quan ngại về hoạt động tình báo của Bình Nhưỡng tại Malaysia.
Hãng thông tấn quốc gia Malaysia Bernama dẫn một nguồn tin cho hay những công dân Triều Tiên đang sinh sống tại Malaysia hiện ngụy trang dưới những công việc ngành nghề khác nhau đều được định sẵn trong kế hoạch tổ chức một mạng lưới tình báo của quốc gia này.
Không khó để có thể hiểu được lý do vì sao có một lượng lớn người Triều Tiên sang Malaysia làm công việc của một chuyên viên công nghệ thông tin trong các công ty địa phương ở Cyberjaya. Họ chỉ làm với một mục đích duy nhất, thu thập tìm kiếm thông tin và dữ liệu nội bộ.
Nguồn tin tiết lộ: “Họ không phải là những người bình thường. Họ được đào tạo đặc biệt trước khi được chính phủ Bình Nhưỡng chọn đi ra nước ngoài làm việc. Được các công ty địa phương bảo trợ, sự có mặt của họ tại Malaysia không chỉ là làm việc mà còn hoạt động như điệp viên”.
Trang báo trực tuyến Hackread đặt trụ sở tại Milan đưa tin nhóm tình báo Triều Tiên hoạt động ở nước ngoài thuộc một đơn vị mật, có tên gọi “Cục 121” – bao gồm các điệp viên tinh nhuệ được đào tạo để thực hiện các nhiệm vụ tấn công mạng. Chỉ có những người làm việc cho đơn vị trên mới được tiếp cận với Internet và ra khỏi đất nước.
Nhóm “điệp viên” chỉ là một phần trong tổng số 100.000 người Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài. Đội ngũ tinh nhanh này trở thành một “nguồn thông tin” giá trị đối với chính phủ Triều Tiên cũng như đóng góp nguồn thu nhập cho đất nước.
Mỗi một công dân Triều Tiên ở nước ngoài đều phải chấp hành quy định đến đại sứ ở nước sở tại báo cáo mỗi tháng một lần. Theo nguồn tin trên, người chủ thuê nhân công Triều Tiên phải trả tiền lương về Đại sứ quán, và công dân Triều Tiên chỉ được nhận tiền trợ cấp hàng tháng. Đại sứ quán Triều Tiên tại Malaysia sẽ nhận khoản tiền lương trực tiếp bằng tiền mặt, do họ không thể nhận dịch vụ chuyển tiền qua mạng vì lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc. Họ sẽ mang theo túi tiền lớn ra sân bay để về nước, và được an ninh sân bay cho qua vì có giấy phép ngoại giao.
Không chỉ có ngành IT, công dân Triều Tiên tại Malaysia thường chọn công việc trong ngành khai thác mỏ quặng và là một trong những đối tác làm ăn của các doanh nghiệp Malaysia.