Bên thắng cuộc ở Đại Tây Dương - Kỳ II: Cơn ác mộng biển cả

Tổng thống Franklin Delano Roosevelt (1882 - 1945) từng mô tả nước Mỹ là “kho vũ khí dân chủ”. Nhưng đó cũng là kho vũ khí độc tài. Trong thời gian từ tháng 3/1941 đến tháng 10/1945, Mỹ đã cung cấp cho Liên Xô 2.000 đầu máy xe lửa, 11.000 xe goòng, 540.000 tấn đường ray, 51.000 xe jeep, 375.000 xe tải, 3 triệu tấn xăng và 15.000 triệu đôi ủng. Và hiển nhiên Hồng quân Liên Xô hành quân đến Berlin bằng những chiếc ủng của Mỹ và nhận khẩu phần ăn được vận chuyển trên những chiếc xe tải và tàu hỏa do Mỹ sản xuất.


Thiết giáp hạm Bismarck của Đức bị phá hủy trong tháng 5/1941.


Mỹ cũng cung cấp cho Liên Xô một nguồn lực quân sự không kém phần quan trọng với 15.000 máy bay, 7.000 xe tăng và 350.000 tấn thuốc nổ. Đương nhiên, tất cả chỉ là sự bổ sung cho nguồn viện trợ quân sự dành cho cả Anh, gồm 7.000 máy bay và 5.000 xe tăng, lẫn các lực lượng cơ giới hùng hậu và nguồn quân lực tạo nên màn tập kết lực lượng phục vụ chiến dịch ném bom chiến lược của Mỹ và đảm bảo cho thành công trong các cuộc đổ bộ ở châu Phi, Italy và Pháp từ cuối năm 1942 trở đi.


Tất cả những kế hoạch này - tiếp tế để Nga duy trì khả năng chiến đấu, để Anh tiếp tục tham chiến, để củng cố đảo quốc này như một bàn đạp quân sự cho các chiến dịch tấn công, và để tạo điều kiện khả thi cho việc tăng cường lực lượng cần thiết nhằm tiến vào khu vực châu Âu bị chiếm đóng - đang đối mặt với mối đe dọa khôn lường đến từ 250 tàu ngầm U-boat dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Karl Donitz.


Các chính khách Anh luôn mơ thấy ác mộng mỗi khi xuất hiện một kẻ bá chủ châu lục kiểm soát các hải cảng ở Đại Tây Dương và thách thức uy thế biển của Anh cũng như đặt đảo quốc này vào nguy cơ “chết vì đói”. Đó là những gì đã xảy ra trong các năm 1588, 1704 và 1805. Và chính sự sợ hãi đến tột cùng đã đẩy nước Anh vào cuộc chiến “bảo vệ Bỉ” năm 1914. Đó là lý do Anh sát cánh cùng Pháp trong năm 1939 và cũng là lý do Anh tiếp tục độc lập chiến đấu sau tháng 6/1940. Và mối đe dọa đó nay mang bóng hình của những quả ngư lôi được phóng từ tàu ngầm giữa màn đêm đen tĩnh lặng trên Đại Tây Dương.


Tàu khu trục HMS Onslow của Anh bị hư hại sau khi đụng độ với tàu ngầm U-boat trong lúc hộ tống.


Lúc này người ta vẫn chưa thể biết ngay loại vũ khí hải chiến nào của Đức sẽ gây sát thương lớn hơn. Là một cường quốc hải quân yếu hơn, cũng giống như trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Đức đề ra chiến lược du kích trên biển, tránh đối đầu với các đội hình chiến hạm chủ lực của Anh và tìm cách bóp nghẹt hoạt động thương mại của Anh bằng nhiều chủng loại tàu kết hợp gồm tàu chiến nổi, tàu thả thủy lôi, tàu phóng ngư lôi, máy bay oanh tạc và tàu ngầm.


Tàu chiến nổi - gồm các chiến hạm, tàu tuần dương và tàu chiến nhỏ - quá ít về số lượng và quá dễ bị đánh chặn hay tiêu diệt để có thể đóng vai trò quyết định. Cụ thể, chiến thuật thả thủy lôi vấp phải các biện pháp chống trả hiệu quả. Tàu phóng ngư lôi dễ bị tấn công còn các chiến dịch oanh tạc trên không mặc dù gây thiệt hại hàng triệu tấn cho hoạt động thương mại biển vào năm 1941, song cũng chỉ đạt hiệu quả bằng một nửa so với những gì mà các tàu ngầm U-boat làm được. Mà đó mới chỉ là một phần sức mạnh của Đô đốc Donitz được triển khai vào cuối năm 1942 và đầu năm 1943.


Donitz bắt đầu cuộc chiến với 57 tàu ngầm U-boat dưới quyền chỉ huy của ông, trong đó 30 chiếc là tàu ngầm ven bờ hoạt động trong tầm ngắn và chỉ 27 chiếc có thể tiến ra biển xa. Ông khẳng định cần 300 tàu có khả năng đánh đắm 800.000 tấn hàng vận tải biển của Đồng minh trong một tháng để chấm dứt cuộc chiến bằng việc “rút ống thở” của người Anh và buộc họ phải cúi mình chào thua. Thật bất ngờ, con số ước tính này khá chính xác. Khi Cuộc chiến Đại Tây Dương bước vào giai đoạn then chốt, lực lượng tàu ngầm U-boat của Đức và mức độ thiệt hại về vận tải biển của Đồng minh đã tiệm cận ngưỡng này.


Bất chấp công nghệ và các chiến thuật săn tàu ngầm ngày càng hiệu quả, số lượng “sói” mà Anh săn được vẫn thấp hơn so với tốc độ sản xuất của người Đức cho đến hết năm 1942. Đội tàu ngầm viễn dương của Donitz đã tăng từ 91 chiếc vào tháng 1/1941 lên 196 chiếc trong tháng 10 cùng năm và 240 chiếc trong tháng 4 năm sau.


Như vậy, các “bầy sói” đang mạnh dần lên. Sự đổi mới mang tính chiến thuật này của Donitz là sự rút kinh nghiệm từ những bài học trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và để đối phó với hai thách thức cụ thể đe dọa thành công của chiến dịch tàu ngầm. Một là những tàu ngầm đơn lẻ sẽ dễ dàng để xổng con mồi là các đội thương thuyền trên đại dương bao la. Nhưng một “bầy” có thể hợp thành một mạng lưới trên mặt biển với khả năng giám sát bao trùm những vùng biển rộng. Hai là các tàu ngầm đơn lẻ cũng dễ bị tấn công bởi các giải pháp hộ tống. Nhưng một “bầy”, nhanh chóng bu lại bằng tín hiệu vô tuyến một khi xác định được mục tiêu, có thể lấn át mọi sự phòng thủ. Đó chính là số phận của các đội tàu SC-122 và HX-229 vào giữa tháng 3/1943.


Trong khi đó, phe Đồng minh tồn tại được đến thời điểm này chủ yếu nhờ việc sản xuất hàng loạt tàu thay thế và thận trọng thay đổi các tuyến đường biển dựa trên thông tin do Bletchley Park (tổ chức giải mã chủ chốt của Anh ở Buckinghamshire) cung cấp. Các tuyến tuần tra của tàu ngầm U-boat và sự chuyển hướng của các bầy sói cũng thường xuyên bị phát hiện, cho dù phải đến tận tháng 12/1942 thì bộ mật mã “Cá mập” của các tàu ngầm Đức mới bị phá vỡ.



Huy Lê


Đón đọc kỳ cuối: Kẻ săn thú dữ trên biển

Bên thắng cuộc ở Đại Tây Dương
Bên thắng cuộc ở Đại Tây Dương

Năm 1943 là một năm then chốt trong đại chiến lược của Anh. Tuy nhiên, cuộc chiến trên Đại Tây Dương gần như đã thất bại trong khi kế hoạch mở mặt trận thứ hai lại bị trì hoãn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN