Tọa lạc tại một khu vực rộng lớn, Benin có một hệ thống tường đất đồ sộ bao quanh ở phía nam và các hào sâu ở phía bắc. Những bức tường đất bao quanh Benin có thời điểm còn dài gấp 4 lần Vạn lý Trường Thành và tốn nguyên vật liệu xây dựng gấp hàng trăm lần so với Đại Kim Tự tháp Cheop. Các bức tường đất dài 16.000 km, bao bọc một khu vực rộng 6.500 km vuông, do chính tay người dân Benin dựng nên. Ước tính phải mất 150 triệu giờ đào xới để hoàn thành công trình này. Điều đáng tiếc là hầu như không còn dấu vết nào của những bức tường này còn tồn tại đến ngày hôm nay. Ngoài các bức tường bao quanh thành phố, có nhiều bức tường khác phân chia các khu vực xung quanh thành phố thành 500 ngôi làng vệ tinh.
Benin từng là một trong những thành phố hưng thịnh nhất châu Phi. |
Khi người Bồ Đào Nha lần đầu tiên phát hiện ra thành phố vào năm 1485, họ đã hoàn toàn choáng ngợp khi nhận ra rằng vương quốc rộng lớn này được tạo từ hàng trăm ngôi làng và thành phố kết nối với nhau giữa một khu rừng ở châu Phi. Họ gọi đó là "đại đô thị Benin" và xếp Benin vào danh sách một trong những thành phố được quy hoạch tốt nhất trên thế giới ở thời điểm đó.
Năm 1692, thuyền trưởng Bồ Đào Nha Lourenco Pinto đã quan sát và đưa ra nhận xét: "Benin là nơi lớn hơn Lisbon với tất cả các con phố đều là đường thẳng tắp. Những ngôi nhà rộng lớn, nơi ở của nhà vua được trang trí nguy nga. Thành phố rất giàu có và được quản lý tốt đến nỗi không có nạn trộm cắp và người dân sống an ninh tới mức nhà không cần có cửa”. Đối ngược lại, London lại là thành phố của “trộm cắp, giết người, tham ô, gái gọi và chợ đen”.
Bức tranh về Benin do một binh sĩ Anh vẽ năm 1897. |
Thiết kế và quy hoạch của Benin được thực hiện theo quy tắc đối xứng. Nhà toán học Ron Eglash, người đã nghiên cứu nhiều mẫu kiến trúc, nghệ thuật và thiết kế ở nhiều nơi tại châu Phi, nhận xét rằng thành phố Benin và các làng xung quanh chủ ý được sắp đặt theo kiểu hình học phân dạng hoàn hảo với các hình khối tương tự nhau được lặp đi lặp lại trong từng phòng của từng ngôi nhà. Ông Eglash nhấn mạnh: “Lần đầu tiên đặt chân đến châu Phi, người châu Âu đã coi kiến trúc nơi đây lộn xộn và nguyên thủy sơ khai. Vậy nhưng họ không bao giờ có thể hiểu rằng châu Phi đã sử dụng một dạng toán mà họ chưa thể phát hiện".
Trung tâm Benin là tòa lâu đài của nhà vua, từ đó tỏa ra 30 con phố rất rộng và thẳng, mỗi phố rộng 36 mét. Các phố chính này có hệ thống thoát nước ngầm ghép bằng các thùng chứa nước mưa có chỗ thoát nước. Giữa mỗi con phố là mảng đất có cỏ để cho động vật ăn.
Ảnh chụp một con phố lại Benin năm 1897. |
Thành phố Benin là nơi đầu tiên có đèn đường sơ khai. Đó là những cột đèn kim loại được dựng và đặt quanh thành phố, đặc biệt gần cung điện của nhà vua. Những bấc đèn được thắp vào ban đêm bằng dầu cọ để cho người đi lại quanh cung điện có thể nhìn rõ đường.
Nhà cửa ở Benin được xây dọc đường, nằm san sát nhau. Mỗi căn nhà đều có một giếng để lấy nước sinh hoạt và được chia làm 3 phần chính: phần trung tâm là không gian của người chồng (chủ gia đình) hướng nhìn ra cửa, phần bên trái là của người vợ trong khi phần bên phải dành cho các nam thanh niên.
Cuộc sống đường phố hàng ngày ở Benin rất nhộn nhịp, tấp nập với dòng người đi lại trên những con phố rộng. Người dân mặc quần áo sặc sỡ. Những người đứng đầu thành phố đóng vai trò là quan tòa phân giải các vụ kiện, làm trung gian các cuộc tranh luận trong phòng tranh, làm trọng tài cho các vụ xung đột lặt vặt ở chợ.
Ở thời kỷ đỉnh cao trong thế kỷ 12, trước khi thời kỳ phục hưng ở châu Âu bắt đầu, nhà vua và giới quý tộc ở Benin rất ưu ái các thợ thủ công và thường tặng thưởng họ quà cáp, của cải. Đổi lại, họ sẽ tạo ra những bức tượng điêu khắc chân dung bằng đồng về các bậc đế vương quyền quý này.
Điều ấn tượng nhất đối với những người châu Âu lần đầu tiên đến Benin là sự xa hoa, giàu có và lộng lẫy. Ngay lập tức, những người thuộc Lục địa già đã nhận ra cơ hội phát triển thương mại như nhập khẩu ngà voi, dầu cọ, hạt tiêu hoặc xuất khẩu súng. Đầu thế kỷ 16, lời đồn đại về thành phố châu Phi đẹp tráng lệ đã lan tỏa khắp châu Âu khiến nhiều người ở nơi đây háo hức quyết định tham gia hành trình đến với Benin.
Tuy nhiên, Benin đã dần biến mất sau những xung đột nội bộ bùng phát trong thế kỷ 15 liên quan tới sự xâm nhập của người châu Âu và việc buôn bán nô lệ. Đến năm 1897, thành phố bị binh lính Anh phá hủy, cướp bóc, trở thành đống tro tàn. Ngày nay, một thành phố Benin mới (thủ phủ của bang Edo ở nam Nigeria) đã được dựng xây trên nền Benin cũ, nhưng những hào quang của quá khứ dường như đã bị lãng quên.