Kỳ cuối: Vượt qua nỗi đau
Ông thậm chí còn hỏi người chăm sóc cô là ai. Nhưng sau khi xem ảnh chụp MRI và CT cũng như hồ sơ của Sophie, họ nhận ra rằng cô đã nói sự thật.
Kết quả quét cho thấy một khối 25cm bên trong. Các bác sĩ không biết nó là gì, nhưng họ không nghĩ đó là ung thư vì không có dấu hiệu nào cho thấy máu của Sophie đang chống lại căn bệnh ung thư.
Vào đêm Giáng sinh năm 2021, chuyên gia tư vấn và 10 bác sĩ lâm sàng khác ngồi quanh giường Sophie và nói: “Thành thật mà nói, chúng tôi không biết đây là gì. Có thể là âm đạo giả bị hỏng hoặc có thể là tinh hoàn. Chúng tôi cần xét nghiệm thêm”. Sophie chỉ bật cười.
Tại thời điểm này, đó là một cơn ác mộng có thật và quá xấu hổ nên Sophie muốn xuất viện. Các bác sĩ đã tiêm cho cô thuốc kháng sinh để chữa nhiễm trùng huyết và cô rời viện.
Một vài tuần sau, các chuyên gia tại Hull đề xuất một quy trình mà họ muốn thực hiện để thử dẫn lưu khối u qua trực tràng, nhưng một bác sĩ phẫu thuật khác đã phản đối kịch liệt điều này.
Sau tất cả những gì mà hệ thống y tế đã làm với cơ thể mình, Sophie đã quyết định lựa chọn an toàn nhất là rời khỏi viện. Đó là quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời cô.
Nhưng trải nghiệm đó là một yếu tố kích hoạt. Sophie tìm bác sĩ đã phẫu thuật cho mình lúc mới sinh.
Cô quyết định cố gắng tìm hiểu toàn bộ câu chuyện. Tại thời điểm đó, “cửa xả lũ” mở ra và Sophie bắt đầu nói chuyện về mọi việc và sự việc trở nên bình thường hóa. Khi làm như vậy, nỗi đau đã biến mất. Sophie đã vượt qua.
Ngày xuất viện, Sophie kể lại cho một vài người bạn thân và dì mình. Cô đã ở một mình rất nhiều và có thời gian để suy nghĩ. Cô bắt đầu cảm thấy mình đang đi theo con đường mà cô đã đi ở tuổi 20, đắm chìm trong những suy nghĩ đen tối và cố gắng đổ lỗi. Rồi cô nhận ra rằng mình cần phải phá vỡ cái vòng luẩn quẩn này và kể cho mọi người.
Một đêm nọ, Sophie uống rất nhiều và đăng thứ gì đó lên Facebook. Đó là một bài đăng khủng khiếp, nhưng cô cảm thấy đau đớn và cô cần phải vứt nỗi đau đi đâu đó. Bài đăng giống như một bức thư ngỏ gửi cho bác sĩ phẫu thuật: Sao ông có thể làm điều này với tôi?
Đối với Sophie, những tháng vừa qua quả là địa ngục trần gian. Cô nghĩ đến việc tự tử mỗi ngày.
Bây giờ, khi bình tâm lại, Sophie thực sự hiểu hoàn cảnh của bố mẹ. Họ đã trải qua một hành trình khó khăn không kém nhưng từ một góc nhìn khác. Sophie ngày càng hiểu tất cả những quan điểm này và cuối cùng cô đã gặp được bác sĩ phẫu thuật của mình và có thời gian để suy ngẫm về tất cả.
Sophie đã không nóng giận hay chửi bới vị bác sĩ đã thay đổi cuộc đời cô. Bác sĩ này nói rằng ông tin chắc mình không thể làm gì khác vào thời điểm đó.
Lúc đang hồi phục sau khi nhiễm trùng huyết, Sophie đã xem rất nhiều phim trên Netflix và cô xem bộ phim tài liệu “Three Identical Strangers”, kể về ba anh em sinh ba giống hệ nhau được các gia đình khác nhau nhận nuôi và bằng cách nào đó đã đoàn tụ với nhau. Sophie tìm nhà sản xuất phim là Becky Read, vì cô nghĩ bà có thể sẽ muốn nghe câu chuyện của mình.
Sophie đã gửi cho bà Read một tin nhắn qua LinkedIn. Họ đã trò chuyện và bà Read thực sự bị ấn tượng trước câu chuyện của Sophie cũng như con người cô. Bà Read nói: “Ở cấp độ con người, câu chuyện có nhiều lớp, phong phú và chạm đến rất nhiều chủ đề mà tôi, một nhà làm phim, bị thu hút, như đạo đức y tế và các quyết định gia đình phải đưa ra, vai trò của các bác sĩ trong những trường hợp như thế này và sự phức tạp về mặt đạo đức và ý tưởng về việc người ta sẽ làm gì trong tình huống đó?”
Bà Read đang thực hiện một bộ phim tài liệu do Ventureland sản xuất và sẽ ra mắt vào cuối năm sau. Bà đã hợp tác với Sophie - người rất muốn tìm kiếm và đề nghị giúp đỡ những người khác cũng là nạn nhân của việc thay đổi giới tính do biến chứng y tế.
Vài năm trước, bà Read đang cân nhắc làm một bộ phim tài liệu về David Reimer, một người Canada sinh năm 1965, là một trong hai cậu bé sinh đôi giống hệt nhau, nhưng đã chuyển đổi giới tính sau một lần cắt bao quy đầu thất bại và trở thành Brenda. Câu chuyện đổi giới tính cũng là một bi kịch với Reimer. Hai năm sau, Reimer vốn mắc chứng trầm cảm nặng và đã tự bắn vào đầu mình.
Trong quá trình nghiên cứu của mình, bà Read đã nói chuyện với một nhà thần kinh học làm việc tại Đại học Johns Hopkins trong lĩnh vực chăm sóc tâm thần. Ông ước tính rằng khoảng 15.000 người trên toàn thế giới trong khoảng thời gian từ 25 đến 30 năm đã trải qua phẫu thuật chuyển đổi giới tính để điều trị chứng lộn bàng quang và các tình trạng khác.
Bà Read nghĩ có nhiều khả năng trong trường hợp của Reimer, đó là một thử nghiệm có tính toán, trong khi với Sophie, nó chỉ là sai lầm, nhưng với mục đích tốt.
Nhưng cuối cùng hai trường hợp đều dẫn đến một thực tế không thể tránh khỏi là điều này liên quan đến việc tước bỏ quyền sinh sản của ai đó. Sophie là con một và các bác sĩ đã cắt bỏ những gì lẽ ra là tinh hoàn khỏe mạnh. Sophie bây giờ đã là một thanh niên đang nghĩ đến việc có một gia đình nhưng cô không thể. Cô không được lựa chọn.
Vậy Sophie có bao giờ nghĩ đến việc chuyển trở lại thành nam không? Câu trả lời của Sophie không rõ ràng. Dù vậy, cô đã ngừng sử dụng hormone cách đây vài năm sau khi gặp tác dụng phụ.
Vài ngày sau khi chia sẻ câu chuyện của mình với tờ The Telegraph, Sophie đã gửi cho báo này một email: “Theo nhiều cách, tôi bắt đầu cảm thấy biết ơn về cuộc hành trình mà mình đã trải qua. Khi tôi nhìn lại, chính những thử thách mà tôi phải đối mặt đã hình thành nên tôi của ngày hôm nay. Quá trình cố gắng hiểu những gì đã xảy ra với mình đã khiến tôi hiểu được lựa chọn của người khác và cố gắng đặt mình vào vị trí của người khác. Tôi đoán điều này cũng khiến tôi có sự đồng cảm và nhận ra rằng không phải mọi thứ hoặc mọi người đều tốt và xấu. Có bóng tối và ánh sáng trong tất cả chúng ta và con đường dẫn đến hạnh phúc, giác ngộ chính là nuôi dưỡng bóng tối bằng ánh sáng”.
Sophie bây giờ đã 37 tuổi, sôi nổi, ấm áp, nhiệt huyết và vui tính. Cô rõ ràng đã hòa giải và rất thân thiết với cha mẹ, những người đã hết lòng vì cô.
Sophie nói: “Đó là một hành trình rất khó khăn đối với chúng tôi. Đã có lúc chúng tôi ghét cả thế giới và ghét nhau, nhưng bây giờ chúng tôi yêu thương nhau”.