Bi kịch Nữ hoàng cuối cùng của Hawaii

Nữ hoàng Liliuokalani là quốc vương cuối cùng của quần đảo Hawaii. Bà đã nỗ lực bảo vệ chủ quyền vương quốc nhưng cuối cùng bị lật đổ bởi thế lực doanh nhân mía đường vào cuối thế kỷ 19, với sự hậu thuẫn của Thủy quân lục chiến Mỹ.

Chú thích ảnh
Nữ hoàng Liliuokalani đã không bảo vệ được vương triều của mình. Ảnh: Wikimedia Commons

Khi Nữ hoàng Liliuokalani lên ngôi tại Hawaii năm 1891, bà trở thành nữ vương đầu tiên và cũng là quốc vương cuối cùng của vương quốc Hawaii. Thật không may, Liliuokalani lên nắm quyền khi các thế lực kinh doanh hùng mạnh của Mỹ đang tìm cách kiểm soát các hòn đảo để kiếm lợi nhuận. Cuối cùng cuộc chiến đấu nhằm bảo vệ nền độc lập của Hawaii đã khiến Nữ hoàng bị lật đổ, bị đưa ra xét xử vì tội phản quốc, chịu án 5 năm lao động khổ sai, và bất lực chứng kiến Mỹ thôn tính toàn bộ chuỗi đảo xinh đẹp giữa Thái Bình Dương.

Sinh ngày 2/9/18, Liliuokalani lớn lên trong một trong những gia đình bản địa tinh hoa của Hawaii. Mẹ của Lydia, Keohokalole, làm nhiếp chính cho Vua Kamehameha III.

Khi còn trẻ, Lydia đi khắp thế giới và duy trì mối quan hệ thân thiết với hoàng tộc. Năm 1874, anh trai của Lydia, Kalākaua, trở thành Quốc vương Hawaii. Ba năm sau, cô được phong làm công chúa nối ngôi vương triều Kalākaua.

Chú thích ảnh
Công chúa Liliuokalani. Ảnh: Cơ quan Lưu trữ Hawaii

Mía đường - ngành công nghiệp thống trị Hawaii

Khi trở thành công chúa nối ngôi, Lydia nhận một cái tên hoàng tộc là Liliuokalani. Năm 1881, cô đóng vai trò nhiếp chính cho anh trai khi ông đi du lịch khắp thế giới. Công chúa cũng từng gặp gỡ Nữ hoàng Anh Victoria, Hoàng tử Anh Jubilee và Tổng thống Mỹ Grover Cleveland. Năm 1891, khi Vua Kalākaua qua đời, Liliuokalani lên ngôi kế vị anh trai.

Nhưng Nữ hoàng Liliuokalani đã cai trị trong một thời kỳ hỗn loạn ở Hawaii. Các doanh nhân người Mỹ và châu Âu khi ấy mua lại phần lớn đất đai tư nhân trên các hòn đảo và những chủ sở hữu giàu có này bắt đầu gia tăng nhiều tiếng nói hơn trong giới cầm quyền Hawaii.

Từ năm 1887, dưới áp lực của các doanh nhân nước ngoài, Quốc vương Kalākaua đã ký Hiến pháp Bayonet, một tài liệu mà Liliuokalani phản đối vì hạn chế quyền lực quân chủ. Khi đó, với thái độ chống lại các đặc quyền gia tăng với Mỹ- bao gồm cả quyền kiểm soát Trân Châu Cảng - Liliuokalani đã chọc giận giới doanh nhân Mỹ ngay cả trước khi trở thành nữ hoàng.

Sau khi lên nắm quyền, Liliuokalani đã thúc đẩy một bản hiến pháp mới nhằm tăng cường sự độc lập của chế độ quân chủ Hawaii. Đáp lại, giới doanh nhân mía đường bắt đầu âm mưu đảo chính.

Vào những năm 1890, ngành mía đường thống trị Hawaii. Mía là cây trồng mang lại nguồn tiền mặt lớn của quần đảo vào thời điểm Nữ hoàng Liliuokalani lên ngôi. Trong nhiều thập kỷ, Hawaii là một nhà sản xuất đường lớn, và các phương pháp công nghiệp mới, những trang trại trồng trọt lớn hơn tiếp tục làm tăng vai trò của ngành mía đường trong nền kinh tế Hawaii.

Chú thích ảnh
Tranh vẽ đồn điền mía trên đảo Maui. Ảnh: Bảo tàng nghệ thuật Horikawa, Honolulu.

Từ 1866-1879, sản lượng đường tăng vọt 250%. Những năm 1890, các đồn điền mía công nghiệp thường sử dụng cả nghìn công nhân. Công ty Thương mại và Đường Hawaii, nằm trên đảo Maui, sản xuất 12.000 tấn đường vào năm 1890. Các chủ doanh nghiệp Mỹ và châu Âu liên tiếp mua đất và mở rộng các đồn điền mía, củng cố quyền lực trong vương quốc.

Vào năm 1890, Mỹ đã thông qua một đạo luật thuế tác động mạnh đến các nhà sản xuất đường ở Hawaii. Quần đảo này trước đây được hưởng lợi từ thuế suất thấp, nhưng việc tăng thuế đã làm tăng chi phí sản xuất đường và gần như phá hủy ngành công nghiệp sống còn trên quần đảo.

Các chủ đồn điền mía đường Hawaii nhanh chóng đưa ra một kế hoạch để cứu ngành công nghiệp: họ sẽ lật đổ Nữ hoàng Liliuokalani và thúc đẩy Mỹ sáp nhập Hawaii. Khi nằm dưới sự cai trị của Mỹ, các nhà sản xuất đường Hawaii sẽ không còn phải trả thuế nữa.

Cuộc đảo chính chấm dứt chế độ quân chủ Hawaii

Nữ hoàng Liliuokalani đã chiến đấu chống lại các chủ đồn điền hùng mạnh cả với tư cách là công chúa lẫn quốc vương, nhưng bà đã bất lực trong việc ngăn chặn cuộc đảo chính do Mỹ hậu thuẫn, doanh nhân người Mỹ Sanford Dole lãnh đạo vào năm 1893.

Vào tháng 1/1893, một “Ủy ban An toàn”, được bí mật thành lập gồm các chủ trang trại trồng mía nước ngoài, đã nhóm họp gần Cung điện Iolani để tiến hành đảo chính. Chính phủ Mỹ ủng hộ âm mưu này với việc cử 300 lính thủy đánh bộ đóng vai trò che chắn cho phe đảo chính khi nắm quyền lực.

Chú thích ảnh
Liliuokalani ngồi cạnh Sanford Dole vào năm 1914.

Khi quân đội xông vào cung điện, Nữ hoàng Liliuokalani đầu hàng ngay để tránh đổ máu. Về mặt công khai, Tổng thống Mỹ Cleveland phản đối cuộc đảo chính. Nhưng Ủy ban An toàn đã phớt lờ những phản đối đó, tuyên bố thành lập Cộng hòa Hawaii và đưa Sanford Dole lên làm tổng thống.

Liliuokalani không chấp nhận từ bỏ quyền lực mà không chiến đấu. Năm 1895, Nữ hoàng bị lật đổ lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa nhằm khôi phục chế độ quân chủ. Tuy nhiên trước sức mạnh của phe Cộng hòa Hawaii và những người ủng hộ giàu có, cuộc nổi dậy đã thất bại.

Chính phủ Cộng hòa bắt giữ Liliuokalani và đưa bà ra tòa vì tội phản quốc. Trong phiên tòa, Nữ hoàng Liliuokalani phủ nhận kế hoạch "phản cách mạng", nhưng tòa án vẫn kết tội và buộc cựu nữ hoàng chịu 5 năm lao động khổ sai.

Tòa án sau đó giảm án cho quản thúc tại gia, buộc Liliuokalani sống trong một phòng ngủ duy nhất tại Cung điện Iolani.

Mặc dù vậy, sự kiện Nữ hoàng Liliuokalani chính thức thoái vị đã không kết thúc vai trò của bà ở Hawaii. Dưới thời Tổng thống Dole, Cộng hòa Hawaii đã tìm cách sáp nhập vào Mỹ, điều mà Liliuokalani luôn phản đối.

Chú thích ảnh
Một bức chân dung của Liliuokalani hai năm trước khi bà qua đời năm 1917.

Mất chủ quyền

Năm 1897, Thượng viện Mỹ đã xem xét một hiệp ước sáp nhập Hawaii. Nhưng một nhóm người Hawaii bản địa do Nữ hoàng Liliuokalani dẫn đầu, đã tìm cách ngăn chặn hiệp ước. Sau một thời gian vận động hành lang không thành, hiệp ước này chết yểu.

Sau đó, cuộc Chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha đã làm dấy lại nỗ lực thôn tính Hawaii. Tổng thống William McKinley tuyên bố Hawaii sẽ là trạm tiếp nhiên liệu hoàn hảo cho Hạm đội Thái Bình Dương. Ngoài ra, Trân Châu Cảng sẽ trở thành một căn cứ hải quân tuyệt vời. Cuối cùng, Quốc hội Mỹ đã thông qua một nghị quyết chung để sáp nhập Hawaii.

Chú thích ảnh
Thay quốc kỳ Mỹ tại Cung điện Iolani sau khi Mỹ sáp nhập Hawaii. Ảnh: Wikimedia Commons

Giống như Nữ hoàng Liliuokalami, phần lớn người Hawaii bản địa phản đối việc sáp nhập. Nhưng tất nhiên động thái này làm hài lòng các doanh nhân và chủ đất trồng mía ở Hawaii. Vai trò của Sanford Dole cũng chuyển từ Tổng thống Cộng hòa Hawaii sang Thống đốc vùng lãnh thổ Hawaii thuộc Mỹ.

Nữ hoàng Liliuokalani không bao giờ lấy lại được ngai vàng của mình. Với việc Hawaii trở thành một phần lãnh thổ Mỹ, những người trồng mía đã lật đổ chế độ quân chủ tại đây và được nộp thuế thấp hơn. Liliuokalani rút khỏi cuộc sống công khai và qua đời vì đột quỵ vào năm 1917.

Năm 1993, Quốc hội Mỹ đã chính thức xin lỗi vì vai trò trong cuộc đảo chính chống lại Nữ hoàng Liliuokalani. Người dân bản địa Hawaii không bao giờ tuyên bố từ bỏ Mỹ để đòi lại chủ quyền xa xưa. Tuy nhiên, người Hawaii vẫn nhớ nữ hoàng cuối cùng của họ. Trên thực tế, một trong những bài hát nổi tiếng nhất của Hawaii đến tận ngày nay là "Alo Aloha Oe" đã được sáng tác bởi chính Nữ hoàng Liliuokalani.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Allthatsinteresting)
Thời kỳ 'thủ phủ ô tô' Detroit biến thành xưởng vũ khí lớn nhất thế giới
Thời kỳ 'thủ phủ ô tô' Detroit biến thành xưởng vũ khí lớn nhất thế giới

Ngành công nghiệp lớn nhất nước Mỹ đã chuyển từ sản xuất ô tô sang chế tạo máy bay ném bom, xe tăng và nhiều vũ khí khác, với tốc độ và quy mô chưa từng thấy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN