Bí mật hội Tam Hoàng(Kỳ I)

Hội Tam Hoàng được cho là xuất hiện từ thế kỷ 17, khi những người trung thành với triều đại nhà Minh liên kết với nhau trong những hội kín để đấu tranh chống lại triều đại nhà Thanh của người Mãn Châu thống trị Trung Nguyên từ năm 1644, nhưng dần biến dạng và trở thành một tổ chức tội phạm có tổ chức chặt chẽ. Trong thế kỷ 18 và 19, hội Tam Hoàng phát triển mạnh ở Trung Quốc khi cộng sinh với các công chức tham nhũng.

Kì I: Lịch sử Hội Tam Hoàng

Thời hoàng kim của hội Tam Hoàng bắt đầu từ năm 1772, khi người Anh, dưới quyền cai quản của Toàn quyền Anh tại Ấn Độ Warren Hastings bắt đầu bán thuốc phiện từ thuộc địa Ấn Độ sang Trung Quốc. Nhưng vì thuốc phiện bị cấm ở Trung Quốc từ 1729, nên chỉ những hội kín, được sự che chở của các công chức tham nhũng mới có thể mua được khối lượng lớn để chuyên chở tới nơi tiêu thụ. Địa điểm buôn bán chính ban đầu là Quảng Đông, hải cảng duy nhất được mở cho người châu Âu khi đó. Sau khi năm 1800, Hoàng đế Trung Hoa một lần nữa ban hành sắc lệnh cấm thuốc phiện thì các chuyến hàng không được chở thẳng vào cảng nữa mà phải chuyển giao cho những chiếc thuyền buôn lậu của hội Tam Hoàng đợi sẵn ở bên ngoài hải cảng. Từ năm 1821, Công ty Jardine, Matheson & Co đã đảm nhận cả việc buôn lậu ở những hải cảng cấm người châu Âu, chiếm tới 60% thị phần thuốc phiện và đứng đầu trong số 46 doanh nghiệp buôn bán thuốc phiện và 50 hãng tàu chuyên chở thuốc phiện. Việc buôn bán thuốc phiện gia tăng cũng làm các tổ chức tội phạm phân phối thuốc phiện ở Trung Quốc tăng cường quyền lực và trở nên giàu có.

Việc buôn bán thuốc phiện đã không ngừng gia tăng, từ 340 tấn/năm trong khoảng thời gian 1811 tới 1820 lên tới 1.841 tấn/năm trong khoảng thời gian từ 1829 tới 1839 và việc này đã dẫn tới một khối lượng bạc khổng lồ được chuyển ra nước ngoài để mua ma túy, gây khó khăn cho nền kinh tế Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc phải tính tới việc tìm cách ngăn chặn thuốc phiện tràn ngập thị trường. Từ 1840, với cuộc chiến tranh nha phiến, Chính phủ Anh trên thực tế đã buộc Trung Quốc phải mở cửa cho việc nhập khẩu thuốc phiện với việc nhượng Hồng Công lại cho Anh năm 1842 và mở cửa 5 thành phố cảng nữa, trong đó có Thượng Hải cho việc buôn bán. Tuy nhiên, về mặt chính thức, thuốc phiện vẫn bị cấm, nên hội Tam Hoàng vẫn là đối tác buôn bán chính. Năm 1858, Trung Quốc phải mở cửa hoàn toàn các hải cảng, cho phép người nước ngoài được nhập cảnh không bị kiểm soát và đảm bảo việc tự do buôn bán tất cả các sản phẩm. Năm 1880, việc nhập khẩu thuốc phiện đã lên tới mức kỷ lục là 6.500 tấn/năm để cung cấp cho 20 triệu con nghiện, nhưng lúc này, Chính phủ Trung Quốc đã tham gia hưởng lợi với việc đánh thuế nhập khẩu.

Giờ đây, Hoàng đế Trung Hoa ra lệnh tự trồng thuốc phiện ở Trung Quốc và vào khoảng đầu thế kỷ 20, Trung Quốc đã tự sản xuất 22.000 tấn thuốc phiện, trong khi việc nhập khẩu thuốc phiện từ Ấn Độ giảm xuống còn 3.500 tấn/năm. Từ 1880, chất morphin được nhập khẩu ồ ạt và từ năm 1900, tại Tsingtau, thuộc địa của Đức, sản phẩm hêrôin của hãng Bayer, khi đó còn được coi là thuốc trị bách bệnh, được phát hành rộng rãi để chữa bệnh nghiện thuốc phiện (!?). Ngoài ra, việc buôn bán thuốc phiện cũng là nguồn kinh phí quan trọng của các sứ quán, sau khi chính quyền Hoàng gia tan rã.

Thành phố Thượng Hải khi đó bị hai hội Tam Hoàng chi phối chính, đó là Hồng Hội, đối tác của Công ty Jardine, Matheson & Co của Anh và Cơ quan mật vụ Anh, do Chang Hsiao-lin cầm đầu và Lục Hội, hợp tác với người Pháp trong buôn bán ma túy và hoạt động mật vụ, do Huang "rỗ" cầm đầu. Ngoài ra còn có hội Tong và Hiệp hội Thiên Địa.

Công việc làm ăn chính của chúng là sản xuất và bán cái gọi là thuốc viên chống thuốc phiện, được làm từ hêrôin, strychnin, quinnin, coffein, đường, sữa với lợi nhuận khổng lồ. Người làm trung gian môi giới giữa hai hội kín này là Tu Yueh-sheng, nguyên là thủ lĩnh của Lục Hội. Năm 1925, sau khi Tôn Dật Tiên qua đời, ba thủ lĩnh băng đảng này gia nhập Quốc Dân Đảng và ủng hộ thủ lĩnh mới của nó là Tưởng Giới Thạch.


Cuộc chiến tranh nha phiến buộc Trung Quốc phải mở cửa thị trường.


Tháng 2/1926, Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Thượng Hải tổ chức một cuộc tổng bãi công của công nhân chống lại các thế lực nước ngoài. Những người nước ngoài ủng hộ Tưởng Giới Thạch muốn rằng họ Tưởng phải đập tan cuộc tổng bãi công này. Nhưng vì sợ mang tiếng, Tưởng đã cố chần chừ điều quân thật chậm cho tới 21/3 mới tới được trước thành phố Thượng Hải. Tưởng đã mở kho vũ khí phát cho các thành viên hội Tam Hoàng, nên ngày hôm sau cả thành phố nhan nhản những tên tội phạm được trang bị vũ khí. Ngày 12/4/1927, chúng bắt đầu một cuộc thảm sát những người cộng sản và công nhân ở đó.

Để thưởng công, Tu Yueh-sheng được bổ nhiệm làm thiếu tướng của Quốc Dân Đảng và Phó Thống đốc Thượng Hải. Ngoài ra, y trở thành chủ tịch danh dự của Công ty Điện lực Thượng Hải đang nằm dưới quyền sở hữu của Mỹ.

Tháng 8/1927, Tưởng Giới Thạch biến việc cấm thuốc phiện thành một độc quyền của nhà nước, mà những người được cấp phép giao dịch đầu tiên là ba thủ lĩnh hội Tam Hoàng Tu Yueh-sheng, Huang và Chang Hsiao-lin. Mặc dù chỉ thu lệ phí rất ít, nhưng việc độc quyền phân phối đã mang lại cho chính phủ 40 triệu USD trong một năm. Nhưng dưới sức ép của nước ngoài, sự độc quyền phân phối thuốc phiện của nhà nước đã bị bãi bỏ cuối năm 1928. Để đổi lại, Tu Yueh-sheng được cấp giấy phép điều hành công ty xổ số nhà nước mới được thành lập.

Hai thủ lĩnh còn lại của hội Tam Hoàng được phân chia lãnh địa làm ăn, trong đó Huang được phân chia phụ trách các nước phía đông của Trung Quốc, đặc biệt là Mỹ và Chang được phân chia phía tây, đặc biệt là châu Âu.

Năm 1935, sau khi Nhà máy Luxol ở Elberfeld bị đóng cửa và một mạng lưới buôn lậu của người Do Thái ở Viên bị phá vỡ làm đình trệ việc cung ứng trong nhiều năm, Mayer Lansky, một trùm tội phạm Mỹ, đã giành cho mình quyền được cung ứng khối lượng lớn hêrôin từ Thượng Hải, được chế biến trong nhà máy của Chang và thông qua tay chân của Huang đưa sang Mỹ.

Sau khi những người cộng sản lên nắm quyền ở Trung Quốc năm 1949, lực lượng Quốc Dân Đảng tổ chức việc sản xuất hêrôin ở khu vực "Tam giác Vàng" và qua Băngcốc, được mạng lưới của hội Tam Hoàng đưa đi tiêu thụ ở khắp nơi trên thế giới. Tại châu Âu thì Amsterdam là hải cảng nhập khẩu quan trọng nhất.
Bí mật hội Tam Hoàng(Kỳ cuối)
Bí mật hội Tam Hoàng(Kỳ cuối)

Tối 2/12/1997, gần nửa năm sau khi Anh trao trả Hồng Công cho Trung Quốc, có 60 người đàn ông bước vào quán "Ho Choi" trên bán đảo Kowloon của Hồng Công và ngồi xuống 8 chiếc bàn đã đặt sẵn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN