Lịch sử nước Mỹ từng có những người chuyên giả mạo chữ ký và các tác phẩm quan trọng của những nhân vật nổi tiếng khiến các chuyên gia kỳ cựu nhất cũng khó lòng mà phân biệt được thật, giả. Điển hình là những vụ giả mạo thư từ của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln. Vụ giả mạo này khiến người ta luôn phải tự hỏi liệu đây là thật hay giả mỗi khi xem tài liệu trưng bày trong bảo tàng.
Kỳ 1: Lá thư Bixby do ai viết?
Từ hơn 140 năm nay, lá thư Bixby được ca ngợi là một trong những kiệt tác văn xuôi đáng chú ý nhất của Tổng thống Abraham Lincoln. Lá thư này được trưng bày trong các bảo tàng trên khắp nước Mỹ và trở thành nguồn cảm hứng cho bộ phim “Giải cứu binh nhì Ryan” của đạo diễn Steven Spielberg.
Tuy nhiên, kể từ khi lá thư được công bố, tính xác thực của nó đã trở thành đề tài tranh luận của vô số các chuyên gia về chữ viết tay, các sử gia và học giả. Cho đến nay, vẫn không có bằng chứng cụ thể nào chứng minh lá thư đó do Tổng thống Lincoln viết hay chỉ đơn giản là một lá thư giả mạo.
Lá thư được cho là do Tổng thống Lincoln viết vào mùa thu năm 1864, gửi đến bà Lydia Bixby, một góa phụ ở Boston và là mẹ của năm người con trai. Người ta cho rằng những người con của bà Bixby đã bị thiệt mạng khi thi hành nhiệm vụ trong cuộc nội chiến. Sau cái chết của những người con, người góa phụ đau khổ đó đã nhận được một lá thư chia buồn từ Tổng thống Lincoln, trong đó ông đã an ủi sự mất mát lớn lao của bà.
Tuy nhiên, có nhiều hoài nghi về tính chính xác của một số nội dung quan trọng trong lá thư, hầu hết liên quan đến số phận thực sự của 5 người con trai bà Bixby. Có bằng chứng cho rằng, chỉ có hai chứ không phải năm người con trai bà Bixby chết trong chiến trận. Theo một bài viết đăng trên trang Abraham Lincoln Online, “một người đã đào ngũ, một người đã giải ngũ và một người nữa đã rời bỏ quân đội hoặc chết trong tù”.
Tổng thống Abraham Lincoln – người được cho là tác giả của bức thư Bixby. |
Có những chi tiết khác liên quan đến bà Bixby cũng khiến nhiều người nghi ngờ tính xác thực của lá thư. Một bài báo trên tờ Tin tức Mỹ và Thế giới cho rằng, bà Bixby không chỉ là một kẻ nói dối mà còn là một người ủng hộ phe miền nam, là chủ một nhà thổ, đồng thời là người phản đối mạnh mẽ Tổng thống Lincoln. Nếu các chi tiết trên là đúng thì ít có khả năng Tổng thống Lincoln mạo hiểm danh tiếng và địa vị chính trị của mình khi viết lá thư. Đó là bằng chứng cho thấy lá thư là giả mạo.
Ngoại trưởng John Hay - người bị nghi là giả mạo Tổng thống Lincoln viết bức thư Bixby. |
Một số nhà sử học cho rằng John Hay - Ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Lincoln, có thể là tác giả của bức thư nổi tiếng trên. Giáo sư Michael Burlingame, người viết tiểu sử Tổng thống Lincoln, đã nghiên cứu lá thư Bixby và ủng hộ mạnh mẽ giả thuyết này. Ông cho biết, có điểm tương đồng cú pháp giữa những lá thư do Ngoại trưởng Hay viết và lá thư gửi bà Bixby qua phân tích các tài liệu mà ông tìm thấy. Hơn nữa, ông không thể tìm thấy bất kỳ sự tương đồng nào giữa phong cách ngữ pháp của Tổng thống Lincoln và lá thư chia buồn nói trên. Ông Charles Hamilton, tác giả của cuốn sách “Các vụ giả mạo nổi tiếng”, cũng ủng hộ giả thuyết này và khẳng định rằng Ngoại trưởng Hay trên thực tế đã thừa nhận là tác giả của lá thư Bixby.
Khi Hamilton so sánh lá thư với các tài liệu viết tay khác của Tổng thống Lincoln, ông đã phát hiện ra rằng, kẻ giả mạo đã mắc sai lầm lớn. Giấy viết thư không phải là loại thường được Tổng thống Lincoln sử dụng, mực viết là một loại mực hiện đại, những nếp gấp của lá thư không phù hợp với loại phong bì thời Lincoln và bản thân lá thư ban đầu được viết bằng bút chì sau đó tô lại bằng mực. Các chữ viết trong lá thư "ngập ngừng và ngượng nghịu", không giống như phong cách kinh điển của Tổng thống Lincoln. Vì vậy, có thể nói rằng lá thư gửi bà Bixby hoàn toàn không phải do Tổng thống Lincoln viết, mà là sản phẩm giả mạo.
Lá thư Bixby không phải là tài liệu duy nhất được cho là của Tổng thống Lincoln bị các nhà sưu tầm, thương nhân và các nhà sử học nghi vấn. Hiện có nhiều tài liệu ngày nay được coi là "tài liệu gốc của Tổng thống Lincoln” trên thực tế là tài liệu giả mạo. Các chuyên gia về chữ và tài liệu viết tay cho biết có nhiều người rất giỏi giả mạo tài liệu, một số người trong đó đã được công nhận là “thiên tài của nghệ thuật lừa dối”.
Hoàng Yến
Đón đọc kỳ 2: Thiên tài giả mạo