'Biệt đội chó dù' trong Thế chiến II

Khi quân đồng minh chuẩn bị cho cuộc đổ bộ vào Normandy (Pháp) vào ngày Nổ súng (D-Day) tiêu diệt quân Đức, Tiểu đoàn dù 13 của Lục quân Anh đã phát triển một loại “vũ khí” mới: Những chú chó biết nhảy dù và thực hiện các nhiệm vụ trên chiến trường.

 

Kỳ 1: Chuyện về chó Brian và đồng đội

 

Brian là một “lính dù” dũng cảm, đã luyện tập chăm chỉ cùng với các binh sĩ của lục quân Anh. Brian được huấn luyện để xác định các bãi mìn và nơi ẩn náu của quân địch. Trên chiến trường, Brian đã cứu mạng nhiều đồng đội, dù không phải ai cũng biết điều đó. Vào ngày D-Day, Brian đã bung dù dưới làn mưa đạn, có mặt tại Normandy khi quân đồng minh giải phóng thành phố này. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Brian được trao thưởng huân chương Dicken, nhằm ghi nhận “lòng dũng cảm đáng nể phục”. Tuy nhiên, tấm huân chương này không phải là thứ duy nhất để phân biệt Brian và các đồng đội của mình. Brian là tên một chú chó và là thành viên nổi bật nhất trong “Biệt đội chó dù” của quân đội Anh.


Bing và các sĩ quan, binh lính thuộc Tiểu đoàn dù 13.


Mọi việc bắt đầu vào năm 1941, khi Chiến tranh thế giới thứ hai lan rộng. Văn phòng chiến tranh Anh quốc, thông qua đài phát thanh quốc gia, đã đề nghị dân chúng cho quân đội “mượn” chó để phục vụ các nhiệm vụ chiến đấu. Chiến dịch này đã thu được thành công chỉ sau một thời gian ngắn, một phần là vì các gia đình lúc này phải vật lộn với những khó khăn của cuộc sống do chiến sự, khẩu phần ăn bị cắt giảm nên sẵn sàng cho “mượn” cún cưng. Kết quả là rất nhiều các chú chó đã có mặt trên chiến trường, chủ yếu là trong lực lượng bộ binh, và một số rất ít đã trở thành “lính dù”.


Trong giai đoạn đầu của Chiến tranh thế giới thứ hai, người Nga đã từng huấn luyện chó mang theo mìn trên lưng, tiến về phía các thiết giáp và tấn công cảm tử. Nhưng lần này, người Anh muốn nhiều hơn thế. Khi chiến sự đang ở giai đoạn ác liệt nhất, với các cuộc tấn công liên tiếp của quân đồng minh nhằm vào quân Đức, Tiểu đoàn dù 13 (Lancashire) thuộc Lục quân Anh được giao một nhiệm vụ đầy thử thách và mạo hiểm: Bằng mọi giá huấn luyện thành thục một “biệt đội chú dù”, sẵn sàng cho ngày “Nổ súng” trong chiến dịch đổ bộ vào Normandy, giải phóng nước Pháp, chọc thủng phòng tuyến mạnh nhất của quân Đức ở châu Âu. Sau khi chọn lựa kĩ càng từ hàng nghìn chú chó được “cho mượn”, Tiểu đoàn dù 13 cũng đã chọn được Brian 2 tuổi (tên chủ cũ đặt, sau gọi là Bing) cùng với hai con chó khác tên là Monty và Ranee. Tất cả đều là giống chó lai Alsatian (Bẹc giê Đức). Đây cũng chính là “biệt đội chó dù” đặc biệt từng tham gia vào Chiến tranh thế giới thứ hai.


Bing với bài tập nhảy dù.


Công việc huấn luyện được chính thức khởi động từ đầu năm 1944, với “giảng viên” chính là Hạ sĩ Lance Ken Bailey, người được tuyển chọn kĩ càng vì đã được đào tạo và có kiến thức về thú y. Trước đó, Bailey đã có quãng thời gian dài công tác tại “Trường huấn luyện chó nghiệp vụ” ở Hertfordshire (Anh). Các chú chó cũng được bố trí nơi ăn nghỉ trong các phòng ở doanh trại, với khẩu phần ăn - thường là thịt bò muối - tương đương với lính dù. Mục tiêu đặt ra là phải biến ba “lính dù” này thành những chiến binh quả cảm, có khả năng nghe, đánh hơi hoàn hảo, biết chế ngự cảm xúc, không sủa hay cắn khi có thứ gì đó bất ngờ rơi, hiện ra trước mặt và xung quanh.


Công việc huấn luyện “biệt đội chó dù” này vì thế rất vất vả. Đầu tiên là phải làm cho chúng quen, thích nghi tốt với âm thanh, tiếng động lớn. Trong bài tập này ở căn cứ Larkhill, những chuyên gia huấn luyện phải giữ các chú chó ngồi hàng giờ trên máy bay, giữa tiếng ì ầm của động cơ hoạt động hết công suất, cùng với những màn nhào lộn quay tròn. Tiếp đó là công đoạn huấn luyện trên bộ kéo dài trong hai tháng: Bing, Monty và Ranee được dạy cách đánh hơi xác định chất nổ, thuốc súng, chạy vòng tránh không để bị quân địch phát hiện, thích nghi với tiếng súng đạn trên chiến trường...


Công đoạn tiếp theo mới thực sự gian nan nhất: Thuần thục các bài tập nhảy dù. Hình thể mỏng của ba “lính dù” này là một lợi thế, vì trong các bài nhảy, chúng có thể sử dụng các loại dù được thiết kế để có thể mang theo cả một chiếc xe đạp. Bailey và đồng đội đã nghĩ ra một cách thức khá truyền thống. Trước mỗi bài tập nhảy, Bing, Ranee và Monty đều bị bỏ đói, không được ăn hay uống bất cứ thứ gì. Bailey cầm theo một miếng thị bò để “nhử”. Các chú chó đói bụng sẽ lè lưỡi, chỉ trực xông đến “cướp đồ”, nhưng nếu muốn ăn chúng sẽ phải “bay” theo Bailey. Ngày 2/4/1944, màn nhảy đầu tiên được thực hành, với “lính dù” là Ranee. Bailey nhớ lại: “Sau khi bật dù, tôi hướng về phía trước mặt. Ranee cách tôi khoảng 30 m, ở phía trên. Dù của Ranee đã bật và khẽ đung đưa. Lúc đầu, trông nó có vẻ hơi bối rối, nhưng không có dấu hiệu nào của sự hoảng loạn hay sợ hãi. Tôi hét to, Ranee lập tức quay về phía tôi, đuôi ngoáy tít. Tôi tiếp đất trước, tại thời điểm Ranee còn ở trên không khoảng 24 m. Trông nó hoàn toàn thư thái, không hề bấn loạn hay phản kháng tiêu cực sau cú tiếp đất. Từ khoảng cách 12 m, tôi chạy đến, gỡ dù, rút miếng thịt chìa về phía Ranee”. Sau các bài nhảy đầu tiên thành công, Bailey thường thưởng cho Bing và hai “đồng đội” các món ăn ngon. Công việc cứ lặp đi lặp lại như vậy, cho đến khi người huấn luyện có thể tự đẩy lũ chó khỏi máy bay mà không phải dỗ dành ngon ngọt. Cuối cùng cũng đến thời điểm các “lính dù” đặc biệt kia tự bật nhảy khỏi máy bay không một chút chần chừ, thậm chí còn thích thú, ngoáy đuôi khi bay xuống đất.

 

Hoài Thanh

 

Đón đọc kỳ cuối: Cuộc tấn công trong ngày D-Day

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN