Bố già điện Kremlin - Kỳ 1: Từ tiến sĩ toán thành ông trùm

Có người gọi ông ta là “bố già điện Kremlin”, “bố già của các bố già Nga”, có người lại gọi ông ta là “giấc mơ đã mất của thời hậu Xô Viết”. Ông ta là Boris Berezovsky, người rơi từ vị trí một nhân vật quan trọng trong điện Kremlin, một tỷ phú số 1 trên đỉnh cao quyền lực trong những năm 1990 ở Nga, xuống thành một người tị nạn chính trị ở Anh, một con nợ sau những phiên tòa làm ông ta lụi bại cả danh tiếng lẫn tài sản kếch xù, rồi u uất, rồi chết trong một hoàn cảnh gây tranh cãi như chính bản thân con người ông ta. Người ta ví cuộc đời của Berezovsky như là một trong những vở kịch kịch tính nhất của nước Nga thời hậu Xô Viết.


 

Boris Berezovsky.

Sinh năm 1946 ở thủ đô Mátxcơva (Nga), Boris Berezovsky là con của Abram Markovich Berezovsky, một kỹ sư xây dựng người Do thái, và bà Anna Gelman, một y tá. Berezovsky nghiên cứu toán ứng dụng, lấy bằng tiến sĩ toán năm 1983.


Trước đó, Berezovsky đã tốt nghiệp Viện Kỹ sư lâm nghiệp Mátxcơva năm 19, trải qua nhiều công việc như kỹ sư, trợ lý nghiên cứu, nghiên cứu viên và cuối cùng trở thành một trưởng khoa thuộc Viện Khoa học kiểm soát, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Xô Viết. Trong hơn 20 năm làm việc ở viện này, Berezovsky đã nghiên cứu về lý thuyết tối ưu hóa và kiểm soát, viết tổng cộng 16 cuốn sách và bài báo từ năm 1975 đến 1989.


Là một học giả Xô Viết nổi tiếng, một thiên tài toán học, Boris Berezovsky lẽ ra đã có thể làm một nhà nghiên cứu thành danh, viết lách sách vở, ngày ngày đi giảng dạy để kiếm một khoản lương bình thường. Thế nhưng, thời thế đã dẫn Berezovsky sang một ngã rẽ khác.


 

Berezovsky (phải) và Mikhail Khodarkovsky - hai ông trùm lừng lẫy nước Nga tại một buổi tiệc ở Mátxcơva.

 

Liên bang Xô Viết sụp đổ là một trong những lý do khiến các ngành khoa học cơ bản có nguy cơ bị xóa sổ. Đột nhiên bị cắt nguồn tài trợ nhà nước, ngành khoa học cơ bản thời hậu Xô Viết chết dần chết mòn trong những tòa nhà viện hàn lâm đổ nát, từng một thời là cái nôi nuôi dưỡng nghiên cứu khoa học nổi tiếng thế giới.


Đây là lúc mà mọi người phải đối mặt với một tình huống nan giải, đớn đau: Bắt đầu một cuộc sống mới từ con số không hay là bám lấy cuộc sống cũ ngày càng lạc lõng và thừa thãi. Đây là lúc mà mọi người đều phải tự tìm cách tồn tại và Berezovsky cũng không phải ngoại lệ. Anh ta quyết định giã từ dứt khoát với quá khứ Xô Viết. Nhờ trí thông minh hơn người, kỹ năng giao tiếp nổi trội, xuất hiện đúng chỗ, đúng thời điểm những năm 1990 khi diễn ra cuộc tư nhân hóa các công ty nhà nước, mà Berezovsky đã tận dụng thời kỳ chuyển tiếp, biến chúng thành lợi thế của riêng mình.


Khi đó, thế giới chứng kiến một nước Nga siêu lạm phát, chìm trong những cuộc thanh toán lẫn nhau và tham nhũng. Những ông trùm Nga móc nối với tội phạm và quan chức tha hóa để “xà xẻo” khối tài sản to lớn của đất nước, bòn rút của cải và trở nên cực kỳ giàu có. Berezovsky là một trong những người trục lợi nhiều nhất trong giai đoạn đen tối này. Có người còn nói không ai hưởng lợi nhiều hơn Berezovsky trong giai đoạn nước Nga rơi xuống vực thời đó.


 

Berezovsky (phải) năm 1987 trong thời gian tham gia một hội thảo chuyên đề toán học.

Tận dụng cuộc cải tổ trong nước, Berezovsky lần đầu xuất hiện trên thương trường năm 1989 với việc thành lập công ty Logovaz - công ty sản xuất phần mềm cho hãng sản xuất ô tô AvtoVAZ. Mục đích ban đầu là phát triển phần mềm quản lý nhưng Berezovsky nhanh chóng chuyển sang buôn ô tô.
Công việc kinh doanh ô tô của Berezovsky phất lên nhanh chóng. Ông ta nhận ô tô ký gửi và sau khi bán hết mới thanh toán cho nhà sản xuất. Vào thời điểm thanh toán, tình trạng siêu lạm phát trong giai đoạn 1992 - 1994 lên tới 20%/tháng đã khiến tiền mất giá mạnh nên xét về giá trị, Berezovsky chỉ phải trả một nửa số tiền bán ô tô cho nhà sản xuất và bỏ túi một khoản tiền kếch xù. Chỉ trong vòng 4 năm, khi đồng nghiệp cũ không mua nổi một chiếc xe Lada thì Berezovsky đã sở hữu cả đại lý buôn bán ô tô lớn nhất của hãng Avtovaz tại Nga, chiếm hơn 10% doanh số của hãng ở nước này.


Năm 1993, Berezovsky đã khởi động một dự án khác dưới cái tên Liên minh ô tô toàn nước Nga (AVVA). AVVA bán trái phiếu trị giá 50 triệu USD cho các nhà đầu tư Nga, hứa trả họ bằng ô tô mới trong tương lai. Ý tưởng của dự án này là dùng tiền để thành lập một dây chuyền lắp ráp mới cho hãng Avtovaz.


Nhưng mãi đến năm 1996, AVVA mới bắt đầu đầu tư vào một nhà máy lắp ráp nhỏ ở Phần Lan. Trong gần 3 năm đó, mặc cho nhà đầu tư mòn mỏi chờ ô tô mới và hãng Avtovaz trượt tới bờ vực phá sản, Berezovsky dùng tiền của các nhà đầu tư để làm những việc mình thích. Ông ta mua các bất động sản hạng A trị giá 300 triệu USD ở Mátxcơva và St. Petersburg. Ông ta cũng mua một trong những tờ báo có tiếng nhất nước Nga, tờ Nezavisemaia Gazeta, một tạp chí tin tức nổi tiếng và một phần kênh truyền hình TV6. Cổ phần của hãng hàng không Aeroflot cũng nằm trong tay của ông trùm này. Theo ước tính của tạp chí Forbes năm 1997, Berezovsky có trong tay khoảng 3 tỷ USD.


Nhưng không chỉ dừng tham vọng trên thương trường, ông trùm Berezovsky còn len chân cả vào chính trường và cũng nổi tiếng không kém.


Thùy Dương

 

Đón đọc kỳ tới: “Người nhà” của Tổng thống Yeltsin

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN