Vào tháng 10/2018, một chiếc 737 Max 8 của hãng hàng không giá rẻ Lion Air (Indonesia) đã rơi chỉ 13 phút sau khi cất cánh khiến 189 người thiệt mạng. Nguyên nhân dẫn đến vụ rơi máy bay 737 Max-8 của Lion Air vẫn đang trong quá trình điều tra. Ngày 10/3, chiếc Boeing 737 Max 8 thuộc Hãng hàng không Ethiopian Airlines rơi sau 6 phút cất cánh, khiến 157 người thiệt mạng.
Hai vụ rơi máy bay này khiến truyền thông dồn sự chú ý vào Boeing 737 Max 8, nhiều quốc gia đình bay phi cơ này còn hành khách thì tỏ ra lo ngại.
Kênh CNN (Mỹ) đánh giá Boeing 737 Max 8 đáng lẽ đóng vai trò đưa Boeing tới con đường thành công nhiều hứa hẹn bởi đây là loại phương tiện hàng không đáp ứng nhu cầu hiện tại. Trong trường hợp dòng Boeing 737 Max 8 thực sự gặp vấn đề thì tương lai của Boeing sẽ gặp phải nhiều chông gai.
Đây là khủng hoảng của Boeing ở thời điểm hiện tại nhưng bê bối tương tự từng xảy ra khi chỉ trong vòng 4 tháng từ cuối năm 1965 đến đầu năm 1966, có tới 4 chiếc Boeing 727 mới gặp nạn. Trong đó có 3 chiếc rơi trong quá trình hạ cánh tại sân bay Mỹ.
Một chiếc 727 của hãng hàng không United Air Lines đã rơi tại hồ Michigan vào ngày 16/8/1965.
Ngày 8/11/1965, chiếc 727 của American Airlines rơi khi đang tiến đến sân bay Greater Cincinnati (Kentucky) khiến 62 người trong tổng số 66 hành khách và thành viên phi hành đoàn tử nạn. Chỉ 3 ngày sau đó, chiếc 727 của United Airlines rơi khi hạ cánh tại sân bay quốc tế Salt Lake City khiến 43 người thiệt mạng.
Ngày 4/2/1966, chiếc 727 của All Nippon Airways (Nhật Bản) rơi xuống biển khi đang hướng đến sân bay Haneda tại Tokyo.
Giáo sư Bill Waldock tại Đại học Hàng không Embry-Riddle cho biết: “Khi đó nhiều tờ báo giật dòng tít “727 chết chóc”. Nhiều người gọi điện yêu cầu ngừng bay phi cơ này”.
Sau vụ rơi chiếc 727 thứ ba, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ra tuyên bố không nhận thấy trùng hợp trong các vụ rơi máy bay. Do vậy khi đó FAA từ chối đình bay dòng 727.
Dòng Boeing 727 có 3 động cơ trên đuôi máy bay, điều này cho phép tiết kiệm nhiên liệu so với Boeing 707 có 4 động cơ, vốn là phi cơ thương mại đầu tiên của hãng.
Boeing 727 còn có phần cánh cải tiến giúp giảm tốc nhanh hơn hỗ trợ máy bay này hạ cánh trên đường băng ngắn. Nhưng những phi công điều khiển 4 chiếc 727 gặp nạn dường như chưa kịp chuẩn bị cách xử lý khi phi cơ hạ cánh với loại cánh mới này.
Ủy ban hàng không dân dụng và Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Mỹ khi đó đều đi đến kết luận Boeing 727 an toàn và nguyên nhân dẫn đến các vụ rơi phi cơ này là do phi công.
Boeing sau đó tập trung vào việc đào tạo phi công sử dụng máy bay mới, những vụ tai nạn tương tự không xảy ra.
CNN cho biết 727 còn trở thành dòng máy bay bán chạy nhất trong lịch sử của Boeing tính đến nay, với tổng cộng 1.831 chiếc.
Boeing đã vượt qua “cơn bão” ập đến với dòng 727 trong thập niên 60 của thế kỷ trước, vậy bài học mà hãng sản xuất này rút ra được từ quá khứ là gì?
Thứ nhất, việc tối cần thiết là công tác đào tạo phi công. CNN đưa tin các phi công chưa hề sẵn sàng cho việc điều khiển 727 do vậy dẫn đến tai nạn trước đây.
Thứ hai, hành khách có thể vượt qua nỗi sợ của họ và tiếp tục lựa chọn lên máy bay của Boeing nếu hãng hàng không này có thể chứng minh và tạo tin cậy về độ an toàn.