Năm 2005: Hai nhà khoa học Mỹ Robert Grubbs và Richard Schrock và nhà khoa học người Pháp Yves Chauvin cùng được trao giải thưởng Nobel Hóa học vì những cống hiến của họ trong tìm ra cách giảm sản phẩm phụ là các chất độc hại vào môi trường trong các phản ứng hóa học tổng hợp. Phát hiện của họ được đánh giá là một bước tiến lớn hướng tới “hóa học xanh”.
Roger D.Kornberg (năm 2006). |
Năm 2006: Nhà khoa học người Mỹ Roger D.Kornberg được trao giải thưởng Nobel Hóa học với công trình nghiên cứu phương thức các tế bào nhận thông tin từ gien để tạo ra prôtêin.
Ông Kornberg đã tập trung nghiên cứu cách thức thông tin lưu trữ trong gien được sao chép và chuyển tới các tế bào sản sinh ra prôtêin. Ông là người đầu tiên đưa ra hình ảnh rõ ràng về quá trình này ở cấp độ phân tử. Công trình này của ông có tầm quan trọng to lớn đối với y học, đặc biệt trong nghiên cứu phương pháp trị bệnh có sử dụng các tế bào gốc.
Năm 2007: Giáo sư, tiến sĩ Gerhard Ert người Đức được trao giải thưởng Nobel Hóa học nhờ những công trình nghiên cứu về các quá trình hóa học trên bề mặt rắn, góp phần lý giải hiện tượng tầng ôzôn bao phủ Trái Đất đang ngày một mỏng đi.
Công trình nghiên cứu của ông có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành hóa học, giúp hiểu rõ các quá trình hóa học như sắt bị han gỉ, cơ chế hoạt động của pin nhiên liệu và các chất xúc tác trong xe ô tô.
Năm 2008: Hai nhà khoa học người Mỹ Martin Chalfie, Roger Y. Tsien và nhà khoa học người Nhật Bản Osamu Shimomura được trao giải thưởng Nobel Hóa học nhờ những phát hiện về tế bào huỳnh quang (GFP). GFP được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu như y học, công nghệ sinh học và sinh học tế bào.
Dựa vào phát hiện này, các nhà nghiên cứu có thể sử dụng GFP để lần theo dấu vết những tế bào thần kinh bị phá hủy do bệnh alzheimer hoặc xem cách tế bào beta sản sinh insulin được tạo thành như thế nào trong tuyến tụy của một phôi thai đang phát triển.
Nhà khoa học Osamu Shimomura, Martin Chalfie và Roger Y. Tsien (từ trái qua phải - năm 2008). |
Năm 2009: Ba nhà khoa học là Venkatraman Ramakrishnan (người Mỹ gốc Ấn Độ), Thomas Steits (người Mỹ) và Ada E.Yonath (người Ixraen) được trao giải thưởng Nobel Hóa học năm 2009 nhờ những công trình nghiên cứu của họ về cấu trúc và chức năng của ribô thể (ribosome), là nơi tổng hợp prôtêin trong tế bào dựa trên thông tin di truyền ARN của tế bào.
Công trình nghiên cứu này đã đặt nền móng cho những hiểu biết khoa học về sự sống, đồng thời rất hữu ích trong bào chế và phát triển các loại thuốc kháng sinh mới.
Nhà khoa học Venkatraman Ramakrishnan, Thomas Steits và Ada E.Yonath (từ trái qua phải - năm 2009). |
Năm 2010: Ba nhà khoa học gồm Richard Heck (người Mỹ), Eiichi Negishi và Akira Suzuki (người Nhật Bản) đã trở thành các đồng chủ nhân giải thưởng Nobel Hóa học 2010 vì có công tìm ra cách thức liên kết các phân tử cácbon để từ đó tạo ra các hợp chất được ứng dụng trong nghiên cứu điều trị bệnh ung thư, bào chế dược phẩm, công nghiệp điện tử và nông nghiệp.
Công trình của họ rất có ý nghĩa khi con người đang rất cần các loại thuốc mới để chữa trị ung thư, ngăn chặn sức tàn phá của virút ung thư đối với nội tạng, cũng như cần bảo vệ mùa màng.
Minh Lan (tổng hợp)