Thời ông Blair làm thủ tướng Anh, có một chính phủ và một lãnh đạo mà ông Blair đặc biệt thân thiết, đó là nhà lãnh đạo Moamer Gaddafi của Libya. Ông Gaddafi bị phương Tây coi là độc tài, tài trợ chủ nghĩa khủng bố, là người chịu trách nhiệm cuối cùng cho vụ đánh bom chiếc máy bay của hãng Pan Am trên bầu trời Lockerbie. Thế nhưng với ông Blair, ông Gaddafi đơn thuần chỉ là cơ hội.
Năm 2004, sau khi Cơ quan tình báo Anh MI6 thuyết phục ông Gaddafi chấp nhận viện trợ của phương Tây để đổi lấy việc Libya từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt, Thủ tướng Blair đã vui vẻ lên đường tới Libya. Khi “dính phần” vào “thỏa thuận trên sa mạc” này, ông Blair cảm thấy ông sẽ có thêm uy tín cần thiết, đặc biệt là sau những gì ông gây ra với cuộc chiến Iraq.
Ông Blair và nhà lãnh đạo Libya Gaddafi. |
Để thể hiện thiện chí, ngay trước khi ông Blair tới Libya, MI6 và Cục tình báo trung ương Mỹ đã tổ chức bắt cóc một phần tử thánh chiến Libya và vợ đang sống ở Thái Lan rồi sắp xếp đưa họ tới Libya để thẩm vấn. Bằng chứng mà hai vợ chồng này đưa ra đã được sử dụng tại tòa án Anh để phát lệnh trục xuất về Libya những phần tử bất đồng chính kiến Libya khác đang sống ở London. Cùng lúc đó, MI6 và tình báo Libya bắt đầu chiến dịch chung chống những người Libya là thành viên Tổ chức Chiến đấu Hồi giáo Libya và đang sống ở Anh. Thư mà Giám đốc bộ phận chống khủng bố của MI6 Mark Allen gửi Giám đốc Tình báo Libya Moussa Koussa đã yêu cầu giữ bí mật thỏa thuận hợp tác, không được cho luật sư, tổ chức nhân quyền và báo chí biết. Chiến dịch chung giữa Anh và Libya chắc chắn cần được ông Blair thông qua, thế nhưng ông Blair sau đó cho biết ông “không nhớ gì hết”!
Sau khi gặp ông Gaddafi ở Libya, Thủ tướng Blair ra về với tâm trạng chiến thắng và cả hai thường xuyên giữ liên lạc. Năm 2006, ông Blair đã viết thư cho ông Gaddafi sau khi một quan tòa Anh từ chối trục xuất hai người bất đồng chính kiến Libya về nước. Ông Blair viết: “Tôi rất thất vọng về quyết định của tòa”.
Năm sau, trong những tuần cuối cùng trước khi rời nhiệm sở, ông Blair lại thăm ông Gaddafi. Đi cùng ông lần này là Chủ tịch tập đoàn dầu khí BP và Giám đốc bộ phận phản gián của MI6. BP có kế hoạch nối lại hoạt động thăm dò dầu ở Libya, nhưng mục đích của ông Blair thì tinh vi hơn.
Ông muốn tận dụng thời gian còn lại để xoa dịu ông Gaddafi bằng cách hứa thả Abdelbaset al-Megrahi - một người Libya bị kết án vì liên quan tới vụ đánh bom Lockerbie đang bị giam ở Scotland. Al- Megrahi vẫn ngồi tù còn ông Blair, sau khi rời nhiệm sở đã lại xuất hiện ở Libya năm 2008 với tư cách đặc phái viên hòa bình Trung Đông, lần này đi cùng một số quan chức ngân hàng J.P. Morgan.
Ông Gaddafi sẵn sàng đồng ý với đề nghị của J.P. Morgan về giấy phép giao dịch với Libya. Tiếp đó, ông Blair đã đề nghị ông Gaddafi cấp tiền cho các chương trình giáo dục cho người Palestine. Sau khi bị vận động quá nhiều, ông Gaddafi đồng ý nhưng chỉ đưa 1 triệu USD, sẽ giải ngân trong hai năm.
Ông Blair và Gaddafi trong một chiếc lều trên sa mạc. |
Sau chuyến thăm này, ông Blair viết thư cho nhà lãnh đạo Libya, gợi ý ông cũng nên đầu tư cho các dự án ở châu Phi vì “như ngài biết tôi đang làm rất nhiều việc ở đó và biết nhiều dự án tốt, đáng giá để đầu tư”. Năm sau, ông Blair lại tới gặp ông Gaddafi bằng chiếc máy bay của nhà lãnh đạo Libya cấp. Lần này, ông Blair giới thiệu với ông Gaddafi một nhân vật tên là Tim Collins - một tỷ phú Mỹ muốn bàn việc cung cấp lưới chống muỗi để phòng chống dịch sốt rét. Trong cuộc gặp, ông Gaddafi đã kêu gọi ông Collins đầu tư vào một khu nghỉ dưỡng du lịch ở bờ biển Libya. Ông Collins rất ngạc nhiên khi ông Blair khuyến khích ý tưởng này và ông dần nhận ra rằng vị cựu thủ tướng đang tìm cách kiếm chút tiền hoa hồng. Ông thầm nghĩ: “Mình không cần Blair cho kinh doanh” và rất tức giận khi cảm thấy như mình bị lừa đến Libya.
Sau cuộc gặp, ông Collins quay sang ông Blair và tuyên bố: “Gã Gaddafi này thật điên rồ. Tôi thà chết đói còn hơn làm ăn với một gã hoàn toàn điên rồ”. Sau đó, ông lái xe một mình tới sân bay còn ông Blair ở lại Libya để tiếp tục làm trung gian các thương vụ khác, để thảo luận việc trao đổi tù nhân và đàm phán các khoản đóng góp cho quỹ AGI của mình. Tuy nhiên, một cản trở lớn với ông Blair ở Libya là al-Megrahi vẫn ở trong tù. Ông Gaddafi đe dọa sẽ cắt đứt quan hệ thương mại với Anh trừ khi người này được thả.
Ông Blair đảm bảo với vị chủ nhà là ông sẽ một lần nữa làm trung gian trong vụ thả al-Megrahi lúc đó đang bị ung thư tiền liệt tuyến. Cuối cùng, tù nhân này cũng được thả vì lý do nhân đạo vào tháng 8/2009 khi bác sĩ bảo anh ta chỉ còn 3 tháng nữa để sống. Thế nhưng, Megrahi mãi đến tháng 5/2012 mới chết.
Bị J.P. Morgan và các công ty khác quan tâm tới mỏ dầu ở Libya thúc giục, ông Blair đã khăn gói thăm nhà lãnh đạo Gaddafi tổng cộng 6 lần trong hai năm sau khi không làm thủ tướng Anh nữa. Tháng 4/2010, vợ ông là bà Cherie đã nhận được một khoản đóng góp lớn cho Quỹ Vì phụ nữ của bà từ Oxand - một công ty tư vấn Pháp đang theo đuổi các thương vụ ở Libya. Cả bà và chồng dường như đều không áy náy gì về các khả năng xung đột lợi ích có thể xảy ra.
Tuy nhiên, thời của ông Gaddafi chỉ còn tính từng ngày. Tháng 2/2011, ông bắt đầu đàn áp phong trào nổi dậy. Khi không thể thuyết phục ông Gaddafi dừng lại, ông Blair đề nghị Thủ tướng David Cameron cho ông Gaddafi một nơi trú ẩn an toàn nhưng bị từ chối. Ông Gaddafi sau đó đã bị một nhóm người Libya giết hại.
Xem từ Kỳ 1: Ranh giới từ thiện và làm ăn