Tháng 6/1944, những đơn vị tinh nhuệ nhất, xe tăng mạnh nhất của Đức Quốc xã được lệnh tập kết tại khu vực Calais ở miền bắc nước Pháp. Trong khi phát xít Đức chuẩn bị cho một trận sống mái với quân Đồng minh tại Calais thì đối phương lại đổ bộ lên bán đảo Normandy, tiến về Pari, phá tan thế bố trí lực lượng của quân Đức. Tại sao quân Đức lại tập kết ở Calais chứ không phải Normandy? Nguyên nhân không nằm ở sự “ấm đầu” của giới tướng lĩnh Đệ tam Đế chế, mà là bởi họ trúng phải kế sách liên hoàn của quân Đồng minh
Kỳ 3: Chiến công của “Garbo”
Chiều 3/6/1944, Thống chế Erwin Rommel, người chịu trách nhiệm tổ chức phòng thủ bờ biển phía tây nước Pháp đề phòng khả năng quân Đồng minh đổ bộ tấn công lên chiếc limousine, đến gặp chỉ huy trực tiếp của mình, Thống chế Gerd von Runstedt, tại Bộ Chỉ huy mặt trận phía tây ở thị trấn St-Germain-en-Laye thuộc vùng thủ đô Pari (Pháp). Rommel muốn về thăm nhà ở Herrlingen (bang Baden-Wurttemberg, Đức) để dự sinh nhật vợ vào hôm sau. Rommel hứa với Runstedt rằng ông ta sẽ trở lại Pháp vào ngày 8/6/1944. Runstedt thấy chẳng có lý do gì để giữ Rommel ở lại.
Tại Đức, Bộ Chỉ huy Thống soái cũng cho rằng nếu quân Đồng minh có mở chiến dịch đổ bộ lên Pháp, địa điểm được chọn sẽ là Calais. Chính vì thế, quân Đức đã tập trung bày binh bố trận ở bờ biển phía tây của Pháp. Chúng dựng lên tại đây hàng loạt chướng ngại vật, cả nổi trên mặt nước và ngầm dưới biển. Trên bờ, quân Đức cũng cho xây dựng thêm nhiều lô cốt, ụ súng máy cùng các bức tường chống tăng, hàng rào thép gai và bãi mìn.
Một trong những căn cứ mà giới chức quân sự Đức lấy làm cơ sở để đưa ra nhận định và đối sách trên là các thông tin tình báo do điệp viên mang mật danh “Arabel” cung cấp. Arabel tên thật là Juan Pujol sinh năm 1912 tại Barcelona (Tây Ban Nha), rất được Cục Tình báo Quân sự Đức (Abwehr) tin dùng. Tháng 1/1944, người Đức cho Pujol biết là họ ngờ rằng quân Đồng minh đang chuẩn bị cho một chiến dịch đổ bộ quy mô lớn lên châu Âu đại lục và yêu cầu Pujol theo dõi, báo kịp thời sự phát triển của tình hình.
Súng trên tàu USS Nevada của Mỹ đang khạc đạn vào các mục tiêu ở Normady ngày 6/6/1944. |
Abwehr không thể ngờ rằng Pujol đã được tình báo Anh tuyển dụng và hoạt động dưới mật danh “Garbo”. Lý do Pujol bắt tay hợp tác với người Anh, chống lại người Đức xuất phát từ sự căm ghét nhà độc tài Tây Ban Nha Francisco Franco. Điệp viên này tin rằng chỉ có chiến thắng của quân Đồng minh trong chiến tranh mới hạ bệ được Franco. Pujol đã tham gia và đóng vai trò quan trọng trong Chiến dịch Ngoan cường (Fortitude Operation), được quân Đồng minh vạch ra nhằm đánh lừa phát xít Đức, không cho chúng biết được ý định thực sự của quân Đồng minh.
Từ tháng 1/1944 đến D-Day, Pujol và trạm tình báo Lixbon ở Bồ Đào Nha (trung tâm chỉ huy hoạt động của Abwehr tại châu Âu) đã trao đổi qua lại tổng cộng hơn 500 bức điện mật (trung bình 4 bức điện mật mỗi ngày). Những thông tin Pujol gửi về Lixbon đều được tình báo Anh “bơm” cho không chỉ nhằm che giấu sự chuẩn bị của Chiến dịch Bá vương, mà còn lái sự quan tâm của quân Đức vào Calais. Pujol khẳng định thông tin cho rằng quân Đồng minh sẽ đổ bộ lên Normandy chỉ là sự bịp bợm. Cuộc tấn công chính sẽ nổ ra tại Calais.
8 giờ 35 phút tối 1/6/1944, từ Hendon (ngoại ô Luân Đôn, Anh), Pujol gửi cho Abwehr bức điện ngắn, thông báo nhiều đơn vị không quân thuộc sư đoàn 6 của Mỹ đã có mặt ở Suffolk (East Anglia, miền đông nước Anh). 20 giờ 51 phút tối 3/6/1944, Pujol gửi một bức điện khác cho biết sư đoàn bộ binh 80 của Mỹ, dưới sự chỉ huy của Tướng George Patton đã có mặt tại cảng Harwich (Essex, miền đông nước Anh).
Đây đều là những dấu hiệu cho thấy đồng minh xây dựng lực lượng để tấn công qua Eo biển Anh về phía Calais. Sau đó, chúng lại được lực lượng trinh sát vô tuyến điện, trinh sát đường không của Đức “chứng thực”. Cho nên, giới chóp bu quân đội Đức lại càng tin tưởng vào khả năng Calais sẽ được quân Đồng minh lựa chọn làm địa điểm đổ bộ.
Trước giờ G khoảng 30 phút, dưới sự chỉ đạo của tình báo Anh, Pujol gửi điện báo cáo Abwehr rằng quân Đồng minh có dấu hiệu chuẩn bị cho cuộc tấn công đổ bộ đường biển khi binh lính đóng ở Southampton (Anh) được phát bộ trang bị cho việc đi tàu, trong đó có túi nôn. Kỳ thực đây là đòn đánh được chuẩn bị rất kỹ. Nó giúp Pujol nâng cao uy tín đối với Abwehr và do khoảng thời gian còn lại rất ngắn, không đủ để quân Đức kịp đưa ra phản ứng.
Đỉnh cao của các trò lừa gạt của Pujol là vào ngày 9/6/1944, nghĩa là khi Chiến dịch Bá vương đã tiến hành được ba ngày. Hôm đó, Pujol gửi cho Abwehr một bức điện dài, miêu tả tường tận về việc 40 sư đoàn quân Đồng minh đang bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu và một lượng lớn tàu đổ bộ đang tập kết ở Eo biển Dover (ở Anh, đối diện với Calais của Pháp). Chiến dịch đổ bộ thực sự chuẩn bị bắt đầu và những hành động hiện nay ở Normandy chỉ là nghi binh để đảm bảo sự thành công của việc tấn công Calais.
Thông tin tình báo này đã làm nhiễu loạn nghiêm trọng những phân tích và phán đoán của Bộ Chỉ huy Thống soái Đức, khiến cho quân Đức phòng ngự ở Normandy không có được sự chi viện kịp thời. Đây là một trong những nhân tố then chốt đảm bảo thắng lợi cho Chiến dịch Bá vương. Mỉa mai thay, danh tiếng của Pujol không ngừng tăng lên trong những ngày diễn ra Chiến dịch Bá vương. Ngày 29/7/1944, Pujol được thông báo Béclin quyết định tặng thưởng Pujol Huân chương Chữ thập sắt “vì những cống hiến phi thường cho nước Đức”.
Gia Hân (Tổng hợp)